Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, trong năm 2017, thành phố đã hoàn thành sắp xếp 70 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 Ban Quản lý dự án. Hoàn thành tổ chức lại Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Quỹ đầu tư phát triển thành phố, Quỹ phát triển đất thành phố, Quỹ bảo vệ môi trường trực thuộc Sở TN&MT.
Thành phố cũng hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp cấp huyện như sáp nhập các đơn vị Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa, Trung tâm Thể thao và Đài truyền thanh huyện thành Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao. Sáp nhập các Trung tâm phát triển cụm công nghiệp vào Ban quản lý dự án. Sáp nhập 4 Ban bồi thường giải phóng mặt bằng 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) vào Ban quản lý dự án quận. Sáp nhập Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Chi nhánh phát triển quỹ đất thành Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND cấp huyện quản lý....
"Ông Trần Huy Sáng cho biết, năm 2017 thành phố đã tinh giản được 1.267 biên chế, gồm 282 biên chế công chức, 668 biên chế viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần. Thành phố cũng đã giải quyết 551 trường hợp nghỉ tinh giản theo nghị định số 108".
Bên cạnh đó, cũng sáp nhập trung tâm sát hạch cấp phép lái xe trực thuộc Sở GTVT vào Tổng Cty vận tải Hà Nội; chuyển 5 trường Trung cấp chuyên nghiệp và chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở GD&ĐT sang Sở LĐ,TB&XH quản lý theo quy định Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ông Sáng đánh giá, đây là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay. Hà Nội là một trong địa phương đầu tiên triển khai quyết liệt và thành công, được T.Ư và dư luận đánh giá rất cao.
Ngoài ra, việc chuyển đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã về UBND cấp huyện quản lý, đổi tên thành Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị Chính phủ đã đồng ý cho phép Hà Nội thí điểm thực hiện trong 2 năm.
Việc tổ chức lại bộ phận thường trực Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố thành Văn phòng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, UBND thành phố đã báo cáo và được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản đồng ý để Hà Nội trình cấp có thẩm quyền xem xét. UBND thành phố đang triển khai, sắp xếp.
Rà soát thanh tra xây dựng và giao thông
Về các đơn vị sự nghiệp, thành phố cũng đã chuyển được 5 đơn vị tự chủ kinh phí thường xuyên với 1.145 biên chế viên chức. Đến nay, toàn thành phố đã chuyển được 95 đơn vị sang tự chủ, với 6.635 biên chế viên chức. Thành phố cũng đang thực hiện việc chuyển 5 đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần. Liên quan đến lực lượng thanh tra xây dựng và thanh tra giao thông, ông Sáng cho biết, thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở GTVT rà soát, giải quyết các tồn tại về hợp đồng lao động đối với lực lượng thanh tra xây dựng, thanh tra giao thông theo chỉ đạo của HĐND thành phố.
Một mặt, để đảm bảo đủ người thực thi công vụ, UBND thành phố có văn bản gửi Bộ Nội vụ kiến nghị điều chuyển 412 chỉ tiêu lao động hợp đồng thanh tra xây dựng và thanh tra giao thông sang biên chế hành chính theo định mức. Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Nếu được Chính phủ đồng ý giao bổ sung biên chế công chức cho thanh tra xây dựng và thanh tra giao thông, UBND thành phố sẽ thực hiện tuyển dụng thanh tra viên đảm bảo chất lượng theo quy định. Về đề án vị trí việc làm, UBND thành phố đã phê duyệt xong đề án vị trí việc làm các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ còn tồn tại 3 đơn vị thuộc Sở NN&PTNT chưa thực hiện, do đang chờ thông tư hướng dẫn về mô hình tổ chức.
Ông Trần Huy Sáng cho biết, năm 2017 thành phố đã tinh giản được 1.267 biên chế, gồm 282 biên chế công chức, 668 biên chế viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cô phần. Thành phố cũng đã giải quyết 551 trường hợp nghỉ tinh giản theo nghị định số 108. Ngoài ra, để đẩy mạnh tinh giản biên chế làm cơ sở cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, UBND thành phố đã hoàn thành xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích đối tượng nghỉ tự nguyện tinh giản biên chế báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét.
Giảm hơn 7.400 người
Theo giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, theo quan điểm của thành phố, biên chế công chức năm 2018 giảm 2,5% so với biên chế giao năm 2015. Đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, thực hiện giao biên chế đúng định mức quy định tại các thông tư của Bộ, ngành, có tính đến khả năng tuyển sinh, chiều hướng phát triển trong thời gian tới.
