BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ Nội vụ triển khai Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

20/04/2022 20:51

Ngày 19/4, Bộ Nội vụ ban hành Văn bản số 1530/BNV-VP về việc triển khai Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt, phổ biến đầy đủ các nội dung của Chiến lược theo Quyết định số 450/QĐ-TTg để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhận thức rõ hơn về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, từ đó không ngừng nâng cao trách nhiệm, góp phần thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường quốc gia nói riêng và thế giới nói chung. 

Bộ trưởng giao Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương nghiên cứu tham mưu về nội dung: “Phát hiện, nêu gương, khen thưởng kịp thời, tạo dựng các phong trào, nhân rộng các điển hình, mô hình tốt về bảo vệ môi trường; tiếp tục xét và trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam theo định kỳ”. 

Giao Vụ Tổ chức – Biên chế nghiên cứu tham mưu về nội dung: Hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh phân cấp về bảo vệ môi trường. Giao Vụ Cải cách hành chính nghiên cứu tham mưu về nội dung đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về môi trường theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

Bộ trưởng cũng giao Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì, cải thiện chất lượng, bảo đảm vệ sinh môi trường làm việc sáng – xanh – sạch – đẹp và thực hiện giám sát, kiểm tra, báo cáo theo quy định. Tạp chí Tổ chức nhà nước, Trung tâm thông tin, các trang thông tin nội bộ tăng cường công tác truyền thông về Chiến lược nêu trên.

Theo Chiến lược lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân có vai trò quan trọng; bảo vệ môi trường phải dựa trên sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành, tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế.

Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bảo vệ môi trường phải dựa trên nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả; tăng cường trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch và sự giám sát của cộng đồng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; thúc đẩy phương thức quản lý tổng hợp, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái, liên vùng, liên ngành, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp.

Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững; tăng cường huy động nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại, người hưởng lợi từ các giá trị môi trường phải trả tiền; tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường…

Thanh Tuấn

Tìm kiếm