Nhân dân và cán bộ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị thi đua xây dựng nông thôn mới

18/12/2020 17:24
  • Print
  • Lượt xem: 1396

Qua triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2011 - 2020, toàn huyện Cam Lộ có 8/8 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị công nhận theo Quyết định số 1890/QĐ-TTg. Huyện đã xây dựng hoàn thành 09/09 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg.

Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Nhờ sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2011 - 2020 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay bộ mặt nông thôn huyện Cam Lộ có nhiều đổi mới, khởi sắc, rõ nét. Sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn phát triển khá toàn diện, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa từng bước gắn với thị trường. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng ở nông thôn (hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, bãi xử lý rác thải, hệ thống cấp nước sạch…) được đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ; tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập hộ lao động nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đồng thời, đã làm chuyển biến nhận thức một cách sâu sắc của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, mọi tầng lớp Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Ngay từ khi triển khai chương trình, quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đưa ra vừa “Sâu sát, toàn diện, quyết liệt, hiệu quả”; “Huyện nông thôn mới” với tinh thần chung “Không chạy theo hình thức, không huy động quá sức dân”, “lấy thu nhập nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân” là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong chỉ đạo. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các nội dung hết sức cụ thể “Gắn việc xây dựng xã nông thôn mới song song với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”. Đến nay, đạt được nhiều kết quả quan trọng theo các tiêu chí cụ thể như: Xác định công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện; Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, lập đồ án Quy hoạch chung phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Đến cuối năm 2012, các đồ án quy hoạch nông thôn mới các xã  đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt, đồng thời để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, Ủy ban nhân dân huyện triển khai xây dựng quy hoạch trên các lĩnh vực trình các cấp phê duyệt, gồm: Quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2010 - 2020… Song, nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý, điều hành, khai thác tài nguyên một cách có hiệu quả bền vững, tạo kết nối, liên kết giữa các vùng trong và ngoài huyện; Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, tư vấn tổ chức lập đồ án Quy hoạch vùng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014. Đến nay, quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng huyện Cam Lộ đến năm 2040, định hướng đến năm 2050 dã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3129/QĐ-UBND ngày 18/11/2019; đồng thời, đã niêm yết công khai tại Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử huyện…

Thực hiện Chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn, chương trình xây dưng nông thôn mới, người dân hiến đất, hiến cây mở rộng lòng đường, lề đường, đóng góp tiền, ngày công để làm các tuyến đường trục thôn, trục, ngõ xóm với tổng chiều dài các tuyến 264,8km (160,1km là đường trục thôn, 104,7km đường ngõ xóm). Đến nay, đã bê tông hóa, nhựa hóa tuyến đường trục chính đường nội đồng tông hóa 136,8/160,1km đường trục thôn đạt 85,5% và cứng hóa 100% các tuyến đường ngõ, các tuyến đường trục chính đường nội đồng tông hóa, cứng hóa 161,0/179,5km đạt 89,7%. Đường trục xã kết nối với trung tâm các xã và trung tâm huyện nhựa hóa 124,8km/124,8km đạt 100%; hệ thống giao thông của huyện chủ yếu là đường bộ, Ủy ban nhân dân huyện đã huy động lồng ghép nhiều nguồn đầu tư, lập kế hoạch, lộ trình, bố trí các nguồn vốn hợp lý đến nay nhựa hóa là 140,2km/140,2km đạt 100%; có 23 cầu L≥4,0m, cống các loại được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch.

Xác định hệ thống thủy lợi phục vụ đảm bảo tưới, tiêu là điều kiện tiên quyết, quyết định đến năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, Ủy ban nhân dân huyện huy động lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách nhà nước các cấp, kêu gọi hỗ trợ từ các dự án, tổ chức phi chính phủ và vốn xã hội hóa… Đến nay, đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 45 hồ, đập nhỏ, 10 trạm bơm; xây dựng mới 10 hồ, đạp và 2 trạm bơm, đảm bảo tưới cho 100% diện tích lúa và 50% rau đậu các loại,. Ủy ban nhân dân huyện đã phân cấp, phân quyền quản lý, nhằm khai thác, vận hành đảm bảo phát huy hiệu quả các công trình sau đầu tư.

