BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị tổng kết và công bố kết quả sơ bộ Tổng Điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021

11/01/2022 20:29

Chiều ngày 11/01, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết và công bố kết quả sơ bộ Tổng Điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương

Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương; Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; lãnh đạo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); đại diện Ban Chỉ đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu các địa phương có các thành viên Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra kinh tế và Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Cục Thống kê và lãnh đạo Sở Nội vụ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 được thực hiện trong bối cảnh nhu cầu thông tin thống kê ngày càng được yêu cầu cao hơn với mức độ phân tổ chi tiết hơn. Do vậy, đòi hỏi việc thiết kế và thực hiện Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 phải được cải tiến để thích ứng với những yêu cầu mới, thay đổi mới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt trong quá trình thu thập thông tin Tổng điều tra kinh tế giai đoạn 2, thực hiện hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp đã chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng hình thức thu thập thông tin để bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm an toàn cho các lực lượng tham gia Tổng điều tra, bảo đảm thu thập thông tin có chất lượng. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho biết, thành công của cuộc Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành hiệu quả của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính các cấp; kết quả về công tác phối hợp liên ngành với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tài chính (Tổng cục Thuế); đồng thời, là kết quả làm việc cần cù và vượt qua khó khăn của các điều tra viên thống kê, giám sát viên, sự ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở hành chính; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong cả nước. 

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo sơ bộ kết quả Tổng Điều tra kinh tế năm 2021, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, Tổng Điều tra kinh tế 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 04 loại đơn vị điều tra, bao gồm: doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Theo kết quả sơ bộ Tổng Điều tra kinh tế năm 2021, cả nước có gần 06 triệu đơn vị điều tra, tăng 444,2 nghìn đơn vị, tương đương tăng 8,0% so với năm 2016; số lao động trong các đơn vị điều tra là gần 26,0 triệu người, tăng 748,6 nghìn người, tương đương tăng 3,0%. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020 tăng 1,9% về số đơn vị và tăng 0,7% về số lao động (Giai đoạn 2006-2011 tăng 4,9% và tăng 7,7%; giai đoạn 2011-2016 tăng 1,5% và tăng 3,6%).

Số doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì mức tăng nhưng các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có dấu hiệu chững lại trong 5 năm qua. Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có gần 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,3% về số doanh nghiệp và tăng 4,7% về số lao động so với năm 2016. Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm số doanh nghiệp tăng 7,9% (Bình quân giai đoạn 2011-2016 tăng 8,7%); số lao động tăng 1,2%, thấp hơn mức tăng 5,1% của giai đoạn 2011-2016. 

Cũng tại thời điểm trên, cả nước có 15,3 nghìn hợp tác xã với số lao động là 169,6 nghìn người, tăng 17,5% về số hợp tác xã và giảm 15,6% về lao động so với năm 2016.

Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể năm 2020 gần 5,2 triệu cơ sở với số lao động 8,5 triệu người, tăng 5,7% về số đơn vị và tăng 3,0% về số lao động so với năm 2016. 

Số đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với 2,4 triệu lao động, giảm 28,6% về số đơn vị (giảm 21 nghìn đơn vị) và giảm 6,1% (giảm 154,8 nghìn người) so với năm 2016. 

Số đơn vị hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ gần 6,5 nghìn đơn vị với số lao động 37,9 nghìn người, giảm 2,7% về số đơn vị và tăng 2,5% về số lao động so với năm 2016. 

Số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hơn 46,8 nghìn cơ sở với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người làm trong các cơ sở này so với năm 2016.

Quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 biến động không đều so với năm 2016, trong đó giảm mạnh ở khối doanh nghiệp. Lao động bình quân trong các đơn vị điều tra giảm nhẹ từ 4,5 người năm 2016 xuống 4,3 người năm 2020. Trong đó: Doanh nghiệp giảm từ 27,2 người xuống 21,5 người; hợp tác xã giảm từ 15,1 xuống 11,1 người; cơ sở SXKD cá thể giảm nhẹ từ 1,7 người xuống 1,6 người. Các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ và tôn giáo, tín ngưỡng lại có biến động tăng so với năm 2016, cụ thể: Đơn vị sự nghiệp năm 2020 tăng 11 người so với năm 2016; tổ chức phi Chính phủ tăng 5,9 người; đơn vị hiệp hội tăng 0,2 người…

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Nội vụ) Nguyễn Thị Bích Thủy báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo sơ bộ kết quả Điều tra cơ sở hành chính năm 2021, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Nội vụ) Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 nhằm thu thập thông tin về số cơ sở hành chính, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính; kết quả thu chi của cơ sở hành chính ở nước ta nhằm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia chính thức năm 2020 của các chuyên ngành có liên quan đến khối cơ quan hành chính; bổ sung số liệu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hàng năm, tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP và các chỉ tiêu khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia của cả nước, từng địa phương; cập nhật cơ sở dữ liệu và dàn mẫu tổng thể về cơ sở hành chính cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong những năm tiếp theo của ngành Nội vụ, các Bộ, ngành, địa phương và thu thập một số thông tin chuyên đề phục vụ tổng kết, đánh giá một số Đề án, Nghị quyết lớn.

