Tăng, ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tham gia bầu cử ngày 23/5/2021
Để chuẩn bị cho Ngày hội bầu cử toàn dân, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ đã sớm ban hành các văn bản và triển khai công tác, hướng dẫn, vận động các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia Cuộc bầu cử. Thông qua các cuộc gặp gỡ với Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, tâm tư, nguyện vọng cùng những kiến nghị, đề xuất của chức sắc và bà con tín đồ về Cuộc bầu cử đã được cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cấp trung ương kịp thời ghi nhận, tổng hợp và báo cáo trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phối hợp với bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố để giải đáp và tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức tôn giáo trong quá trình tham gia Ngày hội bầu cử.
Về phía các tổ chức tôn giáo, 100% tổ chức tôn giáo bày tỏ hướng ứng và ủng hộ Cuộc bầu cử, đồng thời vận động tín đồ tham gia đầy đủ, có trách nhiệm các quyền và nghĩa vụ công dân trong công tác bầu cử.
Các tổ chức tôn giáo đã tạo điều kiện và giới thiệu chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; có văn bản hướng dẫn tổ chức tôn giáo trực thuộc điều chỉnh các lễ trọng để tạo điều kiện cho chức sắc, tín đồ đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử và gương mẫu, động viên tín đồ tham gia lễ chào cờ và khai mạc bầu cử tại các điểm bỏ phiếu. Tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng Cuộc bầu cử và tham gia có trách nhiệm các quyền và nghĩa vụ công dân trong công tác bầu cử.
Các tổ chức tôn giáo chủ động lựa chọn, giới thiệu nhân sự có uy tín ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiều ứng cử viên là chức sắc, chức việc, tín đồ các tổ chức tôn giáo. Nhiều ứng cử viên đang giữ trọng trách, nhiệm vụ của riêng mình trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, song, các chức sắc, chức việc đều có chung quan điểm “Tôn giáo luôn đồng hành, vì sự phát triển của dân tộc”.
Theo số liệu tổng hợp từ Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Bầu cử các cấp, có 8 chức sắc tôn giáo là ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV; 12.679 nhân sự các tôn giáo được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Riêng trong số nhân sự tham gia ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, có 126 chức sắc, chức việc thuộc các tôn giáo: Phật giáo (72 chức sắc, chức việc); Công giáo (21 Linh mục, 9 chức việc); Cao Đài (07 chức sắc, chức việc); Tin Lành (05 chức sắc, chức việc); Phật giáo Hòa Hảo (07 chức việc); Hồi giáo (04 chức sắc, chức việc), Tịnh độ cư sĩ Phật hội (01 chức việc).
Suốt quá trình trước và trong thời gian diễn ra các hội nghị hiệp thương để chuẩn bị cho Ngày hội bầu cử, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện rõ sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực cuộc bầu cử, tạo điều kiện và giới thiệu chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Cá nhân chức sắc, chức việc được các tôn giáo lựa chọn và giới thiệu là những người đủ điều kiện, có uy tín trong tổ chức tôn giáo, tín đồ và Nhân dân; gương mẫu thực hiện chính sách pháp luật và vận động tín đồ chấp hành; có ý thức, trách nhiệm cao về quyền và nghĩa vụ khi tham gia ứng cử. Do đó, việc giới thiệu các chức sắc, chức việc, tín đồ nêu trên đã tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền, giáo hội và nhận được tỉ lệ tín nhiệm cao tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri ở cơ sở.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV
trong buổi tiếp xúc cử tri một số địa phương tại tỉnh Quảng Ninh
Chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia góp ý tại các cuộc tiếp xúc giữa cử tri và ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp
Trước mỗi kỳ bầu cử, tại các địa phương, các hội nghị tiếp xúc giữa cử tri và người ứng cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra sôi nổi. Đây là hoạt động nhằm giúp cử tri hiểu rõ hơn về các ứng cử viên, cân nhắc bầu chọn những người xứng đáng, có đủ phẩm chất đạo đức và năng, lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Cuộc bầu cử năm 2021 diễn ra khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và tiếp tục diễn biến khó lường. Thực hiện hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử các cấp và Ủy ban MTTQ các cấp, nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử được các địa phương tổ chức với số lượng cử tri phù hợp điều kiện thực tế hội trường, bảo đảm công tác phòng, chống dịch; hoặc kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của cử tri ở các điểm cầu. Dù là hình thức trực tiếp hay trực tuyến, các cuộc tiếp xúc cử tri vẫn bảo đảm không khí dân chủ, cởi mở, là dịp để cử tri đề xuất, đóng góp ý kiến cũng như bày tỏ niềm tin và kỳ vọng của mình vào các ứng cử viên.
Tham gia các hội nghị này, cử tri là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã tích cực tham gia các ý kiến đại diện cho tiếng nói của cộng đồng tín đồ và người dân, đặc biệt về các vấn đề an sinh xã hội; bày tỏ sự ủng hộ cao với các chương trình hành động có dấu ấn, thiết thực của các ứng cử viên và mong muốn nếu trúng cử, các đại biểu sẽ theo đuổi đến cùng chương trình hành động của mình để đóng góp năng lực xây dựng đất nước và thực hiện hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ - công bằng- văn minh.
