Vùng thượng Kỳ Anh: Biến 'sỏi đá' thành cơm

27/06/2019 16:25
  • Print
  • Lượt xem: 1664

Một thời, nhắc đến vùng thượng Kỳ Anh là nhắc đến những khó khăn, đói nghèo. Nhưng, “gió đã xoay chiều” khi chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai.

Nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh ra đời kết hợp sự cần cù, chịu thương chịu khó của người nông dân, vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nay đã đổi thay toàn diện.  

Đánh thức tiềm năng

Lâm, Sơn, Thượng, Lạc, Tây, Hợp, Trung là cụm từ thường gọi của các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Mặc dù tài nguyên rừng, đất rừng rộng lớn nhưng kể từ 2011 trở về trước, chưa một xã nào trong vùng khai thác được tiềm năng, lợi thế của “rừng vàng”. Những vườn tạp, rừng keo, đồi chè cằn cỗi, năng suất thấp khiến bà con vùng thượng luẩn quẩn trong vòng xoáy đói nghèo.

Năm 2011, cả tỉnh phát động phong trào xây dựng NTM, lúc này khái niệm NTM với chính quyền, người dân nơi đây mới mẻ, lạ lẫm lắm. Phải đến năm 2012 - 2013 các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp như Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh, Quyết định 24, 26 của UBND tỉnh ra đời mới tạo được động lực để bà con các xã vùng thượng xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả.
Tiềm năng phát triển cây chè vùng thượng Kỳ Anh đã được đánh thức.

Theo báo cáo từ UBND huyện Kỳ Anh, tính từ năm 2011 đến nay, các xã vùng thượng đã thành lập được trên 200 mô hình kinh tế với quy mô từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng. Điều đáng mừng là các mô hình đều phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con trong vùng.

Anh Bùi Văn Linh, chủ trang trại ở xã Kỳ Sơn cởi mở: “Nhờ mạnh dạn đầu tư nguồn lực nên trang trại 6.000 gốc cam, 300 cây thanh long, 4.000 gốc bưởi, 400 con lợn rừng và 100 con bò, đang phát triển theo đúng kỳ vọng của tôi. Bình quân mỗi năm doanh thu đạt hơn chục tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên.
Ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện phấn khởi cho biết, khoảng 3 năm lại nay, đời sống người dân các xã Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Tây, Kỳ Hợp, Kỳ Trung đổi thay rõ rệt. Từ công trình phúc lợi công cộng như điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, hàng nghìn ngôi nhà lầu cũng được dựng lên bề thế.

Hiện, toàn huyện Kỳ Anh có 20.000ha rừng sản xuất thì 7 xã vùng Thượng chiếm đến hơn 15.000ha. Đối với cây chè, theo quy hoạch của huyện, phấn đấu đến năm 2020 trồng được 600ha nhưng đến nay đã có 491ha đứng chân tại các xã Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Sơn; trong đó gần 300ha đã cho thu hoạch. Qua đánh giá sơ bộ, bình quân năng suất chè toàn huyện đạt 15 tấn/ha, cá biệt một số diện tích thâm canh theo VietGap năng suất đạt tới 25 – 27 tấn/ha. 

Kỳ Thượng những ngày này trời nắng như đổ lửa. Tuy nhiên, sáng sớm và chiều muộn hàng trăm hộ dân vẫn cố gắng đổ ra đồi chè tưới nước chống hạn cho cây.

Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng khẳng định: “Dù năng suất cây chè ở Kỳ Thượng chưa được như kỳ vọng nhưng phải khẳng định trồng chè hiệu quả kinh tế gấp hàng chục lần sản xuất lúa. Bình quân 1ha cho thu nhập trên dưới 150 triệu đồng/năm. Vì thế, Kỳ Thượng xác định đây là cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo, giúp bà con có của ăn của để, làm nền tảng xây dựng NTM bền vững”.  

Kích cầu phát triển nông nghiệp

Ngoài các chính sách của tỉnh Hà Tĩnh, những năm qua, huyện Kỳ Anh cũng đã dành hàng chục tỷ đồng khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.

Ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, mặc dù thời gian qua, phong trào phát triển kinh tế tại vùng thượng có nhiều khởi sắc, song vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng, vẫn còn nhiều vườn tạp, chưa hình thành được sản phẩm chủ lực gắn với phát triển thị trường. Chính vì vậy, khi ban hành được chính sách kích cầu phát triển nông nghiệp, huyện kỳ vọng đây sẽ là cú hích để người dân vùng thượng tiếp tục mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.
Trang trại hơn 300ha của hộ anh Linh mỗi năm cho doanh thu trên chục tỷ đồng.

Ngoài hỗ trợ trồng lúa, rau, củ, quả thì chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của huyện còn tập trung hỗ trợ các gia đình cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả và các cây, còn có giá trị kinh tế; hỗ trợ phát triển cây ăn quả có múi, chè, cây thức ăn chăn nuôi, dược liệu.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, chính sách tập trung mạnh cho việc hỗ trợ tiền mua lợn giống, các loại thuốc phòng chữa bệnh, hóa chất tiêu độc khử trùng cho các cơ sở đạt tiêu chuẩn, phù hợp quy hoạch; hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chuồng trại cho các hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo với quy mô 15 con trở lên...

Nguồn: nongnghiep.vn