BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Vĩnh Phúc: Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

01/12/2017 11:45

Sau 1 năm thực hiện Đề án 01 theo Kế hoạch tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được kết quả rất khả quan.

Nhận thức đây là đề án khó nên Vĩnh Phúc đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất.

Đề án “Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) của các cơ quan, đơn vị (Đề án 01) ở tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021 được đầu tư xây dựng rất bài bản, công phu, có bước đột phá trong sự nghiệp đổi mới.

Đề án 01 của BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thể hiện sự quyết tâm, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về sự cần thiết của việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế được nâng lên rõ rệt và được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng thuận cao vì mục tiêu giảm đầu mối, giảm bộ máy chồng chéo, giảm số người làm việc trong các cơ quan Nhà nước, giảm cán bộ bán chuyên, đặc biệt là cán bộ cơ sở, giảm chi ngân sách; nâng cao chất lượng cán bộ, bộ máy cơ quan Nhà nước thực hiện hiệu quả hơn…

Xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc - đơn vị được đánh giá thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Đề án 01 của tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Những thành công bước đầu

Ngay sau khi ban hành Đề án 01, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt đề án với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở thống nhất nhận thức và tích cực thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh theo hướng tinh gọn bộ máy, tránh cồng kềnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Với tinh thần quyết liệt nhưng thận trọng, không nóng vội, không duy ý chí, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đoàn kết, thống nhất.

Đánh giá việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án, ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết:

“Xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là việc khó, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều cơ quan, đơn vị và nhiều cán bộ, đảng viên nên đòi hỏi phải làm thận trọng, nghiêm túc, quyết liệt nhưng không nóng vội, duy ý chí trong triển khai thực hiện, đồng thời phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đoàn kết, thống nhất. Vì vậy, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Sau một năm thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc ã đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, có nhiều mục tiêu, nhiệm vụ được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đề ra”.

Trước đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về đổi mới hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh nhằm sắp xếp lại bộ máy, xây dựng đội ngũ CB, CC, VC ổn định, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và thu được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính của toàn tỉnh. Đây chính là cơ sở để Vĩnh Phúc tự tin và quyết tâm triển khai Đề án 01.

Bên cạnh đó, việc đổi mới cơ chế quản lý đội ngũ CB, CC, VC cũng đã góp phần phát triển nền hành chính công vụ, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, không lâu sau đó, nhiều phòng, ban trong tỉnh Vĩnh Phúc đã được sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập đảm bảo hợp lý, tinh gọn. Theo đó, tính đến tháng 9/2017, toàn tỉnh đã sắp xếp được 46 phòng chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và giảm được 19 đơn vị sự nghiệp công lập. Toàn tỉnh đã tinh giản biên chế được 213 người, trong đó, khối Đảng, đoàn thể 8 người, khối chính quyền 205 người.

Cùng với đó, quá trình thực hiện Đề án, nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc sắp xếp lại số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, trước đây bố trí 28 người, nay chỉ còn 8 người; thôn, tổ dân phố loại 1 bố trí từ 15 người, nay còn 7 người; thôn, tổ dân phố loại 2 bố trí còn 5 người.

Quyết tâm hết năm 2017, tỉnh phấn đấu giảm tối thiểu 70% đến 80% số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã khoảng 2.000 người và hơn 6.500 người thôn, tổ dân phố. Năm 2018, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện giảm số lượng người phải giảm còn lại.

Theo báo cáo tiến độ, một số đơn vị triển khai tốt Đề án 01 về sắp xếp như: Thị xã Phúc Yên đã hoàn thành sáp nhập, giải thể 8 đơn vị thành 4 đơn vị trực thuộc; Sở Văn hóa, TT&DL đã sáp nhập và giải thể 9 đơn vị trực thuộc thành 4 đơn vị; Sở Giao thông vận tải đã giải thể, tổ chức lại theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cổ phần hóa…

8 đơn vị trực thuộc; Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành 8 nhiệm vụ, đó là: Sáp nhập 2 đơn vị, giải thể 2 đơn vị chuyên môn thuộc sở, giảm 4 trường THPT, chuyển 7 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề về cấp huyện quản lý và 1 trường mầm non về thành phố Vĩnh Yên quản lý.

Trung tâm thành phố Vĩnh Yên

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Việc triển khai Đề án 01 tác động đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều vị trí việc làm; trong khi đó, người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chưa quyết liệt, công tác tư tưởng đối với người lao động chưa thực sự được chú trọng, dẫn đến khi triển khai Đề án 01, một số cán bộ công chức, viên chức, người lao động hiểu chưa đầy đủ, thậm chí hiểu lầm, chưa tạo được sự đồng thuận, dẫn đến một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phản ứng tiêu cực, cá biệt còn gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí với những nội dung không đầy đủ, không có cơ sở, thiếu tính xây dựng.

Từ đó, tạo dư luận không tốt, dẫn đến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoang mang, ảnh hưởng đến chất lượng công việc của một số đơn vị…

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, trong thời gian qua, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thực hiện tinh giản biên chế bộ máy ở Vĩnh Phúc đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ máy của một số cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp vẫn còn cồng kềnh, nhiều đầu mối chưa tinh gọn; tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng, bỏ sót nhiệm vụ vẫn diễn ra ở một số cấp, một số ngành; trách nhiệm người đứng đầu một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa được đề cao.

Việc quản lý biên chế chưa thực sự gắn với chức năng nhiệm vụ, khối lượng công việc, phạm vi phục vụ. Biên chế được giao còn thiếu khoa học vẫn mang dấu ấn của cơ chế “xin-cho”, chưa khắc phục được tình trạng “vừa thừa lại vừa thiếu” biên chế trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Đặc biệt, hiện vẫn còn một bộ phận CB, CC, VC không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, yếu kém về phẩm chất, đạo đức... và năng lực hành động, giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp...

Đứng trước những thách thức trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thống nhất cao chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC và thu hút những người có đức, có tài vào các cơ quan Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đồng thời, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cũng như tiết kiệm, giảm chi thường xuyên ngân sách, cải cách chính sách tiền lương...

Để thực hiện Đề án có hiệu quả, toàn tỉnh dự kiến giảm tiếp 28 phòng chuyên môn thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể; giảm 56 đơn vị sự nghiệp; giao tự chủ một phần kinh phí hoạt động 69 đơn vị sự nghiệp; giao tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động tối thiểu cho 13 đơn vị sự nghiệp và cổ phần 6 đơn vị.

Đến năm 2021, thực hiện tinh giản 2.550 biên chế; giảm 10.426 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường và cấp thôn, tổ dân phố, trong đó có 2.403 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường; 8.023 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Theo http://tbdn.com.vn/
Tìm kiếm