BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Khảo sát chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Long An

21/10/2017 17:28

Sáng ngày 20/10, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công dẫn đầu đã có buổi làm việc và khảo sát tại tỉnh Long An để nắm bắt tình hình thực hiện chính sách tiền lương và những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Long An làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Buổi làm việc

Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần phát biểu tại Buổi làm việc

Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Phạm Văn Rạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Cần, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Long An.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng của tỉnh Long An, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Bon cho biết, tính đến ngày 31/12/2016, số lượng cán bộ, công chức là 2.640 người; viên chức là 26.919 người; người lao động theo hợp đồng lao động và tiền lương là 1.607 người; các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố là 7.077 người.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Long An Nguyễn Văn Bon báo cáo với Đoàn công tác

Việc điều chỉnh lương tối thiểu chung từ năm 2004 đến nay đã đáp ứng tương đối nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng tối thiểu của người hưởng lương trong tình hình giá cả hiện nay, góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể và lực lượng vũ trang chưa phù hợp với mặt bằng tiền lương, tiền công trên thị trường. Tiến trình thực hiện cải cách tiền lương còn chậm, mức tăng lương tối thiểu chưa cao, chưa luật hóa về tiền lương tối thiểu chung; trong khi đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng mạnh.

Hệ số lương khởi điểm trong thang bảng lương cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, chưa thu hút được sinh viên mới ra trường vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước. Các ngạch công chức, viên chức có sự thay đổi, một số tiêu chuẩn ngạch không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Chế độ nâng bậc lương hiện nay còn phụ thuộc vào thâm niên và mang tính bình quân, chưa kích thích được tinh thần làm việc và phát huy năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Tiêu chuẩn, điều kiện xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chưa được quy định thống nhất, chủ yếu căn cứ vào các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua hằng năm.
Các chế độ phụ cấp còn phức tạp, được quy định trong nhiều văn bản khác nhau, gây khó khăn trong việc áp dụng các loại phụ cấp. 

Báo cáo cũng đánh giá chính sách bảo hiểm xã hội từ khi triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX đến nay đã đi vào ổn định, đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Tính đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên toàn tỉnh là 2.422.349 người.

Công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công luôn được tỉnh Long An chú trọng. Hiện, tỉnh quản lý 124.081 đối tượng người có công với cách mạng, chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho gần 22.000 đối tượng người có công với cách mạng, với số tiền trợ cấp hàng năm trên 300 tỉ đồng.

Ngoài chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, các hoạt động chăm sóc đời sống người có công được duy trì thường xuyên: Chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm,... Qua đó, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

Tại Buổi làm việc, Đoàn công tác đã lắng nghe báo cáo, các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Long An, đồng thời, cùng thảo luận, trao đổi và đề nghị tỉnh Long An bổ sung số liệu, làm rõ một số vần đề mà Đoàn công tác quan tâm liên quan đến 03 nội dung về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách cho người có công với cách mạng của tỉnh.

Quang cảnh Buổi làm việc

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá cao kết quả của Long An thời gian qua, đồng thời, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các sở, ngành tỉnh: Về việc xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức; bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong việc xếp lương giữa ngạch công chức chuyên ngành hành chính với ngạch công chức chuyên ngành khác; sớm nghiên cứu bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công; xem xét phê duyệt đầu tư xây dựng Trung tâm Điều dưỡng người có công;… ./.

Tin: Hà Nguyên, Thanh Tuấn
Ảnh: Vụ Tiền lương - Bộ Nội vụ

Tìm kiếm