Tham dự buổi gặp mặt có Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng; Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; một số nhà khoa học, sử học, văn hóa học… và các thế hệ công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng
Tại buổi giao lưu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, có một sự trùng hợp với ba số 6, đó là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I được hình thành và phát triển qua 60 năm, với 06 giám đốc và Thứ trưởng được Bộ trưởng giao phụ trách lĩnh vực văn thư và lưu trữ được hơn 6 năm.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, lưu trữ là sự đóng góp thầm lặng nhưng hiệu quả; Thứ trưởng gắn bó và phụ trách lĩnh vực cũng là một cơ duyên.
Qua làm việc với Cục Văn thư và Lữu trữ nhà nước, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia và tham gia các triển lãm cho thấy, các tài liệu lưu trữ thực sự là một kho báu rất có giá trị trong việc nghiên cứu phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền đất nước. Mỗi lần triển lãm đều mang một sắc thái riêng biệt, đem hơi thở của tiền nhân đến với công chúng đương đại. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng đặc biệt ấn tượng với khối tài liệu Châu bản Triều Nguyễn đã được Ủy ban UNESCO Chương trình Ký ức thế giới công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2017.
Với sự cống hiến thầm lặng của các thế hệ lãnh đạo, viên chức, người lao động Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao hoạt động lưu trữ với sự tìm tòi, sáng tạo, hiệu quả.
Trong thời gian tới, với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng mong muốn Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói chung, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm vừa lưu trữ, bảo quản tài liệu tốt vừa phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, đưa tài liệu đến với công chúng một cách nhanh nhất, chính xác nhất.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng mong muốn tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tiếp tục
“Đoàn kết hơn nữa – Sáng tạo hơn nữa – Quyết liệt hơn nữa”.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng chia sẻ kỷ niệm lần đầu tiếp cận với tài liệu lưu trữ tại kho lưu trữ ở phố Tràng Thi (Hà Nội) khi là công chức của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ). Khi đó, kho lưu trữ với trang thiết bị thuần phác và đơn sơ. Sau khi được tiếp cận, nghiên cứu tài liệu mới thấy giá trị vô giá của những tài liệu lưu trữ. Đó là ấn tượng đầu tiên và cũng là cơ duyên để sau này là người giữ trọng trách lãnh đạo cơ quan lưu trữ nhà nước.
Ông Đặng Thanh Tùng cho biết, trong các Trung tâm lưu trữ thì Trung tâm Lưu trữ quốc gia I là đơn vị tiên phong, mạnh mẽ và quyết liệt nhất trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc bảo quản, lưu trữ và phát huy giá trị tài liệu trữ.
Ông Đặng Thanh Tùng cũng cho rằng, ước mơ, hoài bão mới là điều quan trọng, công nghệ chỉ là phương thức thực hiện ước mơ, hoài bão và đích đến chính là giá trị của tài liệu lưu trữ, công nghệ sẽ giúp giá trị tài liệu lưu trữ đến với công chúng nhanh hơn, chính xác hơn và với chi phí ít hơn.
Các đại biểu khách mời chia sẻ kỷ niệm với ngành Lưu trữ
Nhà báo Cao Kim Ngân (VTV 1) chia sẻ, chị đã có hơn 10 năm tiếp cận và gắn bó với tài liệu lưu trữ từ khi là giảng viên đại học cần các tài liệu nghiên cứu chuẩn bị bài giảng đến khi chuyển công tác về VTV 1 cũng gắn bó mật thiết với các chương trình chuyển động văn hóa, trong đó có nhiều chương trình giới thiệu và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
Nhà báo Cao Kim Ngân cũng cho rằng, tài liệu lưu trữ là kho tư liệu vô giá và nếu không yêu quá khứ, không trân trọng quá khứ thì sẽ không có tương lai tươi sáng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, tài liệu lưu trữ là nguồn không thể thiếu trong công tác nghiên cứu. Đã có lúc ông coi kho lưu trữ “
là nơi kín cổng cao tường, là nấm mồ chôn tài liệu”, là nơi khó tiếp cận, nhưng đến nay quan niệm đó đã là quá khứ. Lưu trữ ngày nay rất cởi mở, thân thiện, các tài liệu đã được đưa ra triển lãm, giới thiệu với công chúng và các tài liệu này đã phát huy được giá trị vốn có.
Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh,
“Lịch sử là sự nối dài của ký ức, lưu trữ là không đủ mà phải chuyển giao cho các thế hệ sau và phát triển lên", đặc biệt phải biết phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong thời đại ngày nay. Đối với những nhà nghiên cứu rất cần sự hợp tác chặt chẽ của cơ quan lưu trữ và ngược lại nhằm hỗ trợ nghiên cứu và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
Nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Vũ Thị Minh Hương (thứ 2 từ trái sang)
Nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Vũ Thị Minh Hương chia sẻ cơ duyên đến với ngành lưu trữ khi đi sơ tán tài liệu cùng người cha thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Bà Vũ Thị Minh Hương nhấn mạnh, nếu tài liệu chỉ ở trong kho thì không ai biết đến, lưu trữ phải là cầu nối giữa các nhà khoa học, nhà sử học, dân tộc học, khảo cổ học … với công chúng. Trong công tác lưu trữ thì đi đôi với việc bảo quản an toàn tài liệu cần quan tâm đặc biệt đến việc khai thác sử dụng tài liệu. Là cán bộ lưu trữ, phải luôn đặt mình vào vị trí của người độc giả, nhà nghiên cứu để phục vụ, có như vậy, tài liệu lưu trữ mới được nhiều người biết đến, mới được sử dụng vào các công trình nghiên cứu khoa học, nếu không tài liệu sẽ chỉ nằm trong kho như đống giấy vô dụng. Đối với các công trình nghiên cứu, các ấn phẩm và luận văn, luận án,…nếu sử dụng tài liệu lưu trữ thì giá trị càng cao.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Trần Thị Mai Hương
Trân trọng trước những tình cảm, sự sẻ chia, động viên của lãnh đạo Bộ Nội vụ, các vị khách mời, các thế hệ lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Trần Thị Mai Hương xúc động gửi lời tri ân tới các thế hệ lãnh đạo, viên chức, người lao động của Trung tâm qua các thời kỳ, nhiều người đã dành cả thanh xuân cho sự nghiệp lưu trữ. Đồng thời, gửi lời cảm tới lãnh đạo Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và các cơ quan, đơn vị có liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan thông tấn, báo chí thời gian qua đã quan tâm, hỗ trợ để Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Bà Trần Thị Mai Hương cho rằng, sự hiện diện đông đủ của các đại biểu trong sự kiện “60 năm Hành trình Lưu giữ ký ức” là áp lực nhưng cũng là động lực để tập thể lãnh đạo và viên chức Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, phát huy thành quả đóng góp của các thế hệ nhằm xây dựng đơn vị phát triển, lan tỏa sứ mệnh lưu trữ đến với đông đảo công chúng hơn nữa…
Thanh Tuấn – Kim Đô