Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Theo số liệu đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 7 triệu người trên thế giới mỗi năm. Tại Việt Nam, hàng năm có hơn 40.000 người chết do các bệnh từ thuốc lá gây ra.
Tại hội thảo khoa học phòng, chống ung thư và tập huấn ghi nhận ung thư y tế do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch danh dự, nguyên Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết: “Dự đoán đến năm 2030, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người hút thuốc lá tử vong, liên quan đến thuốc lá là 8,3 triệu người. Khói thuốc lá gây ra các bệnh về tim mạch, cườm mắt, viêm phổi, viêm nướu răng, phình động mạch chủ và khoảng 15 loại ung thư; trong đó có 90% ung thư phổi liên quan đến thuốc lá”.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa Khám bệnh, chủ nhiệm câu lạc bộ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, khói thuốc lá có chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe gồm chất gây nghiện và chất độc với cơ thể, ít nhất có khoảng 69 chất có khả năng gây ra ung thư.
Nicotine là nhóm các chất dược lý gây nghiện chủ yếu và có khả năng gây bệnh ung thư mạnh. Có nhiều nghiên cứu liên quan giữa sử dụng thuốc lá và bệnh ung thư, các nghiên cứu này ước tính khoảng 1/3 tổng số người chết vì ung thư liên quan đến sử dụng thuốc lá, nhất là ung thư phổi.
Ngoài ra, hút thuốc lá còn gây ung thư ở nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể như họng, thanh quản, thực quản, tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng... Người hút thuốc có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần người không hút thuốc.
Tại đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về tình hình bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại tỉnh Kiên Giang của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng cho thấy, khi khảo sát 1.006 người sinh sống tại 4 vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh, ghi nhận kết quả những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 4,5 lần so người không hút thuốc, 15% người hút thuốc lá có triệu chứng lâm sàng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và khoảng 80-90% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nghiện thuốc lá. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 4 trên toàn thế giới.
Tại hội thảo ông Nguyễn Văn Cảnh, ngụ phường Vĩnh Thông (TP. Rạch Giá) cho biết, ông mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hơn 8 năm, phải điều trị thường xuyên tại Bệnh viện. “Bác sĩ đã khuyên bỏ thuốc lá thì bệnh mới giảm. Ông bỏ thuốc lá được 2-3 ngày thì hút lại, lặp đi lặp lại 3-4 lần vẫn không thành công. Tuy chưa bỏ được thuốc lá nhưng ông cố gắng giảm dần hút thuốc lá để điều trị bệnh hiệu quả”.
Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người hít phải khói thuốc (gọi là hút thuốc lá thụ động).
Trẻ em hít phải khói thuốc thụ động có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ dưới 1 tuổi thường xuyên hít phải khói thuốc có thể bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi người không bị ảnh hưởng đến khói thuốc. Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm tai mạn tính và tiết dịch tai ở trẻ nhỏ…
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng: “Hầu hết người nghiện thuốc lá đều hiểu khói thuốc có nguy cơ làm cho phổi bị ung thư cùng một số bệnh hiểm nghèo khác nhưng họ khó từ bỏ hoàn toàn. Trong thuốc lá có chứa chất nicotine khiến người hút bị nghiện rồi dần dần bị lệ thuộc vào thuốc lá. Chỉ 7 giây sau khi hút thuốc lá, nicotine có tác dụng hưng phấn lên vỏ não, sự hưng phấn đó được não bộ ghi nhớ. Khi trạng thái hưng phấn qua đi, có nghĩa lượng nicotine dần bị thiếu hụt, lúc này, não bộ sẽ kích thích gây cảm giác thèm thuốc lá, buộc người nghiện hút điếu tiếp theo để cung cấp nicotine trở lại”.
Nghiện thuốc lá là một bệnh mạn tính, cần có thái độ nghiêm túc và cách chữa trị đúng cách mới thành công. Để bỏ dược thuốc lá cần sự quyết tâm và ý chí là yếu tố quyết định. Trong đó gia đình, bạn bè và người thân có vai trò rất quan trọng trong việc giúp người nghiện bỏ được thuốc lá.