Nhiều vấn đề được dư luận quan tâm liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, như tình trạng ùn tắc giao thông, xây dựng các công trình trọng điểm, bảo vệ môi trường, gia tăng tội phạm trong độ tuổi thanh thiếu niên… đã được chức sắc, chức việc các tôn giáo thẳng thắn nêu quan điểm và đề xuất của bản thân.
Đại diện cộng đồng Hồi giáo và đồng bào Chăm trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP. HCM
phát biểu ý kiến trong hội nghị tiếp xúc cử tri tại địa phương
Chức sắc, chức việc tôn giáo hưởng ứng, tham gia tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ công dân trong công tác bầu cử
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nghi lễ tôn giáo và các sinh hoạt tập trung đông người đều phải tạm dừng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, các tổ chức tôn giáo đã vận dụng sáng tạo nhiều hình thức sinh hoạt tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của tín đồ, người dân cũng như trang nghiêm đón mừng các lễ trọng của tôn giáo mình.
Khi các tín đồ không thể tập trung tại cơ sở tôn giáo như thường lệ, các chức sắc, chức việc đã thông qua các buổi thuyết giảng online hoặc các cuộc tiếp xúc cử tri tại các điểm được phân công để giới thiệu, hướng dẫn bà con tín đồ thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ công dân trong ngày bầu cử và bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Văn bản ngày 01/5/2021 của Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam về phòng, chống Covid
và tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp
Thông qua công tác tuyên truyền của các cấp chính quyền và chức sắc tôn giáo tại địa phương, tín đồ các tôn giáo cảm thấy phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; hiểu rõ hơn ý nghĩa của cuộc bầu cử và quyền, nghĩa vụ của mỗi công dân; tích cực hưởng ứng Cuộc bầu cử và phối hợp, tham gia có trách nhiệm cùng chính quyền các địa phương để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hội lớn của toàn dân.
Các tôn giáo điều tiết thời gian cử hành nghi lễ và sinh hoạt tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi để chức sắc, tín đồ tham gia Ngày hội bầu cử; tín đồ các tôn giáo thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử đầy đủ, có trách nhiệm
Không chỉ tích cực tham gia vào các công tác chuẩn bị cho Ngày hội bầu cử, các tổ chức tôn giáo cũng ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tôn giáo trực thuộc điều chỉnh các lễ trọng nhằm tạo điều kiện cho chức sắc, tín đồ thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ bỏ phiếu trong ngày bầu cử; đồng thời gương mẫu, động viên tín đồ tham gia lễ chào cờ, khai mạc cuộc bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu.
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021, trùng với sinh hoạt Thánh lễ tại Nhà thờ của người Công giáo, và gần ngày Lễ Phật đản PL.2565 của tín đồ Phật giáo.
Tại các giáo xứ Công giáo, thực hiện chủ trương của các Tòa Giám mục cũng như đề nghị phối hợp của chính quyền địa phương trong công tác bầu cử, Linh mục quản xứ đã cử hành mục vụ đảm bảo thời gian kết thúc sớm hơn thường lệ để bà con giáo dân di chuyển đến địa điểm bầu cử đúng giờ, thực hiện tốt quyền công dân của mình.
Ghi nhận tại địa bàn có đông người Công giáo, cử tri đều đi bầu cử đầy đủ và đúng quy định. Nhiều Linh mục gương mẫu bỏ phiếu trước, đã khích lệ tinh thần phấn khởi và ý thức trách nhiệm của giáo dân đối với sự kiện trọng đại của đất nước.
Chức sắc, nam, nữ tu sĩ Giáo phận Bùi Chu tham gia bỏ phiếu
tại Điểm bầu cử số 1 xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định)
Các hoạt động, nghi lễ đón mừng Lễ Phật đản PL.2565 tại các chùa, cơ sở tự viện và trên các kênh truyền thông, mạng xã hội của Phật giáo cũng được điều chỉnh sang các ngày trước và sau cuộc bầu cử, để tăng, ni, tín đồ Phật tử tham gia thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong ngày hội bầu cử.
Tín đồ Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc Hội và HĐND các cấp tại địa phương
Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tham gia bầu cử là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm lớn lao đối với Tổ quốc. Quyền và nghĩa vụ đó không chỉ thể hiện trong ngày bầu cử, mà còn được minh chứng trong suốt quá trình tham gia đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu.
Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, trải qua 14 nhiệm kỳ Quốc hội, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã tích cực hưởng ứng, tham gia có trách nhiệm và trở thành những đại biểu ưu tú không chỉ của tín đồ tôn giáo mà còn của Nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất từ Trung ương đến địa phương, để góp công, góp sức vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước. Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm đồng lòng của các cấp chính quyền và Nhân dân cả nước, sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực, tham gia chủ động của các tổ chức tôn giáo vào công tác bầu cử là yếu tố quan trọng, góp phần để cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp, khẳng định phương châm “tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
Nguồn: btgcp.gov.vn