Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Nguồn: vov.vn
Dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Cùng dự còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị,...
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng chủ trì tại điểm cầu Bộ Nội vụ
Tại điểm cầu Bộ Nội vụ có Nguyễn Duy Thăng, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chủ trì; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo Văn phòng Ban Cán sự đảng, Văn phòng Đảng ủy Bộ; đại diện Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh Bộ.
Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ để sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Hội nghị cũng thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước.
Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động; phát triển nhanh, bền vững tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng và các địa phương trong vùng; nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong vùng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của các địa phương trong vùng và cả nước.
Phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phải phù hợp với các chiến lược phát triển quốc gia, nhất là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, tập trung phát triển các ngành kinh tế biển trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có, có khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, các trung tâm vùng và vùng độc lập.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế chính sách đột phá nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển vùng và các tiểu vùng. Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và biển; chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu…
Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sách, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường của Nhân dân trong vùng.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị quyết số 26-NQ/TW
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị quyết số 26-NQ/TW. Theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững vàng; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Về một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 - 7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng từ 2,5 - 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40,7%, dịch vụ chiếm khoảng 37,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 10,3%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 30%; kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành). Thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20 - 25% cả nước; tốc độ tăng thu nội địa cao hơn 2 - 3 điểm% so với bình quân của cả nước. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47 - 48%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu khoảng 30%.
Chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn trung bình cả nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần trở lên so với trung bình cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 35 - 40%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%/năm, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Đạt 32 giường bệnh viện/vạn dân; 11 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số.
Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 54%. 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt khoảng 90%. 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để.
Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực Châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện mới môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; có tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
7 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết số 26-NQ/TW đề ra 7 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, bao gồm: 1. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. 2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. 3. Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. 4. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. 5. Phát triển toàn diện văn hóa – xã hội vùng. 6. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. 7. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.
Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ
Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội trình bày dự thảo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội
Quang cảnh điểm cầu Bộ Nội vụ
Anh Cao