Giảm 01 ĐVHC cấp huyện và 18 ĐVHC cấp xã
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Ninh Bình có 01/08 ĐVHC cấp huyện (huyện Hoa Lư) và 34/143 ĐVHC cấp xã (29 xã, 02 phường và 03 thị trấn) thuộc diện bắt buộc sắp xếp.
Đối với cấp huyện, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 02 đơn vị (01 đơn vị thuộc diện bắt buộc, 01 đơn vị thuộc diện liền kề).
Đối với cấp xã, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 34 đơn vị (gồm 22/34 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 10 đơn vị liền kề có liên quan, 02 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp); không thực hiện sắp xếp đối với 12/34 đơn vị do có yếu tố đặc thù.
Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, được thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức chính trị - xã hội và của pháp luật hiện hành (không có vướng mắc).
Liên quan tới các đơn vị sự nghiệp, đối với cấp huyện đề nghị giữ nguyên hiện trạng các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế của thành phố Hoa Lư; đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác (ngoài giáo dục, y tế) thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có tính chất tương đồng với chức năng, nhiệm vụ của huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình.
Đối với cấp xã, giữ nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) tại các ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp để bảo đảm đủ trường, lớp cho học tập của học sinh; nhập nguyên trạng các Trạm y tế trên địa bàn của các ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp nhưng vẫn giữ lại các điểm trạm (trạm y tế cấp xã cũ) để phục vụ việc khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, tại Đề án và dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ và có phương án giải quyết cụ thể đối với cán bộ, trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp.
Xây dựng phương án, lộ trình bảo đảm thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC chưa thực hiện sắp xếp theo đúng quy định
Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp; việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; bố trí, sắp xếp trụ sở, tài sản công và việc giải quyết chế độ, chính sách đặc thù của các ĐVHC hình thành sau sắp xếp của tỉnh Ninh Bình như đã nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Thành phần hồ sơ Đề án đã bảo đảm đầy đủ, đúng quy định; quá trình chuẩn bị Đề án bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Đối với thành phố Hoa Lư hình thành sau sắp xếp, Ủy ban Pháp luật cho rằng thành phố Hoa Lư hình thành sau sắp xếp đã đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 1211 và Nghị quyết số 35.
Đối với các ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp, có 11/16 ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định; có 05 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số (gồm xã Thanh Sơn, xã Tiến Thắng, xã Khánh Thiện, xã Khánh Thượng và thị trấn Phát Diệm).
Về việc không thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025, căn cứ nội dung giải trình của Chính phủ, đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 35, Ủy ban Pháp luật cho rằng, đề xuất của Chính phủ về việc không thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC là có cơ sở, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trong thời điểm hiện nay. Đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án và lộ trình để bảo đảm thực hiện sắp xếp các ĐVHC này trong những năm tiếp theo theo đúng quy định.
Thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là Đề án cuối cùng trong thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của cả nước. Theo đó, Chính phủ đã xây dựng 02 Đề án, gồm: Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025 và Đề án thành lập thành phố Hoa Lư và sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp xã thuộc thành phố Hoa Lư.
Sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, tỉnh Ninh Bình giảm 01 ĐVHC cấp huyện (chiếm 12,5%), từ 08 đơn vị xuống còn 07 đơn vị (gồm 05 huyện và 02 thành phố) và giảm 18 ĐVHC cấp xã (chiếm 12,6%), từ 143 đơn vị xuống còn 125 đơn vị (101 xã, 18 phường và 06 thị trấn).
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình trong việc quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp; việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; bố trí, sắp xếp trụ sở, tài sản công và việc giải quyết chế độ, chính sách đặc thù của các ĐVHC hình thành sau sắp xếp của tỉnh Ninh Bình. Thành phần hồ sơ Đề án đã bảo đảm đầy đủ, đúng quy định; quá trình chuẩn bị Đề án bảo đảm đúng trình tự, thủ tục.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định với 100% thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua toàn văn dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 -2025; Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Đồng thời, giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn chỉnh thủ tục trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành theo quy định.
***Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Toàn cảnh phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra
Đại diện các bộ, ngành tham dự phiên họp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình - Phạm Quang Ngọc phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tiếp thu tại phiên họp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023 - 2025
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.