Có chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao

02/12/2024 16:25

Thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ngày càng đẩy mạnh triển khai chiến lược nhằm xây dựng môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp 30/11

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, ngày 30/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đồng tình với các nhóm chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ số; đồng thời, đề nghị có chính sách cụ thể thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, tạo động lực và không gian phát triển.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết, dự thảo quy định “nhân tài công nghệ số là nhân lực công nghệ số chất lượng cao, có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm đa dạng, đóng góp nổi bật và tầm ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ số”. Theo ĐB, quy định như dự thảo luật chúng ta sẽ khó tìm ra được nhân lực này, nếu tìm được, thu hút được thì cũng khó sử dụng vì số lượng quá ít. Vì vậy, ĐB đề nghị nội dung này cần quy định rõ hơn về năng lực, kinh nghiệm để đảm bảo chúng ta có nguồn nhân lực không những chất lượng rất cao nhưng cũng phải đủ đảm bảo số lượng thu hút để phục vụ tốt cho phát triển công nghiệp công nghệ số trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định)

ĐB Phạm Đình Thanh (Kon Tum) liên hệ với thực trạng nguồn nhân lực được đánh giá tại Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đánh giá của Chính phủ, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn. Công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và yêu cầu phát triển. Từ thực trạng này, ĐB Phạm Đình Thanh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung vào dự thảo luật các quy định cụ thể để Quốc hội, Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư mạnh và đồng bộ hơn, nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp công nghệ số và sự phát triển của đất nước trong cả trước mắt và lâu dài.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần có chính sách cụ thể để thu hút nhân lực công nghệ số có chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chuyên nghiệp, khuyến khích mở rộng và phát huy các mô hình đào tạo mới. Ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên viên nghiên cứu viên chất lượng cao. Đồng thời, có chính sách phù hợp khuyến khích các tập đoàn công nghệ nước ngoài đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ số tại Việt Nam.

Có ý kiến đề xuất thí điểm lựa chọn sinh viên giỏi với số lượng phù hợp đưa đi đào tạo ở các nước tiên tiến về công nghệ số về phục vụ đất nước trong những năm tiếp theo và trong tương lai, bởi nhân lực có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.

Về thu hút nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, một số ĐB cho rằng, việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với nhân lực công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, chuyên gia người nước ngoài có trình độ và kỹ năng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định mà chỉ ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân là chưa thỏa đáng và cũng chưa tạo được một động lực để thu hút nhân lực trong lĩnh vực này.

Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung những chính sách ưu đãi khác về điều kiện sinh hoạt, điều kiện làm việc, nghiên cứu, điều kiện học tập để nâng cao bắt kịp với xu thế phát triển của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số…

ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể các biện pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực như: hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình học, trực tiếp tham gia hướng nghiệp, đào tạo, giảng dạy, hợp tác về việc cho sinh viên đi kiến tập hoặc thực tập tại các doanh nghiệp.

Các ĐB cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung các chính sách nhằm khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trong công nghiệp số. Trong đó, Nhà nước có chính sách, cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ các dự án hỗ trợ khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ số, như thúc đẩy các quỹ đầu tư, hỗ trợ tài chính, đào tạo và cung cấp không gian sáng tạo cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để những ý tưởng công nghệ mới được triển khai và phát triển...

Cùng ngày, Quốc hội họp riêng biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Nguồn: hcmcpv.org.vn

Nguồn: hcmcpv.org.vn