Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại Buổi làm việc
Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; các đồng chí đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.
Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Phòng Nội vụ cấp huyện; công chức chuyên trách về cải cách hành chính thuộc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị phát biểu tại Buổi làm việc
Báo cáo tình hình triển khai và kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) 8 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Nam Định, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định Vũ Văn Rung cho biết, công tác CCHC của tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả trên các mặt công tác như: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định Vũ Văn Rung trình bày Báo cáo tại Buổi làm việc
Kết quả điển hình trên một số mặt công tác đó là: hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng Kế hoạch và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành quyết định quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước về thực hiện công tác CCHC, tạo cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị.
Về cải cách thể chế, 8 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh Nam Định đã góp ý 31 dự thảo văn bản và thẩm định 33 dự thảo văn bản; tự kiểm tra 2.134 văn bản do UBND tỉnh ban hành và 1.450 văn bản do UBND cấp huyện ban hành, đồng thời, đề nghị UBND tỉnh bãi bỏ 01 văn bản có chứa quy phạm pháp luật; công bố 02 văn bản hết hiệu lực một phần và 39 văn bản hết hiệu lực toàn bộ.
UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố 174 TTHC mới, sửa đổi 197 TTHC, bãi bỏ 167 TTHC. Tất cả các TTHC sau khi được sửa đổi, bổ sung đều được công khai kịp thời trên cổng/ trang thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền giải quyết. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 17/17 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 10/10 huyện, thành phố và 229/229 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa. Kết quả giải quyết đúng hạn hồ sơ TTHC là 67.907 hồ sơ, đang giải quyết 2.720 hồ sơ và quá hạn 11 hồ sơ trong tổng số 70.638 hồ sơ cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm căn cứ để thực hiện tinh giản biên chế, đến nay đã tinh giản được 191 người.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 1.530 dịch vụ, mức độ 3 là 21 dịch vụ và tỉnh Nam Định chưa có dịch vụ công mức độ 4. Hiện toàn tỉnh Nam Định có 46 sở, ban ngành, các chi cục thuộc sở, UBND các huyện và 02 xã, phường đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, có 06 xã, thị trấn đang xây dựng và áp dụng thử nghiệm...
Ngoài những kết quả đã đạt được, Báo cáo của UBND tỉnh Nam Định cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, những khó khăn vướng mắc và kiến nghị, đề xuất, đồng thời tỉnh Nam Định cũng xác định phương hướng và giải pháp đẩy mạnh CCHC trong thời gian tới.
Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh, các thành viên Đoàn công tác đã có những nhận xét, góp ý để công tác CCHC của tỉnh Nam Định đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới.
Đại diện Văn phòng Chính phủ đánh giá cao tình hình giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông của tỉnh. Tuy nhiên, việc công bố TTHC còn chậm so với quy định; việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính cần được làm rõ và bổ sung vào Báo cáo. Đối với dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 chưa được đầy đủ, chưa kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Qua kiểm tra thực tế tại xã Việt Hùng thuộc huyện Trực Ninh đã phát hiện có thêm thành phần hồ sơ trong việc giải quyết TTHC.
Đại diện Bộ Tư pháp đánh giá cao công tác cải cách thể chế của tỉnh Nam Định, qua theo dõi chưa phát hiện văn bản trái quy định của pháp luật. Đề nghị UBND tỉnh Nam Định ban hành chương trình phổ biến pháp luật giai đoạn 2016-2021; việc kiểm tra, rà soát văn bản cần được quan tâm hơn nữa trong việc soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo 100% các cơ quan, đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 theo đúng quy định của pháp luật.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND tỉnh quan tâm, thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh. Khẩn trương xây dựng và ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh; xây dựng hệ thống phần mềm chia sẻ dữ liệu theo chiều ngang và chiều dọc từ các cơ quan cấp tỉnh đến cấp xã.
Đại diện Bộ Nội vụ đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành trong CCHC của tỉnh rất quyết liệt thông qua việc ban hành hàng loạt văn bản. Tuy nhiên, việc triển khai các văn bản trên chưa đạt kết quả như mong muốn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương xây dựng cơ cấu công chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. Thường xuyên rà soát và công bố công khai các TTHC, khớp nối thống nhất giữa cổng/ trang thông tin điện tử với việc niêm yết công khai TTHC.
Quang cảnh Buổi làm việc
Kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa ghi nhận và đánh giá cao kết quả CCHC của tỉnh Nam Định, đặc biệt đánh giá cao vai trò của UBND tỉnh và cá nhân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. Với 05 điểm nổi bật của UBND tỉnh được Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa chỉ ra, đó là: 1. Công tác chỉ đạo, điều hành; 2. Kinh phí đầu tư được quan tâm; 3. Tổ chức bộ máy được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, hợp lý; 4. Việc ứng dụng công nghệ được quan tâm đầu tư, đặc biệt tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông; 5. Chỉ số PAR Index năm 2016 đã cải thiện đáng kể so với năm 2015 (từ vị trí 47/63 năm 2015 lên vị trí 40/63 năm 2016).
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị UBND tỉnh Nam Định cần chú trọng hơn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra CCHC, tháo gỡ vướng mắc trong quy trình, thủ tục, tạo môi trường thông thoáng giúp doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo quy trình, thời gian giải quyết các TTHC liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp và công dân; hạn chế tối đa việc xử lý hồ sơ trễ hạn. Trong trường hợp thời gian giải quyết bị kéo dài so với quy định, các cơ quan, đơn vị cần thông báo công khai, kịp thời cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi thư xin lỗi tổ chức, doanh nghiệp, công dân khi các thủ tục, hồ sơ đến ngày hẹn trả mà chưa có kết quả.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng đề nghị trong giao ban hàng tháng của UBND tỉnh cần có chuyên đề về CCHC. Thông tin, tuyên truyền về công tác CCHC nhiều hơn nữa để cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp hiểu, hợp tác và ủng hộ. Đối với các chỉ số thành phần trong PAR Index có điểm thấp, cần tổ chức xem xét, phân tích, tìm nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục.
Buổi sáng cùng ngày, đồng chí Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ dẫn đầu Đoàn công tác đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác CCHC tại UBND xã Việt Hùng, UBND thị trấn Cổ Lễ thuộc huyện Trực Ninh và UBND huyện Trực Ninh.
Một số hình ảnh tại buổi kiểm tra:
Tin, ảnh: Thanh Tuấn