Long An: Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

22/12/2020 11:51
  • Print
  • Lượt xem: 2356

Năm 2010 - năm bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, là năm có nhiều khó khăn, thách thức của thời kỳ hậu suy thoái kinh tế và áp lực từ việc tăng trưởng thấp của giai đoạn 2006 - 2009. Sau năm 2010, nền kinh tế nước ta phục hồi nhanh; kinh tế vĩ mô tương đối ổn định; nhiều cơ chế, chính sách được sửa đổi kịp thời, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển.

Xã Hưng Thạnh xây dựng nông thôn mới thành công từ chính sự đồng thuận của người dân. Nguồn: baolongan.vn

Theo đó. năm 2010, toàn tỉnh chưa có xã đạt trên 13 tiêu chí, 15/166 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, 84/166 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí, 67/166 xã đạt từ 2 - 5 tiêu chí. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 25,9% số xã toàn tỉnh; 52/166 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 57/166 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 14/166 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí; không còn xã dưới 6 tiêu chí. Đến tháng 9/2019, toàn tỉnh đã có 77 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 46,4% số xã toàn tỉnh, đạt 93,9 % so với kế hoạch Trung ương giao và đạt 92,7% so với Nghị quyết của Tỉnh ủy giao đến năm 2020.

Kết quả trên cho thấy, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng mạnh (từ 25,9% năm 2016 lên 46,4% năm 2018). Do đó, mục tiêu có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trên 83 xã) đến cuối năm 2020 là có cơ sở hoàn thành. Bởi vì, tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh đã có 23 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí(8), đây là những xã có khả năng và điều kiện cao để đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019 và 2020.

Năm 2010, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã của toàn tỉnh đạt 6 tiêu chí(9), đến cuối năm 2015 tăng lên 14,1 tiêu chí(10), đến tháng 9/2019 tăng lên 15,62 tiêu chí/xã. Đến tháng 9/2019, toàn tỉnh đã có 66/166 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 55/166 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 3/166 xã đạt 9 tiêu chí.

Hiện nay, các địa phương đang tập trung các giải pháp để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2019, nhất là chỉ tiêu không còn xã nông thôn mới nợ tiêu chí, do đó dự kiến số tiêu chí đạt bình quân/xã của toàn tỉnh đến cuối năm 2019 đạt 16,07 tiêu chí/xã (đạt 100% kế hoạch đề ra), năm 2020 đạt 17 tiêu chí/xã.

Năm 2010, toàn tỉnh còn 37 xã dưới 5 tiêu chí, chiếm 22,3% tổng số xã toàn tỉnh; đến hết năm 2015, toàn tỉnh không còn xã dưới 5 tiêu chí; đến tháng 9/2019, toàn tỉnh chỉ còn 3 xã đạt 9 tiêu chí(11), khả năng đến cuối năm 2020, toàn tỉnh sẽ không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Năm 2019, tỉnh đã tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao điểm tại xã Phước Hậu (Cần Giuộc) và Hòa Phú (Châu Thành). Đến tháng 9/2019, xã Hòa Phú cơ bản đạt 4/5 tiêu chí(13); xã Phước Hậu cơ bản đạt 2/5 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao(14). Dự kiến đến cuối năm 2019, toàn tỉnh sẽ công nhận 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Việc xây dựng và công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là bước phát triển quan trọng về chất lượng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thể hiện quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục và không có điểm kết thúc.

Đến tháng 9/2019, tỉnh đã thẩm tra và hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương thẩm định, công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo lộ trình, Trung ương sẽ xem xét tổ chức thẩm định và công nhận cuối năm 2019.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2010 - 2020, Nhận thức của cả hệ thống chính trị về xây dựng nông thôn mới đã chuyển biến rõ rệt, người dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia, hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, nên đã tạo ra sức lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh.

Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ.

Các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao bước đầu có hiệu quả; chất lượng nông sản ngày càng tăng, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu; ý thức hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã được nâng lên.

Các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao ngày càng phong phú và được chú trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội, trong đó các tổ chức chính trị - xã hội đã phát động nhiều phong trào thi đua đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân nông thôn.

Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tiếp tục tăng, trong đó có sự tham gia đóng góp tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Trong xây dựng nông thôn mới, chủ trương “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân thụ hưởng” được các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc, nên dân chủ ở nông thôn được cải thiện và ngày càng phát triển.

Hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả và có nhiều đổi mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, quốc phòng được củng cố và tăng cường./.

 

Anh Cao