Huyện Cam Lộ với nhiều sản phẩm phong phú

Các công trình hệ thống điện trung thế liên xã đầu tư trên địa bàn huyện theo Quy hoạch ngành điện chung của tỉnh được phê duyệt Quy hoạch tại Quyết định số 4695/QĐ-BCT ngày 27/02/2018 của Bộ Công Thương về phê duyệt phát triển điện lực tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2025, tính đến 2035. Tính đến nay, số hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ nguồn lưới điện quốc gia đạt tỷ lệ 100% (14.599 hộ/14.599 hộ, doanh nghiệp, tăng 1.781 hộ, doanh nghiệp so với năm 2011); sản lượng điện tính đến ngày 15/11/2019 là 37.274.422kwh.

Trường học của các xã, thị trấn huyện có 24/24 trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 100% và 4 trường Trung học phổ thông có 3/4 trường được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm 2019 đạt 75%. Huyện Cam Lộ được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 08/3/2019: Bậc mầm non đạt chuẩn, cấp tiểu học đạt mức độ 3, cấp trung học cơ sở đạt mức độ 2, xóa mù chữ đạt mức độ 2; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học sơ sở đạt 98,92% trong đó số học sinh tiếp tục học (Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên, học nghề…) bình quân toàn huyện đạt 97,3%; số người làm việc qua đào tạo 18.641 người, chiếm 59,65%; hạ tầng thương mại đảm bảo; huyện có 3 bưu cục, 6 điểm bưu điện văn hóa xã đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của các tổ chức, cá nhân tại địa phương như nhận gửi bưu phẩm, bưu kiện, chuyển phát nhanh, phát hành báo; có 105/105 thôn, bản, khu phố có hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ truy cập internet; hệ thống loa, cụm loa FM, đạt tỷ lệ 100%. Trên địa bàn huyện đã xóa nhà tạm bợ, dột nát, có 95,7% nhà ở đạt chuẩn theo quy định (10.741/11.219 nhà ở đạt tiêu chuẩn); năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 38,34 triệu đồng/người/năm (tăng 1,9 lần); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,17% (609 hộ nghèo); hộ nghèo xét đạt chuẩn nông thôn mới có 211 hộ đạt 1,51%. Kết quả điều tra sơ bộ cuối năm 219 (hộ nghèo tính cho năm 2020) có 527 hộ nghèo, chiếm 3,57%.

Ủy ban nhân dân huyện đã tăng cường, tập trung chỉ đạo công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế về chuyên môn nghiệp vụ và y đức. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai bảo đảm đúng quy định. Có 7/7 xã và 1 thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 41.885 người (87,7%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi bình quân các xã, thị trấn giảm còn 6,29%. Trung tâm y tế huyện xếp hạng III theo Quyết định số 2796/QĐ-UBND ngày 16/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị xếp hạng đối với các đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Sở Y tế; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, việc phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người nông dân được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện xác định là trục xoay, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ủy ban nhân dân huyện đã cụ thể hóa xuyên suốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, XIV, XV thành 5 nghị quyết chuyên đề, 6 đề án phát triển kinh tế nông nghiệp để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đạt được một số kết quả quan trọng như nghị quyết, đề án “Phát triển cây cao su”; “Thí điểm và phục hồi vườn tiêu”; “Nâng cao hiệu quả vùng lạc”; “Cải tạo và phát triển chăn nuôi bò”; “Phát triển lâm nghiệp bền vững”; “Nâng cao hiệu quả sản xuất một số sản phẩm có thế mạnh của địa phương”, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đạt trên 90%... Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với chế biến, huyện đã nỗ lực kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết chế biến tiêu thụ một số nông sản chủ lực, quan tâm khuyến khích hỗ trợ công nhận làng nghề truyền thống, xây dựng làng nghề mới góp phần cơ bản tiêu thụ một số nông sản sản xuất trên địa bàn. Huyện Cam Lộ có 2 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận “Làng bún Cẩm Thạch ở xã Cam An” và “Làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa”, làng nghề sản xuất các sản phẩm mang tính chất đặc trưng của địa phương, giải quyết một số việc làm cho người lao động nông thôn. Huyện có vị trí giao thông thuận lợi là điều kiện để thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng với nhiều loại hình, ngành hàng kinh doanh khác nhau, không chỉ tập trung ở khu vực thị trấn huyện lỵ, chợ Cùa, ngã tư Sòng, còn vươn đến các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa góp phần lưu thông, tiêu thụ nông sản. Quy hoạch và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nhiều giải pháp tích cực thu hút các nhà đầu tư vào 3 cụm công nghiệp (Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Tuyền), đến nay, đa thu hút được 33 dự án, trong đó có 20 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm trên 1.000 lao động địa phương.

