hời gian qua, chính sách thu hút nhân tài tại một số địa phương đã có những khởi sắc, bước đầu tuyển dụng được ngay người có trình độ cao về làm việc, đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho một số ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ người có tài năng được thu hút vào làm việc chưa cao; việc giữ chân người tài ở lại làm việc cũng còn nhiều bất cập.
Nhiều địa phương đã đưa ra các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài về làm việc. Ảnh minh họa.
Trải "thảm đỏ” thu hút nhân tài về làm việc
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự đủ mạnh để thu hút nhân tài vào làm việc trong hệ thống cơ quan Nhà nước.
Trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước chiếm khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới. Mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hằng năm. Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 5 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Một trong các nhiệm vụ và giải pháp mà Chiến lược đề ra là khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài có năng lực vượt trội tập trung vào bốn nhóm.
Nhóm thứ nhất là học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo. Nhóm thứ hai là những người có học vị, học hàm thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn. Thứ ba là nhóm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước. Thứ tư là những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút nhân tài trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...
Không chỉ ở tầm quốc gia, chiến lược thu hút nhân tài cũng đã và đang được các địa phương quan tâm, chú trọng. Một trong số những hình thức thu hút nhân tài mà TP Hà Nội triển khai thường xuyên là tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố; tuyên dương, khen thưởng các chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, công nhân. Những hoạt động này đã khích lệ, động viên người tài cống hiến cho Thủ đô và đất nước. Một số địa phương khác còn "mạnh tay” hơn khi hỗ trợ từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng để thu hút người có trình độ cao về địa phương làm việc.
Đơn cử như tại Bắc Ninh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, chuyên gia về công tác tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 8 trường THCS trọng điểm. Trong đó, quy định các thầy cô có học hàm giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) hoặc tiến sỹ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn TP Bắc Ninh có diện tích khoảng 70m2).
Tương tự, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ một lần 600 triệu đồng cho các tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II khi về làm việc cho tỉnh; thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I được hỗ trợ 400 triệu đồng; giáo viên, giảng viên có trình độ đại học được hỗ trợ 300 triệu đồng; sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên được hỗ trợ 150 triệu đồng…
Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để giữ chân nhân tài
Phân tích cụ thể về những nguyên nhân khiến cho công tác thu hút nhân tài vẫn còn tồn tại, hạn chế, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính quốc gia cho rằng: Thứ nhất, các quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài mới mang tính nguyên tắc, nằm riêng lẻ trong các văn bản quản lý cán bộ, công chức nói chung. Còn nhiều nội dung quan trọng khác như cách thức sử dụng người có tài năng sau khi được thu hút, môi trường làm việc, sự thăng tiến, chế độ đãi ngộ... chưa được thể chế hóa. Thứ hai, để có được đội ngũ nhân tài, cần phải thực hiện "chuẩn hóa” ngay từ khâu đầu vào, đó là khâu tuyển dụng. Tuy nhiên, hiện nay, tuyển dụng nhân tài còn nặng về bằng cấp như tốt nghiệp đại học loại giỏi, loại xuất sắc; có học vị thạc sĩ, tiến sĩ; có học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Thứ ba, công tác phân công, bố trí công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị hiện nay chưa khoa học, chưa đúng người, đúng việc. Tuyển dụng nhân tài, nhưng họ lại không được bố trí, sắp xếp đúng chuyên môn, năng lực và vị trí việc làm. Thứ tư, tiền lương trả cho thu hút nhân tài vẫn nằm trong hệ thống thang, bảng lương chung đối với công chức, viên chức và chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, tiền lương khu vực công so với khu vực tư còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa thực sự tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc…
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, cần đưa ra định nghĩa rõ ràng hơn về nhân tài trong các lĩnh vực, các tiêu chí xác định nhân tài cũng như làm rõ các cơ chế, chính sách với tư duy và biện pháp đột phá hơn. Trong đó, khái niệm về nhân tài cần toàn diện, rộng mở hơn, thay vì nhấn mạnh tiêu chí trình độ, bằng cấp bởi học giỏi chỉ là một tiêu chí để xác định là nhân tài. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách, trong đó tạo môi trường làm việc cho người tài, đồng thời thu hút người tài từ các khu vực khác về khu vực công là một vấn đề rất quan trọng đang đặt ra.
"Thu hút nhân tài không chỉ là một khâu của quy trình quản lý nguồn nhân lực mà phải là tổng thể các cơ chế, chính sách tạo sức hấp dẫn nhằm kêu gọi, giữ chân được họ. Trong đó, các cơ chế, chính sách đưa ra được những giải pháp cụ thể, mang tính chất đột phá còn phải có sự giám sát, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên khi thực hiện. Bởi thế, nên có chiến lược cả về tài chính, cơ chế tuyển dụng, đặc biệt là phải tạo môi trường làm việc. Nếu chúng ta tuyển dụng về mà không tạo môi trường làm việc thì cũng không giữ được nhân tài; đồng thời có cơ chế phát huy năng lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khơi dậy khát vọng, niềm tin” - PGS.TS. Bùi Thị An chia sẻ.