Đây là cuộc Điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn, lần đầu tiên Bộ Nội vụ triển khai thực hiện đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Tổng cục Thống kê, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động Điều tra gồm thu thập thông tin và xử lý dữ liệu đã giúp nâng cao hiệu quả của cuộc Điều tra.

Tính đến thời điểm 31/12/2020 cả nước có 32.304 cơ sở hành chính, giảm 7,25% so với năm 2016 - tương đương 2.520 cơ sở, bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 1,86%/năm, trong đó, số cơ sở thuộc hệ thống hành pháp chiếm số lượng lớn nhất là 25.271 cơ sở (chiếm tỷ lệ 78,2%), thứ hai là số cơ sở thuộc hệ thống tổ chức chính trị - xã hội là 4.208 cơ sở (chiếm 13%), thứ ba là số cơ sở thuộc hệ thống tư pháp với 1.728 cơ sở (chiếm 5,3%), thứ tư là cơ sở thuộc cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam với 1.045 cơ sở (chiếm 3,2%) và số lượng cơ sở thuộc hệ thống lập pháp là 52 cơ sở chiếm tỷ lệ thấp nhất (chiếm 0,16%). Nguyên nhân giảm số lượng cơ sở hành chính chủ yếu do thay đổi tiêu chí về cơ sở hành chính và do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Trên phạm vi cả nước, vùng kinh tế Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung có số lượng cơ sở hành chính lớn nhất với 7.574 cơ sở, chiếm 23,4%, thứ hai là vùng trung du và miền núi phía bắc với 6.701 cơ sở, chiếm 20,7%; thứ ba là vùng đồng bằng sông Hồng với 6.473 cơ sở, chiếm 20%; thứ tư là vùng đồng bằng sông Cửu Long với 5.689 cơ sở, chiếm 17,6%; vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ là hai vùng có số lượng cơ sở thấp nhất tương ứng là 2.761 và 3.106 cơ sở, chiếm tỷ lệ tương ứng là 8,5% và 9,6%.

Lao động trong các cơ sở hành chính tăng so với năm 2016 do mở rộng quy mô và phạm vi điều tra. Tổng số lao động trong các cơ sở hành chính tại thời điểm 31/12/2020 là 1.459 nghìn người, tăng 462 nghìn người so với năm 2016. Nguyên nhân tăng số lượng lao động nêu trên do:

Tăng do mở rộng quy mô điều tra, phạm vi điều tra về lao động và đơn vị hành chínhđến cấp cơ sở, tất cả số lượng lao động trả lương trong đơn vị (do thay đổi Phương án điều tra so với năm 2017);

Tăng do bổ sung một số đơn vị tại Tổng điều tra kinh tế năm 2017 nằm trong khối sự nghiệp, điều tra năm 2021 chuyển sang khối cơ sở hành chính thực hiện;

Loại trừ các yếu tố trên thì số lao động trong các cơ sở hành chính có giảm theo tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-TW và Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Trong tổng số 1.459 nghìn lao động, số lượng lao động của cơ sở thuộc cơ quan hành pháp chiếm số lượng lớn nhất với 1.349,8 nghìn lao động, chiếm đến 92,5%; tiếp đến là cơ sở thuộc cơ quan của Đảng Cộng sản với 39,95 nghìn lao động chiếm 2,7%; cơ sở thuộc cơ quan tư pháp là 35,9 nghìn lao động chiếm 2,5%; cơ sở thuộc tổ chức chính trị - xã hội là 31,2 nghìn lao động chiếm 2,1% và lao động thuộc cơ sở của cơ quan thuộc hệ thống lập pháp chiếm tỷ lệ lao động thấp nhất với gần 2,2 nghìn lao động, chiếm 0,2%.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, công tác chuẩn bị Điều tra cơ sở hành chính đã được thực hiện từ cuối năm 2019 đến tháng 3/2021. Đây là cuộc Điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn, lần đầu tiên Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ triển khai thực hiện nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình Điều tra.

Việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin triệt để ngay trong lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ điều tra thống kê quốc gia đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong điều kiện thiếu về nguồn nhân lực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc huy động hơn 6.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Nội vụ trên cả nước tham gia Điều tra cơ sở hành chính là một cố gắng rất lớn của ngành, từ Trung ương đến địa phương; nguồn kinh phí tổ chức thực hiện Điều tra đã được tiết kiệm đáng kể.

