Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Thông chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Đặng Minh Thông chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đại diện của JICA, NPA; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, cải cách chế độ công vụ là một trong sáu mục tiêu trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết số 76/NQ-TW ngày 15/7/2021 của Chính phủ “thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”. Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu nêu trên, đồng thời thể chế hóa chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ, trong thời gian vừa qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; đồng thời, tham mưu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu khai mạc Hội thảo
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ xác định tuyển dụng là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, là một trong những yếu tố để xây dựng thành công nền công vụ chuyên nghiệp, thực tài, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, phục vụ đất nước. Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức được ban hành về cơ bản đáp ứng được mục tiêu của công tác tuyển dụng; đồng thời, giải quyết một số vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn phát sinh (bổ sung quy định về ưu tiên trong tuyển dụng, hoàn thiện nội dung thi tại vòng 1, vòng 2, mở rộng đối tượng được miễn thi ngoại ngữ, tin học,...). Tuy nhiên, công tác tuyển dụng cần tiếp tục được nghiên cứu để đổi mới vì những lý do sau:
Một là, để tiếp tục thực hiện chủ trương: "thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu nhiệm vụ” đã nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng thời tạo sự đồng bộ, thống nhất với quy định tại Nghị định số 06/2023/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2023);
Hai là, để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm, đảm bảo đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu; đồng thời tạo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Đảng và của pháp luật về xác định vị trí việc làm;
Ba là, để tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan hành chính, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử;
Bốn là, khắc phục tình trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác tuyển dụng; tổng hợp, tiếp thu những phản ánh, kiến nghị và góp ý từ các bộ, ban, ngành, địa phương, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, đặc biệt là kinh nghiệm của Nhật Bản - quốc gia điển hình thành công trong việc thi tuyển công chức, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP theo hướng đột phá như thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào thay cho thi tuyển vòng 1; xác định lại hình thức và nội dung thi tuyển vòng 2 nhằm đánh giá đúng năng lực chuyên môn của thí sinh; bỏ phần thi tin học (do kiểm định chất lượng đầu vào đã thực hiện trên máy tính), bỏ phần thi ngoại ngữ đối với những vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ; bổ sung quy định cho thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng đối với vị trí việc làm có tiêu chuẩn, điều kiện giống nhau,…
Ngoài nội dung về tuyển dụng công chức, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định về cán bộ, công chức, viên chức theo nguyên tắc: (01) Thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng và pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; (02) tiếp tục đẩy mạnh phân cấp tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý đội ngũ (03) cắt giảm thủ tục hành chính để giảm gánh nặng đối với đội ngũ và (04) sửa đổi các quy định để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện. Trong đó, có những nội dung lớn, tác động tới toàn thể đội ngũ như: đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; phân cấp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, thi và xét nâng ngạch công chức; sửa đổi quy định về các bước và nội dung các bước bổ nhiệm công chức, viên chức; điều chỉnh quy định về thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật; bổ sung quy định về đánh giá, xếp loại đối với tập thể,…
Nhằm tạo sự đồng thuận trong ngành Nội vụ và trong hệ thống chính trị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị báo cáo viên Vụ Công chức - Viên chức giới thiệu và giải đáp cụ thể những nội dung trọng tâm trong đổi mới công tác tuyển dụng công chức và những vấn đề sửa đổi, bổ sung các Nghị định về cán bộ, công chức, viên chức; đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo từ thực tiễn công tác tích cực tham gia ý kiến, đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm vào các nội dung của Hội thảo đề ra để Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Thông phát biểu chào mừng Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Thông vui mừng được đón tiếp các đại biểu về tham dự Hội thảo tại địa phương.
Ông Đặng Minh Thông thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian vừa qua. Đồng thời, cho biết những ngành thế mạnh của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, ngành công nghiệp như: công nghiệp khai thác dầu khí, công nghiệp về hóa dầu, công nghiệp các ngành hạ nguồn của hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hàng xuất khẩu, công nghiệp nặng; về cảng biển có 20 km cảng biển có thể đón tàu trọng tải lớn nhất thế giới, tàu lên đến 200.000 tấn, tàu siêu trọng cập vào cảng; các ngành du lịch và nông nghiệp chất lượng cao cũng đang phát triển rất mạnh mẽ…
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Nguyễn Tư Long báo cáo tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Nguyễn Tư Long báo cáo tóm tắt nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung 05 nghị định: (1) Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; (2) Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; (3) Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; (4) Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; (5) Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản và các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ những vấn đề xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức phải đảo đảm khách quan, công bằng; công khai, nghiêm minh; chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.
Về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, các đại biểu đồng tình việc cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo