Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài tỉnh) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; y tế; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số; xây dựng; giao thông; thủy lợi,... Qua đó, tạo bước chuyển biến trong việc huy động có hiệu quả nguồn nhân lực cho những ngành, lĩnh vực phù hợp sự phát triển của tỉnh, góp phần tạo nguồn chuyên gia, trí thức, người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao để tham mưu, tư vấn cho tỉnh giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Kế hoạch nêu rõ, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài do Chính phủ ban hành trong các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số...; thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần thực hiện các khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo lập môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, bảo đảm việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức xã hội; thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến hết Quý I/2024, 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Kế hoạch này và yêu cầu thực tiễn có trọng tâm, trọng điểm.
Đến năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới.
Đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hằng năm.
Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 05 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.
Nâng cao chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài
Để đạt được mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xác định cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp như:
Thứ nhất, đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm trong triển khai thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thứ hai, triển khai các chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thứ ba, khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài.
Phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của ngành, của địa phương hoặc của tỉnh, tập trung vào các nhóm sau: (i) Học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo. (ii) Những người có học vị, học hàm thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn. (iii) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ. (iv) Những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài tỉnh.
Khuyến khích, đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử nhân tài; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong giới thiệu, tiến cử, công nhận nhân tài.
Phát huy vai trò và trách nhiệm phát hiện, giới thiệu, tiến cử nhân tài của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp.
Thứ tư, nâng cao chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.
Nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; y tế; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số; xây dựng; giao thông; thủy lợi,... theo hướng phát triển năng lực nổi bật của nhân tài.
Nâng cao năng lực bồi dưỡng nhân tài của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Phát triển mạnh mẽ hệ thống đào tạo của tỉnh. Lựa chọn đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là các chuyên gia, nhà giáo dục, khoa học, lãnh đạo, quản lý, kinh doanh đầu ngành, có trình độ, kinh nghiệm, uy tín cao.
Tăng cường năng lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học xã hội và các lĩnh vực trọng điểm khác thông qua đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài.
Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác, giao lưu hội nhập quốc tế về nhân tài.
Thứ bảy, xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp; môi trường sống văn minh, hiện đại.
Thứ tám, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thứ chín, khuyến khích tổ chức, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách nhân tài và xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm chính sách nhân tài.
Thứ mười, thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho thu hút và trọng dụng nhân tài.
Thứ mười một, phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tập hợp và vận động nhân tài ở trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng tỉnh Lạng Sơn; kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và phản ánh các đề xuất, kiến nghị của nhân tài, nhất là nhân tài là người Lạng Sơn đang sinh sống và làm việc trong và ngoài nước; đồng thời tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách thu hút, phát huy nguồn lực nhân tài phù hợp với sự phát triển của tỉnh và đất nước.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, người giới thiệu, tiến cử nhân tài
Kế hoạch yêu cầu, quán triệt và thực hiện đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng về nhân tài; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chính sách, pháp luật của Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài. Việc thực hiện kế hoạch phải gắn với phục vụ, đáp ứng các chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và các chiến lược khác có liên quan theo định hướng của tỉnh.
Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được thực hiện gắn với thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức; phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, người giới thiệu, tiến cử nhân tài; chú trọng nguyên tắc công khai, minh bạch trong tiến cử, tự tiến cử, lựa chọn, công nhận nhân tài. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phát hiện, tiến cử và thực hiện chính sách đối với nhân tài; có chính sách khen thưởng, tôn vinh và xử lý nghiêm các vi phạm chính sách nhân tài.
Bố trí nguồn lực phù hợp với kế hoạch, chương trình; triển khai có hiệu quả các chính sách đột phá, vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, bảo đảm tính khả thi, bền vững.