BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Giao lưu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau" khu vực phía Bắc

16/05/2025 11:20

Sáng ngày 16/5/2025, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) đã long trọng tổ chức chương trình giao lưu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau" khu vực phía Bắc.

Dự chương trình, về phía Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban tổ chức chương trình; Ông Nguyễn Thế Huân, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Phó ban tổ chức chương trình; Bà Đỗ Minh Hương, Chánh Văn phòng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Cùng dự chương trình có đại diện lãnh đạo Ban, phòng Thi đua - Khen thưởng các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình, Lào Cai, Bắc Kạn, Bắc Ninh.

Đặc biệt, trong chương trình có sự tham gia của đại diện 6 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua. Đó là: Ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá; Ông Doãn Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai; Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan, thôn Chè Cọ, xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn; Ông Lê Minh Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tràng An Ninh Bình; Bà Nguyễn Thị Mơ, thôn Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; Bà Trần Thị Chung, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng.

Lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tặng hoa các điển hình tiên tiến tham gia chương trình giao lưu khu vực phía Bắc

Ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 90/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thời gian qua, các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố cùng các tổ chức kinh tế, xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp và người dân đã tích cực triển khai, cụ thể hóa phong trào, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống người dân, đặc biệt tại các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Các dịch vụ thiết yếu như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin và tín dụng ưu đãi được chú trọng đầu tư, hỗ trợ; diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay tích cực, ngày càng khởi sắc.

Phát biểu khai mạc tại chương trình, Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, công tác xoá đói, giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương lớn của Đảng trong suốt quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển, xây dựng đất nước. Đảng, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Công tác giảm nghèo đã đạt được thành tựu lớn, các hộ nghèo đã có xu hướng giảm, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều địa phương đã có các chính sách hỗ trợ để dân có công việc, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2024 còn dưới 1,9%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%.

Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp của phong trào thi đua "Vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau". Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tham gia chương trình có 6 tập thể và cá nhân tiêu biểu nhất giao lưu trực tiếp, chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến cùng các câu chuyện truyền cảm hứng trong hành trình vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và hỗ trợ cộng đồng, góp phần thiết thực vào việc thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Huyện Bá Thước dự kiến trở thành một trong hai huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

Huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa là địa phương miền núi đạt nhiều thành tựu nổi bật trong công tác giảm nghèo, phát triển sản xuất và du lịch cộng đồng. Mặc dù là huyện miền núi, dân số trên 104.000 người thuộc ba dân tộc chính là: Mường, Thái và Kinh cùng sinh sống, nhưng huyện Bá Thước đã nỗ lực vượt khó, từng bước vươn lên bằng chính nội lực của mình. Hiện nay, huyện Bá Thước có 13 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đã xây dựng thành công hàng chục mô hình giảm nghèo như: Mô hình nuôi bò sinh sản tại các xã Điền Quang, Ái Thượng; mô hình trồng rừng, kết hợp chăn nuôi tại các xã: Thành Sơn, Thiết Ống. Ngoài ra, hiện nay Bá Thước đã có trên 60 cơ sở lưu trú cộng đồng theo hình thức homestay; có hơn 100 hộ được hưởng lợi gián tiếp từ việc tham gia chăn nuôi, trồng rau sạch, dệt thổ cẩm và các dịch vụ khác... cung cấp cho các nhà hàng, phục vụ khách du lịch. Dự kiến đến năm 2025, huyện sẽ giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống còn 8,13%, trở thành một trong hai huyện đầu tiên của Thanh Hóa thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

Ông Ngọ Đình Hải (Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá) và Ông Doãn Văn Vĩnh (Phó Chủ tịch UBND xã Võ Lao, tỉnh Lào Cai) giao lưu tại chương trình

Xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai liên tục hoàn thành, vượt các chỉ tiêu giảm nghèo và trở thành địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện trong giai đoạn 2021 - 2025

Nhân dân và cán bộ xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai là một trong những điển hình tiêu biểu trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Đây là xã vùng I nằm ở phía bắc huyện Văn Bàn, với hơn 14.000 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc Tày, Kinh, Dao, Xa Phó cùng chung sống, Võ Lao từng đối mặt với không ít khó khăn về điều kiện tự nhiên và kinh tế, nhưng đã chủ động thực hiện kế hoạch giảm nghèo bền vững với nhiều giải pháp đồng bộ như: Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội. Nhờ đó, giai đoạn 2021 - 2025, xã liên tục hoàn thành, vượt các chỉ tiêu giảm nghèo và trở thành địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện.

