Một số vấn đề xin ý kiến Chính phủ về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)

30/08/2019 11:11
  • Print
  • Lượt xem: 8941

Thực hiện Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 28/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các bộ, ngành xây dựng dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Nội vụ đã xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương;  đồng thời, gửi đăng tải dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Nội vụ để lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân và các đối tượng thanh niên. 

Tính đến ngày 28/6/2019, Bộ Nội vụ nhận được 88 ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, trong đó có 34 ý kiến của các bộ, ngành và cơ quan liên quan, 54 ý kiến của các địa phương (Có 14 ý kiến thống nhất hoàn toàn với dự thảo Luật, 74 ý kiến góp ý vào dự thảo Luật). 

Tiếp đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định; chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu kèm theo để trình Chính phủ.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn. Ảnh: TCNN/Hoài Nga

Ngày 05/8, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2019, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã báo cáo và xin ý kiến Chính phủ về một số nội dung của dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Thứ nhất, về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam. Bộ Nội vụ trình 02 phương án:

Phương án 1: Không quy định Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Phương án 2: Giữ nguyên Luật Thanh niên năm 2005 quy định về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Theo Bộ Nội vụ, Luật Thanh niên năm 2005 quy định Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan thực hiện chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. Hiện nay, cơ cấu lãnh đạo của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đều hoạt động kiêm nhiệm, gồm Chủ nhiệm Ủy ban (mời Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm, 01 đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn làm Phó Chủ nhiệm thường trực); các Phó Chủ nhiệm Ủy ban khác (Thứ trưởng các bộ: Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và các Ủy viên Ủy ban (Thứ trưởng các bộ, ngành ở Trung ương và Lãnh đạo một số cơ quan liên quan). Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam sử dụng bộ máy và trụ sở của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để thực hiện nhiệm vụ; có con dấu và kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước bảo đảm hàng năm và cấp thông qua cơ quan Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ. 

Tuy nhiên, thực hiện Thông báo số 327/TB/TW ngày 16 tháng 4 năm 2010 của Bộ Chính trị về Đề án Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên, Chính phủ giao Bộ Nội vụ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Ngày 13/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1471/QĐ-TTg thành lập Vụ Công tác thanh niên trực thuộc Bộ Nội vụ để giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Do vậy, để tránh chồng chéo, trùng dẫm về nhiệm vụ, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về thanh niên, cần thiết phải quy định cụ thể về cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên trong dự thảo Luật. Và chỉ nên quy định về cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước mà không cần phải quy định về cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo Luật. Mặt khác, theo quy định hiện hành thì việc thành lập cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, không nhất thiết phải quy định trong Luật. 

Bộ Nội vụ chọn Phương án 1 không quy định Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Thứ hai, quy định về Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Bộ Nội vụ trình 02 phương án:

Phương án 1: Kế thừa Luật Thanh niên năm 2005 và giữ nguyên Quy định Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Phương án 2: Không quy định Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Theo Bộ Nội vụ, tại khoản 2 Điều 32 Luật Thanh niên năm 2005 quy định “Tổ chức thanh niên bao gồm Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được tổ chức và hoạt động theo điều lệ của tổ chức và trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật”.

Theo quy định của Điều lệ Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 1176/QĐ-BNV ngày 14/10/2010 của Bộ Nội vụ, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng của Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam. Với bề dày lịch sử hơn 60 năm (Ngày truyền thống của Hội là 15/10/1956), Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới. Trong đó, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là thành viên tập thể giữ vai trò nòng cốt chính trị trong xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước và đoàn kết, tập hợp rộng rãi thanh niên Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. 

Do vậy, để tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên của Việt Nam trong thời kỳ mới nhằm chăm lo, bồi dưỡng, phát triển thanh niên, chỉ nên quy định trách nhiệm của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (đã được công nhận và quy định trong Hiến pháp năm 2013) và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam mà không quy định thêm tổ chức thành viên khác của Hội Liên hiệp thanh niên trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Bộ Nội vụ chọn Phương án 1 Quy định Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Thứ ba, quy định về trách nhiệm của một số bộ, cơ quan ngang Bộ. Bộ Nội vụ trình 02 phương án:

Phương án 1: Không quy định cụ thể trách nhiệm của một số bộ, ngành trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Phương án 2: Quy định cụ thể trách nhiệm của một số bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Theo Bộ Nội vụ, để khắc phục hạn chế của Luật Thanh niên năm 2005, căn cứ chính sách đã được Chính phủ thông qua, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên cho thấy việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên là trách nhiệm của các cấp, các ngành. Và việc này có thể quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thì sẽ gặp khó khăn do các bộ, cơ quan ngang bộ thay đổi chức năng, nhiệm vụ, khi đó lại phải sửa Luật. Mặt khác, thẩm quyền quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ là thuộc thẩm quyền của Chính phủ phân công.

Vì vậy, Bộ Nội vụ chọn Phương án 1, không quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang Bộ mà giao cho Chính phủ quy định./.


Thanh Tuấn