Môi trường đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nhằm thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu, cơ bản của Nhân dân, đây là thách thức lớn, vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết, xử lý, từ hoạt động khai thác khoáng sản; chất thải từ sản xuất nông nghiệp; hoạt động làng nghề, cụm công nghiệp; tình trạng hạn hán; nước thải sinh hoạt… Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá, lập quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp; hợp đồng xử lý chất thải nguy hại; sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ huyện đến xã, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ các giải pháp trong quản lý, tổ chức, thực hiện đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cung cấp nguồn nước sinh hoạt ở địa bàn nông thôn đảm bảo các tiêu chuẩn là tất yếu và cấp thiết hiện nay của các cấp chính quyền năm 2019 có 98,6% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch 72,6%; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; 100% số xã đạt tiêu chí đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh - sạch - đẹp; nghĩa trang nhân dân được các xã, thị trấn luôn dành một phần quỹ đất nhất định để quy hoạch phù hợp với phong tục, tập quán mỗi địa phương với 461,5ha, trong đó quy hoạch nghĩa trang liệt sĩ 5,17ha, còn lại 456,33ha quy hoạch nghĩa trang nhân dân. Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm được các cấp quan tâm, chỉ đạo, 100% số hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2019 có 10.3636/11.832 hộ đạt 87,6%; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường là 77,45%.

Toàn huyện ước tính tổng lượng rác phát sinh khoảng 31,02 tấn/ngày; lượng rác thải thu gom, xử lý là 28 tấn/ngày đạt tỷ lệ 90%. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định; chất thải y tế phát sinh từ các Trạm y tế được thu gom vận chuyển về xử lý tại lò đốt của Trung tâm Y tế huyện, xử lý 2 lần/ngày bằng lò đốt Model:KW-20 NEW VERION, công suất 20 - 30kg/h. Huyện Cam Lộ có 3 cụm công nghiệp, trong đó Khu công nghiệp Cam Thành được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 20/11/2019, Khu công nghiệp Cam Hiếu được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3169/QĐ-UBND ngày 20/11/2019. Riêng Cụm công nghiệp Cam Tuyền đang thi công đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư nên đang xây dựng và hoàn thiện thủ tục đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động; làng nghề cao dược liệu Định Sơn được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường tại Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 06/02/2018; làng nghề bún Cẩm Thạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường tại làng bún Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ” tại Quyết định số 2634/QĐ-UBND ngày 30/9/2019.

Phong trào chỉnh trang nông thôn đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, xây dựng đường làng, ngõ xóm vừa xanh, sạch còn phải đẹp được người dân hưởng ứng tích cực, đến nay toàn huyện đã trồng được 58,5km đường hoa.

An ninh, trật tự xã hội được giữ vững, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” theo Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an, trên 90% thôn, bản, khu phố được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn an ninh trật tự; không xảy ra trọng án, không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, không có tội phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm, xã hội đen, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, các vụ việc xảy ra đều được giải quyết triệt để, tỷ lệ khám phá án cao; công an huyên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương: Xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng Cụm an toàn làm chủ - Sẵn sàng chiến đấu, an ninh trật tự. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ cấp huyện vững chắc. Đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Có được kết quả như hiện nay, chính là nhờ sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị trên chặng đường 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2011- 2020), đến nay, bộ mặt nông thôn huyện Cam Lộ có nhiều đổi mới, khởi sắc, rõ nét. Sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn phát triển khá toàn diện, chuyển dịch theo hướng sản xuất theo hàng hóa từng bước gắn với thị trường. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng ở nông thôn (hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống công trình, giao thông nội đồng, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, bãi xử lý rác thải, hệ thống cấp nước sạch…) được đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ; tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đồng thời, đã làm chuyển biến nhận thức một cách sâu sắc của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Ghi nhận những thành tích trong công tác xây dựng nông thôn mới của Nhân dân và cán bộ huyện Cam Lộ, ngày 16/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 520/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã được tặng nhiều danh hiệu thi đua như: Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh và các hình thức khen thưởng: Bằng khen của tỉnh và các Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhất.

Anh Cao (Tài liệu của Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X)