Đặc biệt, giai đoạn thu thập thông tin của cuộc Điều tra đã bị tác động to lớn của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt thích ứng của Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương, Ban Chỉ đạo các cấp, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin triệt để đã giúp cho công tác thu thập thông tin và nghiệm thu hoàn thành trong tháng 12/2021; qua công tác kiểm tra, nghiệm thu, Ban chỉ đạo Trung ương đã yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chỉnh sửa, hoàn thiện lại nhiều chỉ tiêu chưa chính xác, khớp đúng nhằm đạt yêu cầu để xử lý, tổng hợp số liệu công bố kết quả sơ bộ của cuộc Điều tra theo kế hoạch. 

Cuộc Điều tra đã hoàn thành việc thu thập thông tin của 32.304 cơ sở hành chính đạt 99,99% (giảm 7,23% so với năm 2017 - tương đương 2.516 cơ sở, ngoài nguyên nhân giảm do thay đổi tiêu chí đơn vị hành chính, đó là giảm do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, điều này cho thấy nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương).

Quang cảnh Hội nghị

Qua cuộc Điều tra quốc gia do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các Ban Chỉ đạo địa phương, các Ban Chỉ đạo, Tổ công tác các Bộ, ngành, các đơn vị cung cấp thông tin cần tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm thông qua một số bài học sau:

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo điều hành. Để thực hiện thành công cuộc điều tra cần có sự chỉ đạo, điều hành và vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Chú trọng công tác ban hành, quát triệt, triển khai và thực hiện đúng kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành. Phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, linh hoạt dựa vào tình hình thực tế trong quá trình triển khai điều tra. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch nhiệm vụ đề ra của cuộc điều tra đảm bảo về chất lượng và tiến độ. Kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ trong suốt quá trình triển khai điều tra thu thập thông tin; Chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành.

Thứ hai,
về công tác xây dựng Phương án điều tra và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, cần được xây dựng kỹ lưỡng, khoa học, cũng như việc lựa chọn thời điểm, thời gian tiến hành cuộc Điều tra phù hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả cuộc Điều tra.

Thứ ba, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra. Công tác kiểm tra giám sát cần thực hiện đồng thời, song song suốt quá trình tiến hành thu thập thông tin. Phân công rõ trách nhiệm của các giám sát viên trong quá trình giám sát. Tổ chức kết hợp giám sát trực tiếp và trực tuyến để tăng tính ứng phó linh hoạt và nâng cao chất lượng số liệu. Công tác thanh tra cũng phải được làm quyết liệt, nhất là đối với các đơn vị không phối hợp cung cấp thông tin, mạnh dạn áp dụng các chế tài xử phạt hành chính trong hoạt động thống kê theo quy định của Chính phủ.

Thứ tư, về công tác tuyên truyền, tập huấn. Ban Chỉ đạo các cấp phải quán triệt, tuyên truyền đầy đủ mục tiêu, ý nghĩa của cuộc điều tra. Các cơ sở hành chính, người cung cấp thông tin phải hiểu rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp thông tin thống kê theo luật định, từ đó tham gia tích cực, chủ động trong quá trình tổ chức triển khai; đồng thời phải chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn kịp thời để những người tham gia cuộc Điều tra hiểu và làm tốt nhiệm vụ của mình.

Thứ năm,
đẩy mạnh và coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào thu thập số liệu và tổng hợp, phân tích kết quả điều tra. Mặt khác, tính chủ động, sáng tạo khi gặp tình huống cực kỳ khó khăn như đại dịch Covid-19 cần được phát huy, như việc tổ chức các buổi làm việc, hướng dẫn các địa phương, tổ chức nghiệm thu cấp Trung ương thực hiện qua hình thức trực tuyến đã mang lại hiệu quả khá cao trong điều kiện hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh Covid.

Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục phối hợp với Ban chỉ đạo các cấp, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ công tác các Bộ, cơ quan Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện số liệu để chuẩn bị công bố chính thức và biên soạn kết quả của cuộc Điều tra để phục vụ hoạt động quản lý của các cấp, các ngành và cung cấp cho những người dùng tin khác. 

Để ghi nhận và biểu dương các tập thể và cá nhân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết định tặng Cờ thi đua cấp Bộ và Bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Tổng Điều tra kinh tế năm 2021; Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Điều tra cơ sở hành chính năm 2021.



Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa và Thứ trưởng Trần Quốc Phương trao tặng Cờ thi đua cấp Bộ và Bằng khen
của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho các tập thể, cá nhân

Thanh Tuấn

Tìm kiếm