Bà Naomi Kitahara phát biểu tại Hội nghị
Bà Naomi Kitahara cho rằng, Chiến lược quốc gia về phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là một tài liệu quan trọng, cung cấp nền tảng vững chắc cho các bộ, ban, ngành cũng như các cơ quan, tổ chức tham gia triển khai Luật Thanh niên và giải quyết các nhu cầu của thanh niên một cách toàn diện.
Là Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và là đồng Trưởng nhóm Hành động vì Vị Thành niên, Thanh niên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara tin tưởng, sau Hội nghị này, nhiều chính sách và kế hoạch liên ngành sẽ được phát triển dựa trên Chiến lược, từ đó, các nhu cầu của thanh niên sẽ được giải quyết.
Bà Naomi Kitahara cho biết, trong Chiến lược Thanh niên 2030 của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận rằng, Chiến lược sẽ không thể đạt được sứ mệnh nếu không phối hợp cùng với thanh niên; đồng thời nhấn mạnh: “
chúng ta không chỉ lắng nghe mà còn phải hiểu thanh niên, không chỉ kết nối mà còn trao quyền cho thanh niên. Không chỉ hỗ trợ mà Liên Hợp quốc còn dẫn đầu những nỗ lực và quy trình toàn cầu là một điều cần thiết. Một tương lai phát triển bền vững sẽ được kết nối trực tiếp với việc thực hiện các nguyện vọng của vị thành niên và thanh niên".Cũng theo bà Naomi Kitahara, tại Hội nghị Thưởng đỉnh tổ chức tại Nairobi vào năm 2019 đã đánh dấu 25 năm Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, nhấn mạnh rất nhiều về tầm quan trọng của việc đảm bảo tất cả vị thành niên và thanh niên tiếp cận tới thông tin, giáo dục, dịch vụ toàn diện và phù hợp với lứa tuổi. Điều này giúp thanh niên có khả năng đưa ra những lựa chọn và quyết định về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền một cách tự do dựa trên thông tin một cách đầy đủ; biết bảo vệ bản thân khỏi mang thai ngoài ý muốn; phòng tránh các hành vi, thực hành bạo lực tình dục và bạo lực trên cơ sở giới; phòng tránh các bệnh/ nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS và đảm bảo sự chuyển tiếp sang tuổi trưởng thành một cách an toàn.
Tại Việt Nam, Chính phủ xác nhận rằng, Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 – 2030 là một phần của các Chiến lược của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ số quốc gia. Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là phải trao quyền cho thanh niên, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương như thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật và thanh niên di cư; đồng thời, phát huy hết các tiềm năng của thanh niên để đóng góp cho sự tiến bộ của kinh tế và xã hội, từ đó góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Tiếp nối Hội nghị phổ biến Chiến lược phát triển thanh niên và phát động phong trào thi đua, bà Naomi Kitahara cho rằng, “
chúng ta cần nhiều công sức và nỗ lực để thực thi Chiến lược quan trọng này tại các cấp địa phương nhằm đảm bảo cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên dễ bị tổn thương tiếp nhận được các thông tin, dịch vụ và những cơ hội quan trọng mà họ cần. Trong quá trình này, chúng tôi, UNFPA sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam”.
Quang cảnh Hội nghị
Theo Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, Việt Nam có 20,4 triệu thanh niên độ tuổi từ 10 – 24, chiếm 21% dân số, đây là tỷ lệ thanh niên cao nhất trong lịch sự quốc gia, tạo nên tiềm năng lợi tức nhân khẩu học. Để tối đa lợi thế về nhân khẩu học, việc đảm bảo tăng cường đầu tư cho nguồn nhân lực trẻ thông qua các chính sách về phát triển thanh niên toàn diện là rất quan trọng.
Để thực hiện điều này, bà Naomi Kitahara nhận định, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ trong việc phối hợp liên ngành và giám sát thực thi Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên, chương trình liên quan đến thanh niên và các chính sách khác ở tất cả các cấp. “
UNFPA cam kết hỗ trợ Bộ Nội vụ cũng như các Bộ, Ban, ngành khác trong việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá sử dụng Chỉ số Phát triển Thanh niên Quốc gia (YDI)” - bà Naomi Kitahara khẳng định.
Theo đó, đối với chương trình dựa trên bằng chứng, dữ liệu phân tổ là rất quan trọng để có thông tin chính xác và đa chiều về các nhóm dễ bị tổn thương nhất, bao gồm các nhóm thanh niên di cư trong nước, vị thành niên, thanh niên khuyết tật và dân tộc thiểu số.
Bà Naomi Kitahara kêu gọi Chính phủ Việt Nam phân bổ ngân sách phù hợp để giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, trong đó có cung cấp thông tin, giáo dục và dịch vụ cho thanh niên, đặc biệt là nhóm thanh niên dễ bị tổn thương bao gồm cả thanh niên bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và những khủng hoảng nhân đạo khác.
Việc xây dựng một môi trường thuận lợi và các cơ chế năng động cho sự tham gia của thanh niên trong thực thi các chiến lược và chính sách thanh niên, giám sát và phản hồi là điều cần thiết ở cấp Trung ương và địa phương, nhằm khuyến khích thanh niên tích cực tham gia vào chính sách và quá trình quyết định cho các vấn đề ảnh hưởng đến thanh niên.
Do Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển với những thay đổi nhanh chóng về xã hội, kinh tế và nhân khẩu học, bà Naomi Kitahara khẳng định cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng môi trường thuận lợi cho sự tham gia và phát triển toàn diện của thanh niên, kể cả trong các chính sách và chương trìnhquản lý thiên tai. UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, góp phần đảm bảo sự phát triển cân bằng, công bằng và bền vững, từ đó không ai bị bỏ lại phía sau, bao gồm nhóm thanh niên dễ bị tổn thương nhất.
Thanh Tuấn (Nguồn: Vụ Công tác Thanh niên)