Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Quốc hội. (Ảnh: Vieatnam+)
“Chảy máu chất xám” trong khu vực công và đặc biệt là lĩnh vực y tế đang là vấn đề nổi cộm được đông đảo cử tri chú ý, quan tâm.
Bên lề Quốc hội, tại phiên thảo luận về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên nhấn mạnh bác sỹ giỏi là tài sản của quốc gia, song “cái đầu” của họ phải đặt ở “chỗ khác” (ngoài công tác chuyên môn chữa bệnh cứu người) thì rất khó để nói đến việc “giữ chân.”
Bác sỹ giỏi là tài sản quốc gia
- Thưa ông, thực tế đáng buồn là thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế xin nghỉ việc, rời khỏi khu vực bệnh viện công. Vậy, theo ông, đâu là giải pháp để thu hút lực lượng y tế sẵn sàng ở lại, tiếp tục cống hiến?
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: Hầu hết các ý kiến cho rằng cần phải nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên ngành y tế, điều này chỉ đúng một phần. Trong thực tế, các bác sỹ (nhất là tại các thành phố lớn) có nhiều cách để tăng thêm thu nhập, do vậy để thu hút họ ở lại, cống hiến trong khu vực công thì phải tạo ra được môi trường minh bạch trong bệnh viện. Các bác sỹ cần có được danh dự, niềm tự hào của nghề nghiệp (chứ không phải bầu không khí u ám với những đấu đá, va chạm nặng nề không đáng có).
Thứ hai là để thu hút các bác sỹ mới tốt nghiệp ra trường, Nhà nước cần có chính sách nâng mức lương khởi điểm ngay từ đầu cho họ (do ngành y có quá trình học tập rất lâu, từ 6-7 năm trở lên).
Thứ ba, khu vực công lập cần tạo cơ hội đào tạo, thường xuyên nâng cao chuyên môn cho các bác sỹ ở nhiều lĩnh vực nghề nghiệp. Cần phải coi trọng các bác sỹ giỏi như tài sản quốc gia, theo đó có chính sách cho các bác sỹ đầu ngành cũng như hỗ trợ đội ngũ y tế kế cận trong cả nước, có thể luân chuyển và lan tỏa giữa các địa phương với nhau.
Cuối cùng là môi trường văn hóa quản lý trong bệnh viện. Theo tôi, môi trường bệnh viện cần phải minh bạch và phân cấp, phân quyền rõ ràng, để những bác sỹ có thể “thong dong, thư thái” phát huy chuyên môn, khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Hành chính hóa sẽ triệt tiêu nhân tài
- Có ý kiến cho rằng các quy trình hành chính trong bệnh viện đang tạo ra những áp lực lớn, gây ảnh hưởng đến chất lượng và làm gia tăng chi phí trong khám, chữa bệnh. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này và theo ông, ngành y tế cần phải có sự chuyển đổi ra sao để khắc phục tình trạng này?
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: Chuyển đối số trong hệ thống y tế rất quan trọng, theo đó sẽ giải quyết tình trạng người bệnh xếp hàng (thậm chí phải đi từ 4-5 giờ sáng) để chờ khám, chữa bệnh. Để giảm tải hành chính hóa, các cơ sở y tế phải soát xét lại quy trình (từ lấy số, xếp hàng đến khám, chữa bệnh). Mặt khác, nếu người bệnh có thể đăng ký khám bệnh trực tuyến, họ sẽ chủ động thời gian đến khám, qua đó bệnh viện sẽ giảm thiểu tình trạng chen lấn, giảm tải những vất vả cho bác sỹ, y tá.
Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, các bác sĩ giỏi cũng có thể không cần đến bệnh viện huyện/tỉnh miền núi để công tác nhưng vẫn có thể khám, chữa bệnh từ xa, hội chẩn từ xa. Như vậy, những người bệnh trong các ca hiểm nghèo, quá “tầm tay” của các bệnh viện ở tuyến dưới vẫn được các bác sĩ đầu ngành thăm khám. Trên cơ sở đó, tất cả người dân sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế tốt hơn và chuyên môn của cả hệ thống y tế sẽ được nâng dần lên.
Ở một khía cạnh khác, hành chính hóa trong bệnh viện sẽ triệt tiêu nhân tài. Bởi, những rủi ro y khoa là khó tránh (do đặc thù của ngành nghề) nên nếu trường hợp xảy ra những rủi ro y khoa về mặt kỹ thuật, thay vì hành chính hóa - bệnh viện cần minh bạch thông tin, chia sẻ với gia đình bệnh nhân, công khai công bố bệnh án trong bệnh viện, trong nhóm ngành chuyên môn, để rút kinh nghiệm chung đồng thời tránh hậu quả nghiêm trọng...
Đã đến lúc, hệ thống y tế công cần phải có sự thay đổi để có thể giữ được đội ngũ bác sỹ “gạo cội”. Đây không chỉ là câu chuyện “đứng ở đâu” khám bệnh mà còn là trách nhiệm của ngành.
Nguồn: Quảng - Hạnh (Vietnam+)