Công trình Ngàn Trươi-Cẩm Trang sẽ thay đổi đời sống nông thôn Hà Tĩnh

27/11/2018 08:43
  • Print
  • Lượt xem: 2257

Thị sát dọc tuyến thuỷ lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi-Cẩm Trang tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng công trình sẽ góp phần tạo nên bộ mặt mới và thay đổi đời sống của người dân nông thôn Hà Tĩnh.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát dọc tuyến thuỷ lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi-Cẩm Trang tại Hà Tĩnh
Ảnh: VGP/Thành Chung 

Trong chuyến tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV vào sáng nay, 26/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng một số đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh đã đi thăm công trình thuỷ lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang (giai đoạn 1) vừa đi vào hoạt động từ giữa năm nay và thăm các mô hình khu dân cư kiểu mẫu của huyện Hương Khê.
Công trình thuỷ lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang là công trình trọng điểm quốc gia đã hoàn thành giai đoạn 1 sau 9 năm đầu tư, xây dựng với mức đầu tư là 6.281 tỷ đồng. Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư phần hồ chứa Cẩm Trang (775 triệu m3 nước, là hồ chứa lớn thứ 3 cả nước) và tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư hệ thống 16 km kênh và bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho toàn dự án.

Công trình có nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất công nghiệp, tưới 32.585 ha đất nông nghiệp của 8 huyện, thị xã và gần 6.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, kết hợp phát điện với công suất máy 15 MW, cấp nước sinh hoạt, làm giảm lũ cho vùng hạ du, đặc biệt là vùng Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi hồ chứa hoàn thành và đi vào hoạt động đã cắt lũ hoàn toàn trên hệ thống sông Ngàn Trươi, điều tiết được nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp hạ du.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát khu vực hồ điều hoà đập dâng ở thị trấn Vũ Quang - Ảnh: VGP/Thành Chung

Không chỉ có tác dụng về kinh tế, công trình thuỷ lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang và hệ thống đường giao thông bê tông đi kèm còn góp phần phát triển giao thương hàng hoá của các xã miền núi với miền xuôi, tạo nên hệ thống cảnh quan tươi đẹp của vùng nông thôn Hà Tĩnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh khẳng định việc đầu tư công trình thuỷ lợi này của Trung ương là đúng đắn, là thành quả từ việc triển khai Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7, khoá X về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân cách đây đúng 10 năm.

Đánh giá cao việc các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực triển khai công trình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang sẽ tạo ra sức bật mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Hà Tĩnh.

Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục hoàn thiện, chỉnh trang các hạng mục phụ trợ cho công trình, khai thác giá trị của công trình thuỷ lợi, hồ chứa trong phát triển du lịch ở vùng miền núi của Hà Tĩnh.

Về việc triển khai giai đoạn 2 của dự án để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới khoảng 65 km kênh tưới cho hơn 32.500 ha vùng khô hạn Vũ Quang, Hương Sơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai bố trí 836 tỷ đồng từ nguồn dự phòng vốn trung hạn cho tỉnh Hà Tĩnh thực hiện, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh từ giữa năm nay.
Ảnh: VGP/Thành Chung
Khu dân cư không “kín cổng cao tường”

Thăm khu dân cư kiểu mẫu ở huyện Hương Khê, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng khi cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và người dân đồng lòng nhất trí, triển khai hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi này của Hà Tĩnh.

Tận dụng lợi thế kinh tế vườn, nhiều hộ dân đã liên kết với doanh nghiệp để trồng cây ăn quả như cam, chanh, bưởi, rau mầu, bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGap để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Nhà ông Đinh Minh Thắng, thương binh ¾ trong kháng chiến chống Mỹ là một trong những điển hình khi làm giàu từ kinh tế vườn ở thôn dân cư kiểu mẫu Nam Trà. Với 7.500 m2 vườn, ông Thắng cũng như nhiều hộ khác trong thôn liên kết với doanh nghiệp trong trồng bưởi, rau màu và ươm giống bưởi trong nhà lưới. Mỗi năm, 6 vạn cây bưởi giống được xuất đi các huyện và tỉnh khác, ông Thắng thu về khoảng 1,2 tỷ  đồng, lợi nhuận cao gấp 20 lần so với trồng lúa.

Kinh tế vườn ở Nam Trà hay ở nhiều thôn, xã khác thuộc Hương Khê, Hương Sơn phát triển mạnh mẽ và cho hiệu quả kinh tế cao từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới. Cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo, người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp sức người, sức của để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sinh hoạt , sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi hoàn toàn cảnh quan miền sơn cước này. Thu nhập 1 nhân khẩu/ năm ở Nam Trà là 43 triệu đồng, gấp 1,5 lần thu nhập người dân ở khu vực nông thôn trung bình cả nước.

Người dân và chính quyền ở Nam Trà bày tỏ tự hào khi gọi đây là thôn không “kín cổng cao tường” bởi không có trộm cắp, tường nhà đều được làm bằng bụi cây, đường thôn rộng rãi, ngăn nắp, sạch sẽ...

Tham quan khu dân cư kiểu mẫu Nam Trà, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đúc rút đây là thôn “có nhiều cái không”: Không khóa, không tường, không rác, không nghèo, không tệ nạn xã hội. Đồng thời cũng là thôn “nhiều cái có”: Có xanh, có sạch, có giàu, có tình làng nghĩa xóm, có trật tự an ninh, xứng đáng là vùng quê đáng sống.

Phó Thủ tướng cho rằng có được những thành quả này là do cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và người dân đều có chung niềm tin, chung sức, chung lòng, chung ý chí xây dựng quê hương không ngừng đổi mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định mô hình nông thôn mới như ở Nam Trà xứng đáng là điển hình trong xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo Nghị quyết số 26 Hội nghị Trung ương 7 khoá X mà cả nước đã triển khai trong 10 năm qua.

Một số hình ảnh:
Đập dâng Ngàn Trươi - Ảnh: VGP/Thành Chung

Nhiều hộ dân ở huyện Hương Khê liên kết với doanh nghiệp trồng cây ăn quả như cam, chanh, bưởi, rau mầu, bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGap - Ảnh: VGP/Thành Chung




Thành Chung/baochinhphu.vn