BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị triển khai Nghị định số 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ

13/11/2021 03:41

Chiều ngày 12/11, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ trưởng Trương Hải Long chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Vụ/ Ban Tổ chức cán bộ các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Sở Nội vụ các tỉnh, thành phía Bắc.


Thứ trưởng Trương Hải Long phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức như: hình thức bồi dưỡng; nội dung bồi dưỡng; chương trình, tài liệu bồi dưỡng; quản lý chương trình bồi dưỡng; chứng chỉ chương trình bồi dưỡng; phân công tổ chức bồi dưỡng… Việc sửa đổi, bổ sung đã khắc phục những hạn chế của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ.

Hội nghị được tổ chức nhằm kịp thời triển khai Nghị định số 89/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2021, giúp các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương nắm chắc những điểm mới, những nội dung sửa đổi, bổ sung để áp dụng vào thực tiễn cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện. Đồng thời, Hội nghị cũng là diễn đàn để đại diện các bộ, ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị về chương trình đào tạo, bồi dưỡng và trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.


Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Lại Đức Vượng báo cáo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Lại Đức Vượng trình bày một số nội dung mới của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP. Theo đó, so với Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP có một số điểm mới, cụ thể:

Về đối tượng, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP bỏ đối tượng “công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập” trong Nghị định số 101/2017/NĐ-CP nhằm phù hợp với khái niệm công chức theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019. Theo đó, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng gồm có: (1) Cán bộ trong các cơ quan nhà nước; (2) Công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và công chức xã, phường, thị trấn (cấp xã).

Về hình thức bồi dưỡng, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP bỏ 02 hình thức bồi dưỡng: tập sự và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm (thời gian thực hiện tối thiểu là 01 tuần/01 năm; một tuần được tính bằng 05 ngày học, một ngày học 08 tiết), đồng thời bổ sung hình thức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã.

Theo đó, có 04 hình thức bồi dưỡng theo quy định hiện nay: (1) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, (2) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý, (3) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã, (4) Bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Về nội dung bồi dưỡng, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP bỏ 02 nội dung bồi dưỡng: Kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế và Tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ, đồng thời, bổ sung 01 nội dung bồi dưỡng: Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Theo đó, có 04 nội dung bồi dưỡng theo quy định hiện nay: (1) Lý luận chính trị, (2) Kiến thức quốc phòng và an ninh, (3) Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước (4) Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Về chứng chỉ chương trình bồi dưỡng, nhằm phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP đã bỏ các nội dung sau: Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức (không có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức để nâng ngạch); Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức có giá trị thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng; Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định: Viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng.

Bên cạnh đó, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP còn quy định việc cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP (Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp xã; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành) hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30/6/2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này…

Đại diện Bộ Giao thông, vận tải phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều cho rằng, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, khắc phục nhiều hạn chế về sự chồng chéo, trùng lắp cả về đào tạo và bồi dưỡng. Tuy nhiên, còn một số hạn chế như quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng chưa thống nhất, nhất là ở địa phương, nhiều địa phương chưa đủ nguồn kinh phí thực hiện, chưa có đầu mối để thực hiện chủ trì, phối kết hợp giữa các đơn vị trong việc đào tạo, bồi dưỡng.

Các đại biểu cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP; đồng thời, đề xuất, kiến nghị những nội dung liên quan đến bồi dưỡng gắn với vị trí việc làm; chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP; phân cấp cho các bộ, ngành bồi dưỡng các ngạch chuyên ngành; quy định cụ thể về chứng chỉ tương đương; vè mẫu chứng chỉ…

Đại diện Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị

Các đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về hàm lượng kiến thức bồi dưỡng ngạch chuyên ngành. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực tài chính, xây dựng, giao thông, vận tải… theo Nghị định số 89/2021/NĐ-CP thì các tài liệu bồi dưỡng sẽ có sự thay đổi, do đó, các bộ chuyên ngành có được phép sử dụng tiếp tài liệu bồi dưỡng theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP? Đề nghị Bộ Nội vụ phân cấp cho các bộ, ngành bồi dưỡng các ngạch chuyên ngành. 

Về chứng chỉ, cần quy định tương đương ngạch nào cũng cần được hướng dẫn cụ thể, ví dụ như chứng chỉ CPA chất lượng cao hơn chứng chỉ ngạch kế toán nhưng có được sử dụng để đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn giữ ngạch, nâng ngạch cũng cần được quy định cụ thể.

Các đại biểu đề nghị, trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành Trung ương có thể tổ chức hội nghị trực tuyến để các địa phương góp ý trực tiếp sẽ có hiệu quả và đóng góp nhiều ý kiến mang tính thực tiễn hơn. Ví dụ, tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thực hiện tại các địa phương rất vướng do quy định sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đồng thời phải có kết quả rèn luyện xuất sắc mới thuộc đối tượng thu hút, trong khi đó, các sinh viên chủ yếu học tập xuất sắc mà rèn luyện chưa xuất sắc nên rất khó khăn trong việc thu hút, tuyển dụng…

Quang cảnh Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trương Hải Long ghi nhận các ý kiến phát biểu tại Hội nghị rất tâm huyết, sâu sắc, có trách nhiệm và nêu bật thực tiễn khó khăn trong quá trình triển khai tại bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng đề nghị Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tiếp thu để trong quá trình soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 89/2021/NĐ-CP được đầy đủ, khắc phục được những vướng mắc, khó khăn, giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện thuận lợi./.

Thanh Tuấn

Tìm kiếm