Hợp tác xã Tài Hoan, tỉnh Bắc Kạn là điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể gắn với giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hợp tác xã Tài Hoan, thôn Chè Cọ, xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, là điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể gắn với giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thành lập năm 2018 với chỉ 14 thành viên, đến nay hợp tác xã đã mở rộng lên 40 thành viên, giải quyết việc làm ổn định cho 55 lao động địa phương - phần lớn là người dân tộc thiểu số. Dưới sự điều hành tâm huyết của bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã, Hợp tác xã Tài Hoan không ngừng mở rộng quy mô, chuyên nghiệp hóa sản xuất miến dong theo chuỗi giá trị khép kín. Hợp tác xã hiện đang liên kết với hơn 2.000 hộ dân trồng dong riềng theo kỹ thuật canh tác tiên tiến, cho năng suất và chất lượng cao. Năm 2024, sản lượng miến đạt 350 tấn, cao nhất trong số các hợp tác xã sản xuất miến của tỉnh Bắc Kạn. Sản phẩm miến dong Tài Hoan đã được công nhận đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Hoan (Giám đốc HTX Tài Hoan, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ tại chương trình về kinh nghiệm phát triển kinh tế tập thể gắn với giảm nghèo bền vững

Bà Trần Thị Chung, Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Đoàn Kết, tỉnh Cao Bằng tích cực phổ biến ứng dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ hộ nghèo trong xóm vươn lên thoát nghèo

Bà Trần Thị Chung, Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Đoàn Kết, tỉnh Cao Bằng, từ chỗ luôn thiếu đói do không có việc làm ổn định, bà đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả cao. Đồng thời, bà tích cực phổ biến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho trên 130 hộ nông dân khác; giúp đỡ, động viên 25 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn trong xóm vươn lên thoát nghèo.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mơ huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mơ, thôn Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó. Sau khi chồng mất đột ngột vào năm 2013, bà Mơ một mình nuôi 3 con nhỏ trong điều kiện khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2020 bà vay vốn đầu tư chăn nuôi, từng bước tăng thu nhập và tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Đến cuối năm 2022, gia đình bà đã trở thành hộ khá. Không chỉ vậy, bà còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các hộ nghèo khác cùng vươn lên.

Bà Nguyễn Thị Mơ (thôn Lộ Bao, tỉnh Bắc Ninh) và Bà Trần Thị Chung (xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng) tham gia giao lưu

Ông Lê Minh Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tràng An Ninh Bình, một doanh nhân điển hình với nhiều hoạt động thiện nguyện

Trong suốt 4 năm qua, Ông Lê Minh Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tràng An Ninh Bình, một doanh nhân điển hình với nhiều hoạt động thiện nguyện đã hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn các phần quà như xe lăn, quà tết, học bổng hỗ trợ học sinh khó khăn, xây nhà cho người nghèo và đồng hành cùng các phong trào hiến máu nhân đạo, trao tặng hàng nghìn suất quà đến người dân có hoàn cảnh đặc biệt, với tổng trị giá lên đến hàng tỷ đồng.

Tại chương trình giao lưu, cảm động trước tấm gương vượt khó, nỗ lực vươn lên của gia đình bà Nguyễn Thị Mơ (thôn Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), ông Lê Minh Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tràng An Ninh Bình đã trao tặng gia đình bà Mơ 1 sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng, để động viên gia đình bà tiếp tục cố gắng.

 

Minh Minh (ảnh Chí Tâm)
Tìm kiếm