Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Sáng ngày 14/10, Ban chấp hành Công đoàn Bộ Nội vụ tổ chức hoạt động thăm quan các địa chỉ đỏ tại thành phố Hải Phòng. Đây là một trong những hoạt động của Công đoàn Bộ Nội vụ tổ chức nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Tham gia chương trình thăm quan cùng các Công đoàn viên có đồng chí Nguyễn Thị Bích Thủy, Chủ tịch Công đoàn Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính làm Trưởng đoàn, các đồng chí trong Ban chấp hành Công đoàn Bộ Nội vụ, đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; đồng chí Dương Ngọc Anh, Trưởng Ban Tôn giáo Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng.
Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đoàn viên công đoàn Bộ Nội vụ; giúp mỗi công đoàn viên tham gia có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, thăm quan Di tích lịch sử tại Thành phố Hải Phòng.
Đến thăm Chùa Hộ Quốc và Đền thờ cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng nằm trong Khu lưu niệm cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, thuộc thôn Đại Độ, xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Đoàn đã làm lễ dâng hương, báo công, nghe giới thiệu về Khu lưu niệm cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh năm 1888, còn có bí danh Thoại Sơn và từng được gọi là Bác Tôn, là Chủ tịch nước thứ hai và cuối cùng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Chủ tịch nước đầu tiên của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Năm1906, sau khi học xong bậc sơ học ở trường tiểu học Long Xuyên, Cụ Tôn Đức Thắng rời quê lên Sài Gòn và đến với giai cấp công nhân đang trong quá trình hình thành. Truyền thống quê hương đất nước và cuộc sống giai cấp công nhân đã sớm rèn luyện nhiệt tình yêu nước trong Cụ. Từ đây, Cụ Tôn Đức Thắng đã hòa nhập trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp. Cả cuộc đời Cụ đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Từ tháng 6/1947 đến tháng 8/1947, Cụ Tôn Đức Thắng từng đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Nội vụ .
Tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I, họp từ ngày 01/01/1950 đến ngày 15/01/1950 tại tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có trên 200 đại biểu thay mặt cho khoảng 350.000 công nhân, viên chức, lao động về dự Đại hội. Đại hội bầu đồng chí Tôn Đức Thắng - Người thành lập và lãnh đạo Công hội Ba Son (1921) làm Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đến thăm di tích lịch sử Bạch Đằng Giang Tràng Kênh - Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên). Đoàn thành kính dâng hương báo công Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền. Tràng Kênh là vùng đất lưu giữ di chỉ của người Việt cổ, nơi giao thoa văn hóa của người miền núi ở cánh cung Đông Triều với người miền biển của văn hóa Hạ Long của các bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt. Từ trước công nguyên đến thời Bắc thuộc, Núi Tràng Kênh - Sông Bạch Đằng án ngữ con đường xâm lăng duy nhất về phương Nam của các thế lực Phương Bắc. Nơi đây, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược, cả 3 lần đều dùng trận địa cọc, cả 3 lần đều chỉ xảy ra trong 1 ngày, 1 con nước sáng lên chiều xuống và tiêu diệt gọn quân thù, bắt sống giặc, chém chết chủ tướng, làm quân thù Nam Hán, Đại Tống, Nguyên Mông đều bạt vía kinh hồn. Không một khúc sông nào nơi đây không nhuốm máu quân thù. Bạch Đằng - Tràng Kênh thực sự là một địa danh có lịch sử truyền thống hào hùng, oanh liệt trong lịch sử trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh trong chương trình thăm quan di tích lịch sử của Công đoàn Bộ Nội vụ tại Tp. Hải Phòng: