Bình Dương: Kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015

13/11/2018 09:18
  • Print
  • Lượt xem: 1466

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã công nhận 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới, công bố chuyển 12 xã và 4 thị trấn lên phường giai đoạn 2011 - 2015.

Ảnh minh họa (Nguồn: binhduong.gov.vn)

Bình Dương là tỉnh có 9 huyện, thị xã và thành phố trực thuộc với 48 xã, 41 phường và 2 thị trấn. Mặc dù cơ cấu kinh tế của tỉnh đến cuối năm 2015 là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỉ trọng tương ứng là 60% - 37, 3% - 2,7%. Tuy nhiên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho dân cư nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. 

Trong 05 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011 - 2015), với sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, doanh nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang và hiện đại; tiêu chí nông thôn mới đạt được ở các xã ngày càng tăng; tỉnh đã công nhận 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới, công bố chuyển 12 xã và 4 thị trấn lên phường; huyện Dầu Tiếng được Thủ tướng công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng công nhận thị xã Tân Uyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện còn 17 xã chưa đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 34,7% (trong đó: có 14 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 03 xã đạt từ 12 - 14 tiêu chí). 

Sau khi Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ được ban hành, các huyện, thị xã mới thành lập đã kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành Chương trình các cấp; cấp huyện thành lập 07 Ban Chỉ đạo cấp huyện, thị xã; cấp xã thành lập 48 Ban Quản lý; cấp ấp thành lập 290 Ban Phát triển ấp. 

Trong các năm qua, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành 50 văn bản chỉ đạo điều hành (đặc biệt, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND ngày 17/8/2015 về việc ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương), các Sở, ban ngành ban hành trên 85 văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới cấp huyện đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu ban hành gần 300 văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình; hệ thống Văn phòng điều phối cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức 321 buổi tập huấn, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại 48 xã với 35.565 lượt cán bộ và nhân dân tham dự; cập nhật, in ấn, cấp phát 1.184 tập tài liệu hướng dẫn về xây dựng nông thôn mới, 156.100 tờ rơi, 500 quyển sổ tay, 500 câu hỏi đáp tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, 60 đĩa CD tuyên truyền về nông thôn mới; tham mưu Ban chỉ đạo các cấp thực hiện kịp thời công tác kiểm tra, giám sát trong qua trình triển khai thực hiện chương trình. Chương MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh không có bố trí nguồn vốn trực tiếp cho cho Chương trình, chủ yếu là nguồn vốn lồng ghép từ các Sở, ban ngành và nguồn vốn phân cấp cho các huyện, thị xã, do đó Văn phòng điều phối chỉ phối hợp, theo dõi tổng hợp kế quả thực hiện đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, chưa thực hiện chức năng tham mưu Ban chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch vốn theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Cung ứng dịch vụ hành chính công tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND các xã xây dựng nông thôn mới

Theo đó, 100% các xã NTM đều được đầu tư trụ sở, trang thiết bị, hệ thống phần mềm 1 cửa, phần cứng côn nghệ thông tin (CNTT) và đào tạo đội ngũ CBCC 1 cửa đạt chuẩn bộ phận 1 cửa hiện đại cấp xã. Đối với các xã còn lại, đến 2020, 50% xã có bộ phận 1 cửa hiện đại, 50% các xã còn lại đều được trang bị phần cứng CNTT và phần mềm 1 cửa để kết nối liên thông 3 cấp toàn tỉnh. Định hướng đến 2020, 70% CBCC xã đạt trình độ đại học, 15% CBCC xã có trình độ sau đại học. 100% xã luân chuyển văn bản qua môi trường mạng, phần mềm văn bản (trừ văn bản mật). Thực hiện Chỉ số CCHC, Chỉ số PAPI, SIPAS đến 100% UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tùy theo từng lĩnh vực được phân công đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều hoạt động để tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn xây dựng nông thôn mới như: Công an tỉnh phát động phong trào thi đua trong toàn lực lượng công an, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới; Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương thực hiện 75 phóng sự, 39 chương trình tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, biểu dương những tấm gương nông dân tiêu biểu; thực hiện thường xuyên 02 chương trình “nông nghiệp và nông thôn”, “gặp gỡ nhà nông”; Đài phát thanh huyện, thị, xã phát sóng với số lượng trên 1.000 lượt; Báo Bình Dương thường xuyên viết tin bài về xây dựng NTM; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền thông qua hình thức pano, băng rôn cổ động, các hội thi tuyên truyền lưu động hàng năm; Tỉnh Đoàn phối hợp Đoàn khối Cơ quan tổ chức phát động cho Đoàn viên tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới "Ngày chủ nhật xanh",...

Trong 5 năm thực hiện tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các địa phương và nhân dân trong toàn tỉnh, tích cực góp phần thực hiện chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn. Có nhiều tổ chức, cá nhân được Trung ương và UBND khen thưởng như: Cờ Thi đua Chính phủ: Huyện Dầu Tiếng; Bằng khen Thủ tướng cho: 05 tập thể và 06 cá nhân; đặc biệt có 01 cá nhân là nhân dân đã có đóng góp xuất sắc trong phong trào; UBND tỉnh tặng: Cờ thi đua cho 01 tập thể và Bằng khen cho 35 tập thể và 97 cá nhân, đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015.

Tuấn Anh (Báo cáo Tình hình thực hiện Quyết định số 1996/QĐ-TTg của tỉnh Bình Dương năm 2016)