Đối với các đơn vị sự nghiệp ngoài giáo dục, y tế, thực hiện giảm 2% biên chế viên chức giao năm 2016 theo chủ trương tinh giản biên chế và giảm biên chế do sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Cùng với đó, tập trung chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, làm cơ sở giảm chi ngân sách, giảm biên chế. Với chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định 68 gồm nhân viên bảo vệ, lái xe, tạp vụ, kỹ thuật điện nước, thực hiện chủ trương tinh giản theo Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, đặc biệt giảm chỉ tiêu lái xe tại các cơ quan hành chính được giao thí điểm khoán xe công.
Cụ thể, theo ông Sáng, kế hoạch sử dụng biên chế năm 2018 của thành phố gồm 10.661 biên chế hành chính, trong đó có 8.891 biên chế công chức, giảm 225 biên chế do điều chỉnh một số biên chế của các cơ quan, đơn vị do chuyển chức năng, nhiệm vụ và thực hiện theo đề án vị trí việc làm. Có 1.358 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định 68, giảm 11 chỉ tiêu là các lái xe tại 8 cơ quan đang được giao thí điểm khoán xe công. Thành phố xác định sử dụng 148.822 biên chế sự nghiệp, trong đó viên chức có 127.933 biên chế, giảm 7.190 biên chế so với năm 2017. Chỉ riêng việc chuyển các đơn vị sang tự chủ chi thường xuyên đã giúp giảm 8.761 biên chế. Cùng với đó, giảm 2% đơn vị sự nghiệp sẽ làm giảm 108 biên chế, 137 biên chế giảm do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Khuyến khích tự nghỉ
Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục hoàn thành sắp xếp các cơ quan, đơn vị như Đội Thanh tra xây dựng, các chi cục thuộc Sở NN&PTNT, Trung tâm điều hành và giám sát công nghệ thông tin thành phố; đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là giáo dục, y tế sang cơ chế tự chủ, chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Xác định rõ lộ trình chuyển đổi phù hợp với lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021...thường xuyên rà soát, điều chỉnh đề án vị trí việc làm cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý. Cùng với đó, yêu cầu cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án vị trí việc làm đã được thành phố phê duyệt; rà soát cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm để sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá,... nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị điều chuyển công chức, viên chức từ nơi thừa sang nơi thiếu trước khi tuyển dụng. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo chương trình, kế hoạch đề ra, trong đó coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng xử lý công việc, tác phong công tác, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách về tinh giản biên chế, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành cơ chế đặc thù của thành phố, khuyến khích các đối tượng tự nguyện nghỉ tinh giản biên chế...”, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết.
Đối tượng tinh giản chủ yếu là người đến tuổi nghỉ hưu
Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, nhìn chung việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, các Nghị quyết HĐND thành phố. Quá trình sắp xếp được thực hiện bài bản, khoa học, đảm bảo tính công khai, minh bạch và không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định hoạt động của chính quyền thành phố. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã giảm được 8.217 biên chế viên chức. Tuy thế, việc tổ chức, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy biên chế của lực lượng thanh tra xây dựng còn chậm, theo Nghị quyết HĐND thành phố phải xong trong 6 tháng đầu năm 2017 nhưng chưa hoàn thành dẫn đến hiện nay, UBND cấp quận, huyện, thị xã còn lúng túng trong việc quản lý về tổ chức, bộ máy và biên chế của lực lượng thanh tra xây dựng tại các địa phương. Cùng với đó, việc tổ chức, sắp xếp lại một số đơn vị thuộc Sở NN&PTNT, Sở GD&ĐT, Sở Tư pháp, Sở VH&TT còn chậm; việc xây dựng Đề án vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đảm bảo tiến độ. Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ và doanh nghiệp cổ phần; kiện toàn tổ chức bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo GPMB thành phố còn chậm. Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy tuy đã được tinh gọn, nhưng việc tinh giản biên chế triển khai còn chậm, đối tượng tinh giản biên chế vẫn chủ yếu là công chức, viên chức đến tuổi nghỉ hưu. Tình trạng lao động hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức tại một số đơn vị hành chính sử dụng viên chức sự nghiệp do tồn tại lịch sử ở Sở NN&PTNT, Sở VH&TT, Thanh tra xây dựng, Thanh tra giao thông... mặc dù HĐND đã giao UBND thành phố nhiều năm nhưng đến nay chưa khắc phục được.