Chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Thành phố Hồ Chí Minh

16/03/2023 14:03
  • Print
  • Lượt xem: 1988

Trong bối cảnh kỷ nguyên số, hội nhập quốc tế sâu rộng, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi trong nền hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng triển khai thực hiện chính sách thu hút nhân tài trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, nhất là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo về làm cho các cơ quan, đơn vị, nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. 

Những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều chính sách thu hút nhân tài về AI.

Chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua

Thực hiện Kết luận số 179-KL/TU ngày 24/02/2014 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về chủ trương thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5715/QĐ-UBND ngày 21/11/2014 về ban hành Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại Ban Quản lý khu công nghệ cao; Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao; Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ); Trung tâm Công nghệ sinh học (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). 

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt và được HĐND Thành phố thông qua tại Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022. Để triển khai Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND hiệu lực, hiệu quả, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu giai đoạn 2019-2022 (thay thế Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND). Từ năm 2014 đến nay, Thành phố đã thu hút 17 chuyên gia về công tác; còn 03 chuyên gia đang công tác tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, thu hút và trọng dụng tài năng trẻ, xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trẻ; chú trọng thực hiện các cơ chế, chính sách để phát triển tài năng trẻ, nâng cao tầm vóc và vị thế của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn tới, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 05/02/2021 về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của Thành phố giai đoạn 2020-2035. UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 1757/KH-UBND ngày 30/5/2022 về triển khai Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”, trong đó có nhiệm vụ về bồi dưỡng, đào tạo cho các cá nhân, đơn vị kiến thức về lĩnh vực AI. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc thi, hội thi như “Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022”, thông qua đó tìm kiếm, phát hiện những nhân tố giỏi về lĩnh vực này để có chính sách hỗ trợ, khuyến khích và trọng dụng.

Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, ủng hộ các cơ sở đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực AI như Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh. Các ngành đào tạo AI tại các trường thành viên Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh như: ngành Khoa học Máy tính, Trường Đại học Bách Khoa với 02 chuyên ngành trí tuệ nhân tạo ứng dụng và xử lý ảnh và thị giác máy tính; ngành trí tuệ nhân tạo - Trường Đại học Công nghệ thông tin; ngành trí tuệ nhân tạo - Trường Đại học An Giang; ngành trí tuệ nhân tạo trong kinh tế, kinh doanh và quản lý - Trường Đại học Kinh tế - Luật… Những sinh viên tốt nghiệp các ngành này đều được Thành phố quan tâm, tuyển dụng vào các vị trí quan trọng, phù hợp ở các cơ quan, đơn vị.

Những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều chính sách thu hút nhân tài về AI, việc cho phép thí điểm một số chính sách này tại một số cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ những cơ quan, đơn vị này có sự chủ động trong thu hút, mời gọi chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài về lĩnh vực AI phù hợp với các nhu cầu phát triển của từng cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng chính sách thu hút nhân tài nói chung và nhân tài về AI nói riêng theo cơ chế đặc thù đã tạo động lực mới trong phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kỷ nguyên tri thức, góp phần đưa Thành phố thành nơi thu hút, hội tụ nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực AI vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: công tác tuyên truyền, vận động chủ trương thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài về AI của Thành phố chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, việc tuyên truyền, phổ biến chưa được thường xuyên liên tục, nhất là việc thông tin, phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng và đặc biệt là trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị được giao về lĩnh vực AI. Mặt khác, việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài về AI còn rất hẹp về quy mô, thành phần tham gia và theo tư tưởng chỉ tập trung vào những đối tượng giỏi về công nghệ thông tin mà không bao quát hết những đối tượng khác còn lại. Công tác bố trí việc làm chưa phù hợp, cơ hội thăng tiến bị hạn chế, thu nhập và đãi ngộ thiếu thỏa đáng, môi trường và điều kiện làm việc không đủ sức hấp dẫn nên nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương không thể thu hút và giữ chân được nhân tài về AI yên tâm cống hiến, nhiệt huyết trong công việc. Chính sách trợ cấp ban đầu, tiền lương hàng tháng, chính sách ưu đãi khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chính sách hỗ trợ về nhà ở, phương tiện đi lại theo quy định là chưa phù hợp, chưa đủ sức thu hút. Đơn cử, mức lương chuyên gia được tính theo hệ số 10 thì được khoảng 15 triệu đồng/ tháng là rất thấp không đảm bảo mức sống và làm việc tại Thành phố cho chuyên gia, nhà khoa học. 

Bên cạnh đó, một số lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị chưa có những thẩm quyền, điều kiện cần thiết trong thực hiện các biện pháp thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với nhân tài. Các đơn vị có nhu cầu chưa được chủ động tham gia vào quá trình thu hút, tuyển chọn, thỏa thuận điều kiện hợp đồng và điều kiện làm việc với những chuyên gia, nhà khoa học này, làm hạn chế hiệu quả thu hút những người có tài năng. Mặt khác, với yêu cầu chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài về AI phải làm việc toàn thời gian tại đơn vị cũng là một rào cản không nhỏ, làm giảm khả năng thu hút các chuyên gia đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước ít có khả năng bỏ hẳn công việc hiện tại để về làm việc cho Thành phố.

Một số đề xuất hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực AI của Thành phố Hồ Chí Minh

Một là, Thành phố cần đặc biệt quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi về cơ chế đặc thù thu hút nhân tài trong lĩnh vực AI, thường xuyên cung cấp thông tin đầy đủ, phong phú, hấp dẫn nhằm thu hút sự quan tâm, khả năng hợp tác của chuyên gia, nhà khoa học. Việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài về AI không chỉ đơn thuần là tuyển chọn và mời họ vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, mà cần có sự đồng thuận của đông đảo người dân. Bởi vì, một chủ trương, chính sách chỉ có thể thành công, thúc đẩy sự phát triển khi có sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân. 

