Các đại biểu dự Lễ khai mạc
Tham dự Lễ khai mạc có ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia; ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Đình Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I; cùng đông đảo du khách và các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Lễ khai mạc
Phát biểu chào mừng tại Triển lãm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, Tết Nguyên đán của dân tộc là ngày lễ tết Cổ truyền lớn nhất của nước ta; cũng là thời khắc được mong đợi nhất trong năm, đây cũng là thời gian để các thành viên trong gia đình gặp gỡ, sum vầy và cùng nhau ôn lại những gì đã trải qua trong một năm; đồng thời, cũng là dịp để các thành viên trong gia đình báo hiếu, tri ân công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Quang cảnh Lễ khai mạc
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng hy vọng, thông qua Triển lãm này công chúng sẽ hiểu biết thêm và sâu hơn về nghi lễ cổ truyền; có những trải nghiệm và hoài niệm đẹp thông qua các di sản tư liệu quý giá, để các di sản này phát huy giá trị hơn nữa trong đời sống xã hội, góp phần giáo dục và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.
Ông Đặng Thanh Tùng phát biểu khai mạc Triển lãm
Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh, Tết Nguyên Đán là ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam. Đón Tết, vui Tết đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc với những thông điệp nhân văn sâu sắc. Triển lãm “Tết Xưa” với mục đích giới thiệu về Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam qua tài liệu lưu trữ.
Lần đầu tiên, hơn 100 phiên bản tài liệu được lựa chọn từ khối Châu bản triểu Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới và các phông tài liệu tiếng Pháp để trưng bày trong Triển lãm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tương tác thú vị của Phiên chợ ngày Xuân sẽ được tổ chức song song với Triển lãm nhằm mang lại những trải nghiệm đẹp cho khách tham quan.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm
Nội dung triển lãm được bố cục theo 3 chủ đề:
Chủ đề 1: Phiên chợ ngày XuânTừ lâu, chợ Tết đã trở thành một nét đẹp văn hóa, đậm dấu ấn truyền thống dân tộc mỗi dịp xuân về. « Phiên chợ ngày Xuân » được tổ chức vào cuối năm, ấy là dịp để người ta hòa mình vào khung cảnh tươi vui, hối hả, rực rỡ sắc màu và để sắm Tết, đón một cái Tết tươm tất, đủ đầy. Bên cạnh những mảng màu của bánh chưng xanh, câu đối đỏ, chợ Tết có một dư vị rất riêng:
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
(Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ)
Du khách tham quan Phiên chợ ngày Xuân
Chủ đề 2 : Cung chúc Tân XuânNghi lễ, phong tục, tập quán vào dịp Tết Nguyên đán luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Người đi buôn bán hoặc đi làm xa xôi, ai nấy đều trở về nhà sum họp, gọi là tết đoàn viên. Tết Ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp là nghi lễ đầu tiên của Tết cổ truyền. Nhà cửa được trang hoàng bằng câu đối đỏ, hoa tươi, tranh Tết với ước mơ về một năm mới nhiều may mắn. Một số nơi có phong tục dựng cây nêu, rắc vôi bột hay vẽ hình cung tên trước sân nhà. Lễ Giao thừa hay Lễ Trừ tịch diễn ra vào giờ phút cuối cùng của năm cũ, bắt đầu đón chào những điều mới mẻ trong năm tới. Giao thừa là lễ «tống cựu nghinh tân» với lệ đốt pháo để xua đuổi mọi buồn phiền, mang lại sự giòn giã, vui vẻ. Sáng mồng một Tết, con cháu mừng tuổi, chúc thọ ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ lại mừng cho con cháu mỗi đứa vài xu hoặc một hào, gọi là tiền mừng tuổi lấy may. Anh em, họ hàng, người thân đến nhà nhau lạy gia tiên và chúc cho nhau những lời hay ý đẹp.
Ông đồ cho chữ
Chủ đề 3: Du XuânMùa xuân là mùa của lễ hội. Từ ngày mồng hai Tết trở đi đến suốt cả tháng Giêng, Hai, già trẻ trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, người thì đi lễ, người thì du ngoạn, chỗ thì thi hoa thủy tiên, chỗ thì thi hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng, …. Người ta gọi là thưởng xuân, chơi xuân.
Triển lãm cùng các sự kiện sẽ phác họa một phần không khí Tết xưa với phong tục “Ăn Tết”, “Lễ Tết” và “Chơi Tết” của cha ông. Mặc dù ngày nay, các phong tục trong dịp Tết có nhiều đổi thay nhưng Tết Nguyên đán vẫn giữ được hồn cốt riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa xuân về, Tết đến là mỗi lẫn truyền thống được tôn vinh để lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau.
Các đại biểu tham quan Triển lãm
Các hoạt động tương tác, tái hiện Tết Việt xưa sẽ đan xen tương ứng trong từng phần của nội dung Triển lãm như: phiên chợ ngày Xuân với bánh chưng xanh, cành đào thắm, ông đồ cho chữ,… giúp người xem có cơ hội trải nghiệm, hoài niệm về ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn báo chí
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đây là Triển lãm hết sức ý nghĩa trước thềm năm mới Xuân Nhâm Dần 2022, giúp công chúng và đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trước đây, người ta thường nói là “ăn Tết”, còn bây giờ là “chơi Tết”, không ít gia đình trẻ thích đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, thay vì trở về quê hương. Nó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này, khi họ muốn tách khỏi gia đình để đi chơi với bạn bè trong những ngày Tết cổ truyền. Chính sự tác động của đời sống văn hóa, xã hội, sự hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Việt.
Thông qua Triển lãm để thấy được những nét đẹp văn hóa cổ truyền cần gìn giữ, phát huy và hội nhập quốc tế; đồng thời cũng để loại bỏ những hủ tục, tệ nạn trong những ngày Xuân như: rượu chè, cờ bạc, đốt pháo…
Những nét đẹp văn hóa trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc có vai trò rất quan trọng trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Vì vậy, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là việc đặc biệt cần thiết, đồng thời lựa chọn, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa quốc tế để phù hợp với nhịp sống hiện đại, góp phần làm phong phú thêm tinh hoa văn hóa Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển và nâng cao tầm vóc, vị thế của đất nước.
Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 14/01 đến ngày 15/3 tại Khu trưng bày Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Khách đến tham quan triển lãm được yêu cầu tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế về phòng, chống COVID-19.
Một số hình ảnh tại Triển lãm:
Thanh Tuấn