Bộ Tài chính: Kết quả triển khai thực hiện cơ chế, chính sách tài chính Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

23/12/2020 15:11
  • Print
  • Lượt xem: 1943

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Tài chính đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo thời gian đối với các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giao, cụ thể:

Đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 ngày 25/6/2015, theo đó có nguyên tắc ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ về phát triển kinh tế; xoá đói, giảm nghèo; chính sách dân tộc; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ và những chính sách quan trọng khác.

Đồng thời, ban hành các Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Chương trình (Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 quy định về thanh toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020,..).

Về chính sách thuế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội: Ban hành Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, theo đó quy định đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng; Ban hành Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế.

Sau đó, đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn các Luật thuế trên. Theo đó, từ ngày 01/01/2015 thực hiện bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm khuyến khích đầu tư, nhất là các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao; nuôi trồng chế biến nông sản, thủy sản: miễn thuế đối với vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; mức 10% vùng khó khăn; 15% cho các vùng còn lại…

Ngoài ra, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rà soát bãi bỏ hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giảm thủ tục hành hành chính, giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cụ thể: chuyển 06 khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp sang thực hiện theo giá dịch vụ; bãi bỏ 09 khoản lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh: Giang Huy. Nguồn: vietnamnet.vn

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã tiến hành khảo sát để xác định cây trồng, vật nuôi và địa bàn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương hoàn chỉnh Đề án thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 tại 20 địa phương trình Thủ tướng Chính phủ.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thống nhất và các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.

Địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp: Đối với cây lúa tại 07 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp); đối với trâu, bò tại 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương); đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại 05 tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).

Ngoài ra, trong giai đoạn 2011 - 2019, Bộ Tài chính đã có các văn bản để hướng dẫn các địa phương thực hiện như: phân cấp nguồn thu để lại cho xã để đầu tư các công trình tại xã; phân bổ nguồn ngân sách nhà nước và huy động nguồn ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã; thanh toán, quyết toán kinh phí khen thưởng công trình phúc lợi cho các địa phương có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và cấp vốn đầu tư; đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với nguồn vốn khen thưởng là 638 tỷ đồng đến nay chưa có nguồn.

Ngân sách Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các vùng khó khăn theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị . Hàng năm, ngân sách Trung ương bố trí kinh phí để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, nhiệm vụ, dự án quan trọng; trong đó có nhiệm vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ; bố trí kinh phí cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Ngân sách địa phương bố trí cho phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, tăng cường cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề cho nông dân, đào tạo cán bộ hợp tác xã,...

Đối với nguồn thu từ xổ số kiến thiết, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Bộ Tài chính trình và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dành 60% đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và y tế (các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên), 50% (đối với các tỉnh Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Các địa phương bố trí tối thiểu 10% dự toán thu để bổ sung vốn cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo quy định tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg và Quyết định số 1760/QĐ-TTg nêu trên, nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, gồm: vốn ngân sách (trung ương và địa phương) khoảng 30% (bao gồm vốn bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 24%; vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các dự án vốn ODA thực hiện trên địa bàn khoảng 6%); vốn tín dụng khoảng 45%; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác khoảng 15%; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%.

Căn cứ các nguyên tắc nêu trên, nguồn vốn đã huy động để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2011 - 2019 như sau:

Giai đoạn 2011 - 2015, tổng mức vốn huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2011 - 2015 là: 850.802,5 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách Trung ương đã bố trí là 15.822 tỷ đồng (chiếm 2% tổng mức vốn huy động), trong đó: vốn đầu tư là 12.342 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 3.480 tỷ đồng. Vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã bố trí đến nay để thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2015 là 82.264 tỷ đồng (chiếm 10% tổng mức vốn huy động). Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác: 168.121 tỷ đồng (chiếm 20% tổng mức vốn huy động). Vồn tín dụng: 434.950 tỷ đồng (chiếm 51% tổng mức vốn huy động). Vốn doanh nghiệp: 42.198 tỷ đồng (chiếm 5% tổng mức vốn huy động). Nguồn vốn huy động đóng góp của người dân và cộng đồng là 107.447 tỷ đồng (chiếm 13% tổng mức vốn huy động).

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức vốn thực hiện Chương trình đến nay là 1.268.823,5 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách Trung ương đã bố trí là 37.900 tỷ đồng (chiếm 3% tổng mức vốn huy động), trong đó: vốn đầu tư là 27.960 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 9.940 tỷ đồng. Vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã bố trí đến nay để thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 là 149.977 tỷ đồng (chiếm 12% tổng mức vốn huy động). Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác: 149.977 tỷ đồng (chiếm 11% tổng mức vốn huy động). Vồn tín dụng: 796.421,5 tỷ đồng (chiếm 63% tổng mức vốn huy động). Vốn doanh nghiệp: 59.009,8 tỷ đồng (chiếm 5% tổng mức vốn huy động). Nguồn vốn huy động đóng góp của người dân và cộng đồng là 85.666,2 tỷ đồng (chiếm 7% tổng mức vốn huy động).

Như vậy, cơ cấu nguồn vốn bố trí cho Chương trình về cơ bản đã đảm bảo được theo quy định tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng mức vốn đã huy động để thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn 2011 - 2019 là 2.119.626 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách Trung ương đã bố trí là 53.722 tỷ đồng (vốn đầu tư: 40.302 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 13.420 tỷ đồng); vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là 232.241 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 307.970 tỷ đồng; vốn tín dụng là 1.231.372 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp là 101.208 tỷ đồng và nguồn vốn huy động đóng góp của người dân và cộng đồng là 193.113 tỷ đồng.

Xây dựng khuôn khổ pháp lý tương đối hoàn chỉnh để phục vụ cho xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, phát động thi đua được đẩy mạnh; nhận thức của người dân được nâng lên và thấy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó đã tích cực đóng góp tiền, công sức và hiến đất để xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2011 - 2019, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách nhà nước có tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng với nỗ lực của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương đã ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó dành một phần để bố trí cho Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đối với phân bổ vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã thuộc các huyện nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nông thôn đã được quan tâm đầu tư, nhất là các xã điểm. Ngoài ra, các địa phương cũng đã chủ động thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, huy động sự đóng góp của người dân để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đồng thời, đã quan tâm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng được các địa phương quan tâm chỉ đạo để phát huy tiềm năng và lợi thế từng vùng; nhiều huyện, xã đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn năng suất cao với nhiều hộ dân tham gia, góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập cải thiện đời sống. 

Định hướng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Về chính sách thuế, tiếp tục thực hiện ưu đãi thuế, phí và lệ phí đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để khuyến khích nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển và góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế, đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, chính sách ưu đãi thuế, phí và lệ phí đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm khuyến khích phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta.

Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề thu hút nhiều lao động, các dự án phục vụ chế biến, bảo quản xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản, nhằm giải quyết việc làm cho nông dân thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục dành nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Về bố trí ngân sách nhà nước, ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó chú ý thực hiện các chính sách: ưu tiên bố trí ngân sách phát triển đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại các vùng khó khăn theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời, có cơ chế cho các vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội để thu hút nguồn lực tài chính để tự phát triển, bố trí dành nguồn ngân sách để tập trung đầu tư cho các vùng còn nghèo và khó khăn, phát triển nguồn nhân lực theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020; Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản; Chương trình khuyến nông; kinh phí phòng chống dịch,...

Đối với các địa phương: chủ động bố trí cân đối ngân sách địa phương  cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thuỷ lợi, tăng cường cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,... để phát triển sản xuất.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)