Ngày 19 tháng 4 năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái thông qua Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025. Đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết, cụ thể như sau:
1. Thu hút vào các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện:
a) Những người có học vị Tiến sĩ thuộc các chuyên ngành đào tạo theo vị trí việc làm và nhu cầu sử dụng của tỉnh;
b) Thạc sĩ (không bao gồm lĩnh vực giáo dục và đào tạo) chuyên ngành: Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm;
c) Sinh viên tốt nghiệp đại học (hệ chính quy) loại giỏi trở lên thuộc các chuyên ngành: Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm, du lịch, kiến trúc, giao thông, xây dựng, địa chính, kinh tế, môi trường, quản trị nhân lực, quản trị hành chính công, nông nghiệp, lâm nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học trong nước hoặc nước ngoài (là những cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận);
d) Sinh viên tốt nghiệp đại học (hệ chính quy) loại khá các chuyên ngành: Kiến trúc, giao thông, xây dựng, công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục đại học trong nước hoặc nước ngoài (là những cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận) và có chứng chỉ tiếng Anh đạt 6.5 điểm IELTS trở lên hoặc chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế tương đương.
2. Thu hút vào lĩnh vực Y tế (các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện): Những người có trình độ tiến sĩ y học; bác sĩ nội trú thuộc các chuyên khoa nội, ngoại, chấn thương, sản, nhi, tim mạch, miễn dịch dị ứng, giải phẫu bệnh; bác sĩ chuyên khoa II thuộc các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng; dược sỹ chuyên khoa II dược lâm sàng; bác sĩ đa khoa (hệ chính quy) diện tự thi đỗ hoặc tuyển thẳng, tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên.
3. Thu hút vào lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp đại học (hệ chính quy) loại khá trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học trong nước hoặc nước ngoài (là những cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận) thuộc các chuyên ngành phù hợp với nghề thực tế giảng dạy gồm: Nghề gia công và thiết kế sản phẩm mộc, nghề máy lạnh và điều hòa không khí, nghề vận hành máy và thi công nền, nghề điện tử công nghiệp, nghề công nghệ ô tô, nghề hàn, nghề cắt gọt kim loại, nghề thanh nhạc, nghề biểu diễn nhạc cụ phương tây.
4. Thu hút vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo làm giáo viên Trường Chuyên Nguyễn Tất Thành, đối tượng là sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành sau:
a) Đối với các chuyên ngành Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý: Tốt nghiệp loại giỏi (hệ chính quy) Trường Đại học sư phạm Hà Nội; loại khá (hệ chính quy) Trường Đại học sư phạm Hà Nội và loại giỏi (hệ chính quy) các trường đại học sư phạm khác, đồng thời trước đó đã từng đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi trung học phổ thông các môn văn hóa cấp quốc gia (môn đạt giải là chuyên ngành được đào tạo tại trường đại học sư phạm). Người dự tuyển phải có năng lực ngoại ngữ đạt bậc 3 theo khung 6 bậc của Việt Nam;
b) Đối với chuyên ngành ngoại ngữ: Sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm ngoại ngữ hoặc đại học ngoại ngữ theo đúng chuyên ngành cần tuyển, đạt loại khá trở lên và có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế: Đối với Tiếng Anh đạt 7.0 điểm IELTS trở lên hoặc chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế tương đương; đối với Tiếng Trung có chứng chỉ bậc 5 trở lên;
5. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
6. Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái được cử đi đào tạo tiến sỹ ở trong nước phù hợp với chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học và vị trí việc làm.
7. Công chức, viên chức ngành Y được cử đi đào tạo dài hạn trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú; sinh viên ngành y thi đỗ bác sỹ nội trú được hỗ trợ đào tạo theo hình thức hợp đồng thỏa thuận.
8. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Đề án số 11-ĐA/TU ngày 08/8/2018 của Tỉnh ủy Yên Bái về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”; giáo viên dạy Tiếng Anh của các trường trung học cơ sở, trường tiểu học, giáo viên của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, giáo viên Trường Cao đẳng nghề Yên Bái (không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND ngày 12/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025) được cử đi bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ 6.0 điểm IELTS trở lên hoặc chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế tương đương.
9. Người lao động, học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tốt nghiệp trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an tham gia học nghề thuộc các nhóm ngành nghề phi nông nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quy định còn quy định cụ thể về các chính sách như: chính sách thu hút nguồn nhân lực; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt kế hoạch và chỉ tiêu ngành nghề thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của tỉnh theo Quy định này. Đối với các trường hợp khác chưa quy định tại Nghị quyết này được cử đi bồi dưỡng trình độ Tiếng Anh quốc tế sau khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ, tùy từng trường hợp cụ thể theo khung năng lực vị trí việc làm, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh bằng văn bản để vận dụng mức hỗ trợ bồi dưỡng trình độ Tiếng Anh theo quy định tại khoản 4, Điều 10 Quy định này, đồng thời báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất. Các đối tượng khi đủ các điều kiện thu hút theo Quy định này, có nguyện vọng được vào công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời tham mưu, đề xuất tiếp nhận (trong thời gian tối đa 60 ngày), tuyển dụng (trong thời gian tối đa là 90 ngày) vào các vị trí việc làm phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề theo quy định.
Kinh phí thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.