Hai là, cần có chiến lược, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, nghĩa là không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin... mà ở mọi lĩnh vực khác để từ đó có chính sách thu hút nhân tài bao quát, chủ động hơn. Quán triệt sâu rộng về chủ trương thu hút nhân tài trong lĩnh vực AI đối với từng cơ quan, đơn vị trong địa bàn Thành phố, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Phải gắn kết đồng bộ với phát triển và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với trí thức; trong đó chú trọng tính thống nhất và tính khả thi của hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách. Thành phố phải vừa có cơ chế, chính sách và giải pháp thu hút, khai thác và trọng dụng đội ngũ nhân tài về AI hiện có; vừa có chiến lược, cơ chế, chính sách đào tạo mới đội ngũ nhân lực về AI ngang tầm với các thành phố lớn ở khu vực và thế giới để đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Xác định đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế, kiến thức nền tảng và kỹ năng chuyên sâu về AI là yêu cầu cấp thiết để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố.

Quy trình tổ chức thu hút và tuyển chọn nhân tài về AI cần nâng cao vai trò, tính chủ động và trách nhiệm của đơn vị thu hút. Ví dụ, hàng năm căn cứ từ nhu cầu thực tiễn, các đơn vị xây dựng kế hoạch và nhu cầu thu hút gửi cơ quan chủ quản, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ thẩm định kế hoạch, tổng hợp tham mưu trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt. Căn cứ vào kế hoạch đã được phê duyệt, các đơn vị chủ động tiến hành mời nhân tài về AI có năng lực, trình độ phù hợp với nhu cầu công tác. Đơn vị có nhu cầu thu hút sẽ thẩm định hồ sơ, trao đổi, thoả thuận, thống nhất điều kiện hợp đồng và điều kiện làm việc với ứng viên. Sau đó đơn vị tổng hợp hồ sơ trình cơ quan chủ quản, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ xem xét và báo cáo UBND Thành phố.

Ba là, cần có cơ chế tuyển dụng nhân tài về AI, trọng tâm là phải có đột phá về chính sách tiền lương và đãi ngộ. Không thể áp dụng chế độ tiền lương của cán bộ, công chức bình thường để áp dụng với chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng trong lĩnh vực AI trong quá trình cống hiến cho Thành phố. Đồng thời, cần tạo môi trường, điều kiện làm việc để nhân tài về AI tận tâm cống hiến cho Thành phố. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy định về văn hóa công vụ, về đánh giá kết quả làm việc và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tạo môi trường làm việc thuận lợi, phát huy sức mạnh tập thể cùng với sức sáng tạo của cá nhân có tài năng. Khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân tài, nhà khoa học về AI làm việc trong các cơ quan, đơn vị được tham gia học tập, giao lưu với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về AI trên thế giới để cập nhật tri thức mới, hướng phát triển mới, đóng góp cho sự phát triển chung cho Thành phố cũng như của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ngoài ra, cần có bộ phận chuyên trách, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xác định, đảm nhiệm việc tìm kiếm, phát hiện người tài trong lĩnh vực AI cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Thành phố nói riêng trong những giai đoạn tiếp theo. 

Bốn là, Thành lập Quỹ phát triển nhân tài về AI của Thành phố Hồ Chí Minh với chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phát hiện, thu hút, bồi dưỡng nhân tài theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi chiến lược, kế hoạch của Thành phố. 

Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho đội ngũ nhân tài về AI được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, phát huy hết năng lực và tinh thần phấn đấu, đóng góp cho Thành phố. Cùng với hoạt động kiểm tra, giám sát phải xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo điều kiện tốt nhất để đội ngũ nhân lực này thể hiện và phát huy tài năng sáng tạo, kinh nghiệm của bản thân; tăng cường giao lưu, hợp tác với các mạng lưới khoa học và công nghệ quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt để lắng nghe nguyện vọng, tham vấn ý kiến nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện chính sách về thu hút và đãi ngộ nhân tài. 

Sáu là, cần có các chính sách thu hút nhân tài về AI đồng bộ về đào tạo, thu hút, sử dụng và trọng dụng. Xem xét cơ chế không nên thu hút người tài về làm toàn thời gian, đặc biệt cho các sở, ban, ngành, mà cần tuyển dụng linh hoạt, tốt nhất là theo hợp đồng nghiên cứu. Quy định đa dạng các hình thức hợp tác, làm việc giữa nhân tài về AI với các đơn vị của Thành phố. Trong đó, cho phép họ và các đơn vị có thể chọn hình thức làm việc toàn thời gian, bán thời gian, hoặc làm việc từ xa, kết hợp nhiều hình thức làm việc. Xây dựng cơ chế khuyến khích, giữ chân và bảo vệ đội ngũ nhân tài này bởi các rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động, cống hiến cho Thành phố. 

Nhân tài nói chung và nhân tài trong lĩnh vực AI nói riêng là yếu tố rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Để Thành phố Hồ Chí Minh thực sự phát triển, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị, đô thị thông minh xứng tầm khu vực và thế giới; xây dựng nền hành chính phục vụ người dân hiệu quả hơn… trong đó nhiệm vụ ưu tiên là cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nhân tài trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực AI để sớm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng đã đề ra.

Phạm Hồng Sơn, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh



Nguồn: tcnn.vn