Mở rộng cánh cửa với người trẻ có khả năng cống hiến

26/08/2021 16:19

Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, từ 1.7.2020, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sẽ được xét tuyển công chức mà không phải qua thi tuyển. Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, chính sách này nhằm mở rộng cánh cửa trở thành công chức với những người trẻ có khả năng cống hiến.

Từ 1.7.2020, mở rộng thêm đối tượng xét tuyển công chức là sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng (ảnh minh hoạ)

Cần thông tin công khai, rõ ràng về các kế hoạch tuyển dụng

Tốt nghiệp xuất sắc năm 2016 Khoa Mỹ thuật truyền thống, chuyên ngành Sơn mài tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Phạm Quỳnh Anh (SN 1992) là một trong 100 thủ khoa xuất sắc được tuyên dương, vinh danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Ngay sau khi tốt nghiệp, Quỳnh Anh đã tiếp tục ở lại trường xin làm trợ giảng, hoàn thành chương trình thạc sĩ và mới đây vừa tham gia vào kỳ thi tuyển dụng viên chức tại ngay ngôi trường mình theo học đại học. Nữ thủ khoa xuất sắc chia sẻ, sau khi tốt nghiệp ra trường, các sinh viên thường có nhiều ngã rẽ, nhiều lối đi khác nhau trong việc lựa chọn công việc của mình. Có người chọn cách thi tuyển, làm việc trong môi trường nhà nước, cũng có người chọn cách ứng tuyển, xin làm việc trong các khu vực bên ngoài. Điều này còn phụ thuộc vào sở thích, khả năng của từng người. 

“Theo chính sách mới, nếu được xét tuyển vào công chức mà không phải qua thi tuyển với những sinh viên xuất sắc hoặc nhà khoa học trẻ tài năng thì em nghĩ việc này cũng khá hấp dẫn và thu hút được nhiều người trẻ. Điều này tạo động lực cho sinh viên phấn đấu học tập, rèn luyện ngay từ khi còn trong trường. Tuy nhiên, với các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng cần phải công khai và thông tin rộng rãi để mọi người có thể nắm được, tham gia vào quy trình xét tuyển” - Quỳnh Anh nói và cho rằng, cùng với chính sách đãi ngộ nếu được tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt sẽ thu hút được nhiều người tài năng trong khu vực nhà nước.

Cũng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc năm 2016, Nguyễn Thị Hà Phương (Khoa Quản lý đất đai, Ngành quản lý đất đai) - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sau 3 năm làm việc theo diện hợp đồng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2019, em đã trở thành công chức sau quá trình phấn đấu và rèn luyện. 

Hà Phương cho hay, trước đây, có nhiều sinh viên xuất sắc cũng có những cơ hội làm việc ở các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước qua xét tuyển theo Nghị định 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

“Mới đây, có nhiều người bạn của em tốt nghiệp xuất sắc đã được tuyển dụng qua hình thức xét tuyển vào Bộ Tài chính và một số cơ quan khác theo Nghị định 140 này. Theo Nghị định này, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc cũng có khá nhiều đãi ngộ về lương, phụ cấp, thời gian thi từ chuyên viên lên chuyên viên chính, nâng ngạch, bậc lương” - Hà Phương chia sẻ. Tuy nhiên, không phải bộ, ngành, đơn vị nào cũng có đề án tuyển dụng, nên trên thực tế không phải ai tốt nghiệp xuất sắc cũng đều có cơ hội trở thành công chức, viên chức. 

Thu hút người tài năng vào khu vực nhà nước

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) - cho biết, ở các nghị định trước đây cũng đã có những quy định về việc ưu tiên xét tuyển đối với sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Và theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì việc mở rộng đối tượng xét tuyển công chức này xuất phát từ yêu cầu thực tế. Với các trường hợp xét tuyển cũng phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm.

Theo ông Long, các cơ quan được phân cấp quản lý công chức tại các bộ, ngành, địa phương hằng năm phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng nếu còn chỉ tiêu. Căn cứ vào nhu cầu thực tế của các cơ quan đó là đang cần những vị trí nào thì người ta sẽ xây dựng kế hoạch đăng tuyển công khai. Khi xây dựng kế hoạch tuyển dụng thì cần phải nêu rõ về việc có bao nhiêu chỉ tiêu thi tuyển, bao nhiêu chỉ tiêu xét tuyển.

Ví dụ trong 100 vị trí có 10 vị trí xét tuyển. Trong 10 vị trí đó ưu tiên 3 vị trí đối tượng là sinh viên xuất sắc, 3 vị trí là cử tuyển, 3 vị trí là đối tượng vùng sâu, vùng xa… Sau khi đăng lên thì các ứng viên mới nộp hồ sơ vào. Trong những sinh viên xuất sắc nộp hồ sơ sẽ ở cùng nhóm cạnh tranh với nhau để xét tuyển theo chỉ tiêu.

“Theo chính sách mới này, sinh viên xuất sắc sẽ là đối tượng được mở rộng xét tuyển vào công chức. Đây cũng là chính sách thu hút nhân tài, thu hút người có tài năng. Nhiều sinh viên xuất sắc có cơ hội trở thành công chức, được làm việc trong bộ máy nhà nước” - ông Long nói.

Cùng trao đổi về việc này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, việc quy định cụ thể trong luật về các trường hợp được xét tuyển công chức trong đó có bổ sung trường hợp đối tượng là sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng nhằm thu hút người tài làm việc trong khu vực nhà nước. Việc xét tuyển này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho các tài năng trẻ.

“Xét tuyển sinh viên xuất sắc cũng như người tài năng đây là rất trân trọng. Quá trình phấn đấu, học tập rèn luyện những người trẻ đã có bước đầu về khả năng chuyên môn nếu được phát huy và có môi trường cống hiến thì tôi tin là hiệu quả công việc sẽ rất tốt. Tất nhiên trong quá trình tuyển dụng dù là bằng hình thức thi tuyển hay xét tuyển thì cũng đều cần phải có sàng lọc thực tiễn. Tuy nhiên rất cần chính sách cho người trẻ cống hiến” - ông Dĩnh nói và cho rằng, cần tạo điều kiện tuyển dụng, chế độ đãi ngộ tốt như lương, thưởng, môi trường làm việc để thu hút được những người tài vào khu vực nhà nước.

Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức được bổ sung thêm nhóm đối tượng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng và nhóm đối tượng là người học theo chế độ cử tuyển, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương theo quy định. 

Như vậy, theo quy định mới, các đối tượng được xét tuyển vào công chức đã được mở rộng hơn với các nhóm đối tượng. Hiện hành, chỉ người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008 cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì mới được tuyển dụng thông qua xét tuyển.


Nguồn: laodong.vn