Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện - Bài 2: Còn đó những trăn trở

18/12/2019 09:53
  • Print
  • Lượt xem: 2815

Những kết quả của Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 đã được lãnh đạo 34 địa phương trong vùng thực hiện Đề án đánh giá tích cực qua ba hội nghị sơ kết tại ba khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam do Bộ Nội vụ tổ chức cuối năm 2017. Song, bên cạnh đó vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở, nỗi niềm từ phía đội viên và cả lãnh đạo địa phương.

Trăn trở của các đội viên

Chỉ ra những hạn chế sau hơn 4 năm thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500), báo cáo của Bộ Nội vụ nhìn nhận thẳng thắn: công tác tuyên truyền về Đề án ở một số nơi còn chưa được coi trọng, kịp thời đầy đủ nên một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa hiểu rõ về mục tiêu của Đề án, chưa phân công kịp thời đúng công việc cho đội viên Đề án khi về xã công tác; chưa quan tâm, tạo điều kiện để đội viên Đề án thực hiện nhiệm vụ. Điều khiến các đội viên trăn trở nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và nhất là việc bố trí sử dụng sau khi Đề án kết thúc, tránh đi vào “vết xe” của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, khi kết thúc Dự án, nhiều đội viên vẫn chấp chới, không biết đi đâu, về đâu.

Đội viên Nguyễn Lê Hải Phong (UBND xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) nêu lên thực tế do các địa phương cho rằng đội viên chỉ về công tác trong 5 năm nên đội viên không được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị, năng lực chuyên môn, không được đưa vào quy hoạch của địa phương.

Anh Bạc Cầm Nga (phải), đội viên thuộc dự án, Phó Chủ tịch UBND xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đang hướng dẫn bà con nông dân trong bản trên địa bàn xã về kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Băn khoăn về công tác quy hoạch đào tạo bố trí sau khi kết thúc Đề án, đội viên Phạm Văn Quân (UBND xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, sau khi Bộ Nội vụ thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, nhiều đội viên đến khi kết thúc Dự án vẫn chưa được bố trí, sắp xếp đã tác động lớn đến đội viên Đề án 500. Một số địa phương cũng có tư tưởng ưu tiên cho con em địa phương mình mà chưa chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội viên. Còn có sự phân biệt đối xử giữa đội viên với đội ngũ cán bộ, công chức địa phương.

Đội viên Lê Thị Ngọc Huyền (UBND xã Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) đề nghị Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn việc bố trí công tác cho đội viên khi kết thúc Đề án để đội viên yên tâm công tác, vì thực tế hiện nhiều nơi đã thừa cán bộ, công chức nhưng vẫn tiếp tục tuyển dụng.

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) thừa nhận nhận thức của cấp ủy, chính quyền một số địa phương về Đề án còn nhiều vấn đề. “Chúng em cứ nghĩ là các bạn làm đề án tình nguyện, hết đề án thì trả về cho tỉnh, tỉnh trả về trung ương. Chúng em chỉ biết sử dụng thôi nên không quan tâm phân công những cán bộ có năng lực để giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em ngay từ ban đầu, không có hướng quy hoạch, đào tạo, sử dụng các em”, ông Minh dẫn lời lãnh đạo một số địa phương mà ông đã gặp.

Cần có phương hướng sử dụng nguồn nhân lực trí thức trẻ

Trước tình hình tinh giản biên chế đang được thực hiện quyết liệt, nhiều địa phương tỏ ra bối rối khi bố trí sử dụng và phát triển đội viên sau khi Đề án kết thúc. Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sau hơn 2 năm đội viên về công tác tại xã, Sở này đã thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của Đảng ủy, UBND các xã để xác định nhu cầu xét chuyển vào biên chế công chức xã đối với các đội viên đang công tác tại xã, trong đó chỉ có 18/30 xã có nhu cầu phát triển đội viên.

Còn theo ông Trần Hữu Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, việc bố trí, sử dụng đội viên sau khi kết thúc Đề án là rất khó khăn. Làm thế nào để sử dụng được nguồn nhân lực trí thức trẻ, vừa giải quyết được việc làm cho đội viên Đề án, đây là vấn đề được các cấp có thẩm quyền và đội viên Đề án đặc biệt quan tâm.

Bộ Nội vụ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về công tác quy hoạch, bố trí sử dụng đội viên Đề án trong giai đoạn 2017 – 2020 và sau kết kết thúc Đề án, trong khi cả nước đang tập trung thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy hành chính, do đó, địa phương không chủ động được trong việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch đội viên; đồng thời, gây tâm lý không an tâm cho đội viên và phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công việc, ông Trần Hữu Anh nói. Trước tình hình thực tế này, Quảng Trị đã tạo điều kiện thuận lợi để các đội viên sắp xếp thời gian đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đội viên có thể tham gia các đợt tuyển dụng công chức tổ chức trên địa bàn.
Nhằm có phương hướng sử dụng và phát triển lực lượng đội viên sau khi kết thúc đề án, nhiều địa phương đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành văn bản hướng dẫn công tác quy hoạch, bố trí sử dụng đội viên Đề án 500; nghiên cứu, xem xét giảm số lượng tinh giản biên chế của các tỉnh nghèo để tạo thuận lợi cho địa phương bố trí, sắp xếp vị trí công tác cho các đội viên. Với những xã có nhu cầu tuyển dụng đội viên thì được phép tuyển dụng không qua thi tuyển đối với đội viên tại xã có nhu cầu, nguyện vọng công tác lâu dài.

Cho biết rất quan tâm đến vấn đề đánh giá, quy hoạch, bố trí sử dụng sau khi kết thúc Đề án, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế mong muốn Trung ương có chủ trương, giải pháp cụ thể để đánh giá, bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng nguồn trí thức trẻ trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Chia sẻ với những băn khoăn của các đội viên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, khi tổ chức thực hiện Đề án, Bộ Nội vụ đã chuẩn bị rất kỹ, phải bỏ nhiều công sức để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, xuống làm việc với từng địa phương, từng xã. Tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng của Đề án chỉ dành để trả lương và chế độ phụ cấp cho đội viên, chưa tính chi phí xã hội bỏ ra.

“Điều kiện làm việc rất khó khăn, tiếng địa phương không nghe rõ, xã nghèo, lương thấp, xa nhà. Trong khi nhiều bạn ở thành phố đi làm 1 năm hết thử thách, được bố trí vào công chức bậc 1, đây các bạn 5 năm, chúng tôi rất chia sẻ, đúng là phải có điều kiện, thu nhập, môi trường, cơ hội thăng tiến”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa chia sẻ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng này cũng cho biết, Đề án 500 đơn giản và dễ làm hơn nhiều so với Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, vì Dự án 600 Phó Chủ tịch xã liên quan đến một số quy định của Luật Chính quyền địa phương, đến số lượng Phó Chủ tịch xã, bầu cử HĐND ở xã và bầu Phó Chủ tịch xã. “Các chú, các anh, các thế hệ đi trước phải có trách nhiệm với thế hệ trẻ. Các em hãy làm tốt đi”, ông Nguyễn Trọng Thừa nhắn nhủ.
Theo TTXVN

Theo TTXVN