Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xét tuyển để bổ sung vào đội ngũ viên chức có chất lượng cao

24/12/2021 19:23
  • Print
  • Lượt xem: 4144

Kế hoạch tuyển dụng viên chức theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc tại một số đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) năm 2021 nhằm mục đích xét tuyển sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, Thạc sĩ, Tiến sĩ bổ sung vào đội ngũ viên chức có chất lượng cao, có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tạo nguồn viên chức lâu dài cho BHXH Việt Nam.

BHXH Việt Nam yêu cầu, việc xét tuyển viên chức phải căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế được sử dụng, yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh theo quy định và đảm bảo cơ cấu hợp lý.

Đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, cạnh tranh và bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời, ưu tiên bố trí biên chế chưa sử dụng để thu hút nhân tài nhưng phải phù hợp với chuyên ngành đào tạo, vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đối tượng xét tuyển phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn chung theo quy định, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm dự tuyển, cụ thể:

Thứ nhất, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, trong độ tuổi từ 30 trở xuống (Điều 1 Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 ngày 16/6/2020) tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau đây:

Đạt giải ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông;

Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc cấp quốc tế trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông hoặc bậc đại học;

Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Ô-lim-pích thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

Thứ hai, người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, dược học trong độ tuổi từ 30 trở xuống (Điều 1 Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 ngày 16/6/2020) tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau đây: Đạt 01 trong 03 tiêu chuẩn quy định theo đối tượng thứ nhất; Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và có chuyên ngành đào tạo sau đại học cùng ngành đào tạo ở bậc đại học.

Thứ ba, người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học trong độ tuổi dưới 35 tuổi (Điều 23 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ (dưới 35 tuổi) quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ) tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau: Đạt 01 trong 03 tiêu chuẩn quy định theo đối tượng thứ nhất; Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và có chuyên ngành đào tạo sau đại học cùng ngành đào tạo ở bậc đại học.

Về nội dung xét tuyển, sẽ thực hiện theo 2 vòng:

Vòng 1: Kiểm tra kết quả học tập và kết quả nghiên cứu (nếu có) của người dự tuyển đảm bảo theo các tiêu chuẩn theo quy định. Những thí sinh đáp ứng đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn về đối tượng được vào vòng 2 phỏng vấn.

Vòng 2: Phỏng vấn để kiểm tra về năng lực, chuyên môn của người dự tuyển. Tổng thời gian chuẩn bị và phỏng vấn không quá 60 phút. Nội dung phỏng vấn hiểu biết chung về hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, ngành BHXH Việt Nam, chế độ viên chức; chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực; kỹ năng thực thi công vụ theo yêu cầu vị trí dự tuyển.

Điểm phỏng vấn tính theo thang điểm 100. Các thành viên Hội đồng chấm điểm độc lập trên phiếu chấm điểm đối với từng thí sinh. Điểm phỏng vấn là điểm trung bình cộng điểm của các thành viên Hội đồng xét tuyển tham gia chấm phỏng vấn. Trường hợp các thành viên chấm phỏng vấn chấm điểm chênh lệch nhau từ 10 điểm trở lên thì Chủ tịch Hội đồng tổ chức đối thoại giữa các thành viên tham gia chấm phỏng vấn sau đó quyết định điểm phỏng vấn.

Kết quả chấm phỏng vấn được tổng hợp vào bản tổng hợp chung kết quả điểm phỏng vấn và có chữ ký của tất cả các thành viên phỏng vấn, sau đó Chủ tịch Hội đồng xét tuyển niêm phong và bàn giao cho Ủy viên kiêm thư ký Hội đồng ngay sau khi kết thúc buổi phỏng vấn.

Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức phải có điểm phỏng vấn đạt từ 50 điểm trở lên, đồng thời điểm của các thành viên Hội đồng phỏng vấn đều phải đạt từ 50 điểm trở lên.

Kết quả xét tuyển lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp theo vị trí việc làm trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng đơn vị.

Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả xét tuyển bằng nhau ở vị trí cần tuyển dụng, người có giải thưởng cá nhân cao hơn theo thứ tự quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP là người trúng tuyển; nếu giải thưởng cá nhân bằng nhau thì người có điểm học tập cao hơn là người trúng tuyển; nếu điểm học tập bằng nhau thì người có điểm tốt nghiệp cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn chưa xác định được người trúng tuyển thì Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định người trúng tuyển.

Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam yêu cầu các thành viên Hội đồng xét tuyển, thí sinh tham dự xét tuyển và các thành viên thuộc các đơn vị liên quan phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid -19 theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Thanh Tuấn (Nguồn: Quyết định số 833/QĐ-BHXH)