Bộ Tư pháp: Đẩy mạnh chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ là Việt kiều, du học sinh

16/11/2021 14:58
  • Print
  • Lượt xem: 1640

Theo Bộ Tư pháp, việc thu hút này có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng "chảy máu chất xám", vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm của các lưu học sinh sau một thời gian dài học tập, làm việc ở nước ngoài.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ đã thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, hiệu quả công tác tuyển dụng công chức, viên chức nói chung cũng như công tác thu hút qua hình thức xét tuyển, tiếp nhận không qua thi đối với nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng. Qua đó phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, phát triển được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ được tuyển dụng đã có những đóng góp tích cực, nổi trội trong công tác, hình thành đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi, tạo nguồn cán bộ chất lượng và nguồn nhân sự kế cận cho những giai đoạn sau, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, quá trình tổ chức thực hiện công tác thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định tại Bộ Tư pháp vẫn còn một số hạn chế, cụ thể: 

Thứ nhất, chưa phát huy đầy đủ tính chủ động, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị có nhu cầu thu hút trong việc phát hiện, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.

Thứ hai, việc thực hiện chính sách thu hút theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP còn qua nhiều khâu, nhiều cơ quan nên việc phối hợp thực hiện trong một số việc trên thực tế chưa đồng bộ, khó khăn cho các đơn vị trong việc thu hút các đối tượng này. Công tác phát hiện, lập danh sách và xây dựng cơ sở dữ liệu để làm cơ sở tổ chức tuyển dụng các đối tượng này còn hạn chế, dẫn đến khó khăn, lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, tình trạng không giữ chân được các công chức, viên chức nói chung và các nhân sự giỏi, xuất sắc tại nhiều cơ quan, đơn vị ngày càng gia tăng; chưa có môi trường thích hợp cho nhân tài phát huy năng lực, sở trường; các chế độ đãi ngộ, chính sách còn bất cập, chưa có kinh phí thực hiện, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” trong các cơ quan nhà nước.

Về phương hướng trong thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch tuyển dụng theo quy định của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP để thu hút các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào công tác tại Bộ Tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn sâu.

Các cơ sở đào tạo thiết lập cơ sở phần mềm, lập danh sách theo dõi các trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa đáp ứng các tiêu chuẩn theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP để tạo nguồn nhân lực.

Theo Bộ Tư pháp, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, ngày càng có nhiều du học sinh Việt Nam học tập, lao động tại các nước phát triển. Do đó, cần đẩy mạnh chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc thu hút này có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng "chảy máu chất xám", vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm của các lưu học sinh sau một thời gian dài học tập, làm việc ở nước ngoài.

Đồng thời, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm tài năng: lãnh đạo, quản lý; tham mưu xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách; thực thi thừa hành... Bên cạnh đó, lựa chọn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín trong nước và trên thế giới phù hợp để cử những người có tài năng tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Kết hợp hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát triển tài năng cần được thực hiện bằng hình thức luân chuyển, điều động, biệt phái theo kế hoạch, tạo điều kiện cho người có tài năng thử thách và cọ xát thực tiễn.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ quy định mở hơn về cơ chế để các cơ quan, đơn vị có nhu cầu thu hút được chủ động hơn trong việc tìm nguồn thu hút trên cơ sở các tiêu chí đã được quy định để việc thu hút được kịp thời, đúng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị.

Đối với Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp đề nghị tiếp tục phát huy, thực hiện tốt vai trò cơ quan chủ trì, giúp Chính phủ triển khai Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, trong đó tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để có thể tham mưu lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị thu hút cán bộ trẻ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc...về công tác tại đơn vị như các yếu tố về quê quán, gia đình, chuyên ngành đào tạo phù hợp với chính sách thu hút của cơ quan, đơn vị. Thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ để thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thu Trang
(Nguồn: Vụ Công tác Thanh niên cung cấp)