Cần có chính sách phù hợp để thu hút chuyên gia, nhà khoa học

21/12/2022 12:21

Vừa qua, Học viện Cán bộ TP. HCM phối hợp Sở Nội vụ TP tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP thời gian qua và định hướng trong thời gian tới”. Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM; PGS.TS Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc, Học viện Cán bộ TP; Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.

Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đan Như)


Những rào cản trong quá trình thực hiện

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Nguyễn Tấn Phát cho biết, những năm qua, TPHCM luôn quan tâm, thu hút và trân trọng đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, người có tài năng đặc biệt trong quản lý, phát triển TP. Đặc biệt, trong gần 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, chính quyền TP đã kịp thời ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP có nhu cầu.

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, thu hút chuyên gia, nhà khoa học là một chủ trương lớn của TP, thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn của lãnh đạo TP về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này thời gian qua vẫn gặp những khó khăn. Theo Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP Nguyễn Việt Dũng, đã có nhiều kênh để thu hút chuyên gia tham gia đóng góp xây dựng TP. Tuy nhiên qua các hoạt động nổi lên một số bất cập. Trong đó, mức hỗ trợ thu nhập không phù hợp. Quy trình hết sức phức tạp, tính trung bình phải mất 1 năm mới tuyển được người. Các vấn đề đặt hàng TP chưa có hệ thống, tầm nhìn không dài hạn,...

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn TP chia sẻ, từ năm 2004, Trung tâm đã thu nhận được một Tiến sĩ là Việt kiều. TP cho phép Trung tâm có cơ chế riêng với trường hợp này, đặc biệt được bổ nhiệm Phó Giám đốc với mức lương không theo bậc ngạch. Trường hợp này đã có nhiều đóng góp cho Trung tâm. Năm 2015 chuyên gia này hết tuổi quản lý, trung tâm đã mời làm việc với vai trò chuyên gia. Ngoài ra, giai đoạn 2015 – 2018, Trung tâm đã chủ động áp dụng chính sách này thu hút được thêm 3 chuyên gia khác. Tuy nhiên từ năm 2019, Trung tâm không thu hút và ký kết được hợp đồng với các chuyên gia, nhà khoa học nào, kể cả các chuyên gia đã hợp tác từ giai đoạn trước.

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Đan Như)


Từ thực tế triển khai chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học tại Trung tâm qua 2 giai đoạn (thí điểm từ năm 2015 - 2018 và giai đoạn chính thức từ năm 2019 đến nay), Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quân chia sẻ các nguyên nhân dẫn đến khó thu hút các chuyên gia, nhà khoa học. Trong đó chính sách trợ cấp ban đầu, tiền lương hàng tháng, chính sách ưu đãi khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chính sách hỗ trợ về nhà ở, phương tiện đi lại theo quy định là chưa phù hợp, chưa đủ sức thu hút. Đơn cử, mức lương chuyên gia được tính theo hệ số 10 thì được khoảng 15 triệu đồng/tháng là rất thấp không đảm bảo mức sống và làm việc tại TP cho chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời việc yêu cầu chuyên gia, nhà khoa học phải làm việc toàn thời gian tại đơn vị cũng là một rào cản không nhỏ, làm giảm khả năng thu hút, mời gọi các chuyên gia đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước khi những trường hợp này ít có khả năng chọn bỏ hẳn công việc hiện tại của họ để về làm việc cho TP.

Xây dựng chiến lược tổng thể, toàn diện

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến kiến nghị trung ương cần xây dựng chiến lược nhân tài quốc gia một cách tổng thể, toàn diện. Đối với TPHCM cần thiết kế mô hình thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt với phương pháp luận đổi mới sáng tạo, đầy đủ quy trình, môi trường làm việc để cho bản thân và gia đình của các chuyên gia sống, yên tâm làm việc và cống hiến.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho biết, TP đã có chương trình đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ, trước đó là chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ. Với những người có tài năng, năng khiếu ở TP cần có chính sách thu hút theo chế độ đào tạo, bồi dưỡng. Đối với các chuyên gia, nhà khoa học có thể thu hút đội ngũ này làm việc bán thời gian, làm việc từ xa; thu hút làm việc theo đơn đặt hàng; tùy từng trường hợp thực tiễn có thể thu hút làm việc theo biên chế cơ hữu. Bên cạnh đó, nên xác định từng vấn đề, nội dung TP cần tư vấn, tham khảo các nhà khoa học, chuyên gia, người có kinh nghiệm chuyên sâu để gặp gỡ lắng nghe ý kiến... 

Đồng chí Nguyễn Tấn Phát phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đan Như)

Theo Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP Nguyễn Việt Dũng, việc thu hút chuyên gia TP nên tiếp cận phương pháp luận đổi mới, sáng tạo mở, không chỉ nhìn ở góc độ trả thù lao; bản thân chuyên gia, nhà khoa học thì yếu tố này chỉ là cần chứ không phải quyết định. Việc quan trọng là cần xây dựng môi trường nghiên cứu, cơ sở vật chất, cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu, cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan... để tạo ra hệ sinh thái mở của khu vực công. “Khái niệm thu hút chuyên gia nên nghĩ là thu hút tính chuyên gia, những ý tưởng đổi mới sáng tạo của cả cộng đồng cùng tham gia.” – đồng chí Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.

Là một chuyên gia của Khu Công nghệ cao TP, Tiến sĩ Hoàng Thế Bân góp ý, khi xây dựng chính sách thu hút nhân tài chúng ta không thể không tham khảo chương trình thu hút nhân tài các nước đi trước đã thành công như: Nhật Bản, Hàn  Quốc, Singapore, Trung Quốc,... Việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học nên có cách làm mới đột phá, không nên lại đi lặp lại như 20 năm trước. Vì vậy, trước hết cần tiếp tục phát triển chính sách thu hút nhân tài nhưng dựa trên cở sở mở linh hoạt, phù với nhu cầu và hoàn cảnh thực tiễn của cả hai phía là cung (chuyên gia, nhà khoa học) và cầu (đại học, viện nghiên cứu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp).

 

Nguồn: thanhuytphcm.vn