Ông Ngọ Duy Hiểu, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những chia sẻ về nội dung cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khoá XII bàn và cho ý kiến.
Bình quân, cào bằng, quá coi trọng thâm niên
Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, liên quan trực tiếp đến cân đối kinh tế vĩ mô, gắn chặt với thị trường lao động và đời sống của hàng chục triệu người hưởng lương và phụ cấp. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, chính sách tiền lương đã từng bước được cải cách. Tuy nhiên, theo ông Ngọ Duy Hiểu, chính sách tiền lương hiện tại vẫn tồn tại những hạn chế cơ bản.
Đối với khu vực công, chính sách tiền lương khá phức tạp, chưa tuân theo quy luật kinh tế thị trường, chưa thiết kế hệ thống thang lương, bảng lương theo vị trí việc làm, còn bình quân, cào bằng, quá coi trọng thâm niên, chưa gắn với kết quả công tác, không tạo được động lực mạnh mẽ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.
Bên cạnh đó, quy định về mức lương và cơ cấu tiền lương cũng chưa hợp lý. Mức lương cơ bản được quy định bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở đã che lấp giá trị thực của tiền lương và còn thấp, chưa bảo đảm cuộc sống và chưa là nguồn thu nhập chính của người hưởng lương.
Việc nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm. Đối với lực lượng vũ trang, việc nâng lương đối với sĩ quan vừa theo chế độ phong, thăng cấp bậc quân hàm, vừa theo thâm niên không nhất quán. Việc xét và thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.
Cơ chế quản lý tiền lương chưa có giải pháp hữu hiệu để gắn tiền lương với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chậm thực hiện đổi mới tổ chức và quản lý, cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp công lập.
Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương đối với khu vực công cơ bản vẫn do ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc thực hiện xã hội hóa và điều chỉnh giá, phí dịch vụ công theo thị trường trong nhiều lĩnh vực còn chậm.
Đối với khu vực doanh nghiệp, Bộ luật Lao động tuy đã có quy định về tiền lương tối thiểu nhưng nhiều nội dung chưa cụ thể, việc thực hiện chức năng bảo vệ người lao động còn hạn chế. Vai trò của Hội đồng Tiền lương Quốc gia chưa đáp ứng được kỳ vọng, các chế tài xử lý vi phạm tiền lương tối thiểu chưa đủ mạnh, thiếu biện pháp và cơ chế giám sát thực hiện.
Cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động chưa phát huy được tác dụng.
Cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự gắn liền với tiền lương của người lao động với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Phân phối tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối trong kinh tế thị trường; tính công khai, minh bạch, dân chủ trong phân phối chưa đảm bảo.
Đối với chính sách BHXH, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng mặc dù là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, chính sách BHXH đã góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước, song bên cạnh những kết quả đã đạt được, chính sách BHXH thời gian qua cũng đã bộc lộ không ít những hạn chế.
Diện bao phủ BHXH vẫn còn thấp. Hiện cả nước mới có khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (khoảng 14,6 triệu người) tham gia BHXH, còn trên 34 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm 69,6%) chưa tham gia BHXH.
Chính sách BHXH còn thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng. Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng-hưởng, thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động từ đó tạo niềm tin của người tham gia vào hệ thống BHXH.
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân, song mức độ tuân thủ pháp luật BHXH vẫn còn chưa cao và cần những giải pháp quyết liệt hơn, tăng cường thực thi pháp luật về BHXH để đạt được mục tiêu BHXH là trụ cột của chính sách an sinh xã hội.
Xuất phát từ những hạn chế, tồn tại trên, Chính phủ đã xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương và Đề án cải cách chính sách BHXH để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cho ý kiến vào Hội nghị lần thứ 7 đang diễn ra.
Tiền lương và BHXH mới sẽ là động lực cho người lao động
Ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định, khó có tiến bộ nào lại có thể ra đời trên sự bất ổn, sự tiến bộ chỉ ra đời khi quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Đây là vấn đề lớn, nhạy cảm cần hết sức cẩn trọng.
Cải cách chính sách tiền lương, chính sách BHXH có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội. Đối với công chức, viên chức, người lao động, việc cải cách chính sách tiền lương, cải cách BHXH sẽ góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động và gia đình họ.
Tiền lương nhận được đảm bảo sẽ là động lực kích thích tăng năng lực sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, tạo ra hoà khí cởi mở giữa người lao động với người sử dụng lao động, tạo nên khối đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng, là động lực để người lao động làm việc hăng say, có trách nhiệm và tự hào về nghề nghiệp cũng như mức lương được hưởng.
Việc cải cách chính sách BHXH với những đổi mới trong thiết kế chính sách, tháo gỡ những vướng mắc hiện hành, đảm bảo thủ tục chi trả các chế độ đầy đủ, kịp thời, đúng quy định…sẽ góp phần làm tăng tính hấp dẫn của chính sách, thu hút người lao động tham gia, góp phần ổn định đời sống của người lao động trong quá trình làm việc và khi hết tuổi lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH.
Cần cân nhắc kỹ và thiết kế chính sách thật khoa học về tăng tuổi nghỉ hưu
Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một trong các nội dung được đề cập tại Đề án cải cách BHXH trình Trung ương. Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng đây là thời điểm chín muồi để bàn tới vấn đề này trong tổng thể Đề án cải cách BHXH.
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng nhiều so với trước đây, dân số đang chuyển nhanh từ giai đoạn dân số trẻ sang giai đoạn già hóa. Nhiều nước trên thế giới cũng có xu hướng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, giải pháp nhằm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất…
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều lĩnh vực, cần phải được cân nhắc kỹ. Ngoài các yếu tố đã nêu, cần phải tính toán kỹ vấn đề sức khỏe người lao động, điều kiện-môi trường làm việc, đặc thù ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng lao động, sức cung của thị trường lao động… Cũng cần phải lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên liên quan (người lao động và cả người sử dụng lao động).
Bên cạnh đó, cần phải nghiên cứu thêm yếu tố: Người lao động Việt Nam tuổi thọ tuy tăng nhưng sức khỏe hầu như không tiến bộ. Theo thống kê được công bố tại một hội thảo quốc gia, số người dân mắc bệnh khi bước sang tuổi 55-57 tăng cao, trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc đời của mình với tỷ lệ mỗi người mắc 2,69 bệnh.
Không những vậy, điều kiện lao động ở nước ta chậm được cải thiện, nhiều nơi còn thô sơ, có nơi khắc nghiệt, nhiều rủi ro, tỷ lệ lao động chân tay, nặng nhọc lớn. Trong khi đó, lực lượng lao động trẻ được đào tạo bài bản, sung sức, có khát vọng được cống hiến đang thất nghiệp khá lớn, trong đó có 215.000 cử nhân, kỹ sư và thạc sỹ.
Vì vậy, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ với tầm nhìn dài hạn. Cần thiết kế các quy định sao cho tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề lao động. Qua đó tạo cơ hội cho người lao động làm việc đến một mốc nào đó có thể lựa chọn về hưu hoặc làm việc tiếp.
Ông Ngọ Duy Hiểu mong muốn việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và Trung ương chỉ nêu các định hướng lớn, đồng thời tiếp tục giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất, khi chín muồi thì sửa các quy định của Bộ Luật Lao động.
Theo: baochinhphu.vn