Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương: Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010 - 2020

23/12/2020 15:11
  • Print
  • Lượt xem: 2140

Sau gần 09 năm thực hiện, Phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và đều khắp trong cả nước, được sự tham gia hưởng ứng tích cực đông đảo của các tầng lớp Nhân dân, đã tạo chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, diện mạo nông thôn được đổi mới khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Kết quả đạt được của Phong trào là biểu hiện sinh động nhất của sự chung sức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả của phong trào nổi bật ở một số nội dung trọng tâm là:

Triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương

Công tác tổ chức, triển khai thực hiện Phong trào thi đua đã được thực hiện khẩn trương, đồng bộ, nghiêm túc, thông qua chỉ đạo điểm 63 huyện, gần 200 xã đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác chỉ đạo. Nhiều địa phương phân công Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy, lãnh đạo các Sở, ban, ngành chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở; nhiều Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương đã đăng ký chương trình phối hợp, giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực.

Ban Thi đua - Khen thưởng các cấp đã chủ động tham mưu ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn, tổ chức phát động, ký kết giao ước thi đua, xây dựng nội dung, tiêu chí thi đua và khen thưởng. Tiêu chí xây dựng nông thôn mới trở thành chỉ tiêu quan trọng trong bình xét thi đua của cụm, khối và của từng Bộ, ngành, địa phương. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương lấy kết quả triển khai tổ chức phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới là căn cứ để đánh giá thi đua các Bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Triển khai sâu rộng, toàn diện thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tỉnh/thành phố phát động phong trào xây dựng nông thôn mới với các tên gọi khác nhau, nhưng dù dưới tên gọi nào, thì mục tiêu, nội dung, đích hướng tới của phong trào cũng là việc góp phần sớm hoàn thành sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước, như: “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cựu chiến binh gương mẫu” với “Phong trào Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”, “Tiếng hát đồng quê”, “Nhà nông đua tài”, “Điểm sáng vùng biên”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” kết hợp với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nhân dân các dân tộc Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hà Tĩnh với phong trào “Việc làng - đất vàng cũng hiến; Hiến đất - Mất một được hai”, tỉnh Hòa Bình với phong trào “Toàn dân làm sạch vệ sinh môi trường”, tỉnh Tuyên Quang với phong trào “Bê tông hóa giao thông nông thôn”; tỉnh Lào Cai với phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”; tỉnh Tây Ninh với mô hình “Liên kết 4 nhà” thâm canh lúa hiệu quả bền vững theo hướng VietGap và cánh đồng mẫu lớn... đã góp phần đẩy mạnh phong trào, khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, hướng tới mục tiêu sớm hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước.

Bên cạnh đó, các Bộ, ban, ngành đã tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách cho xây dựng nông thôn mới; tham mưu ban hành chính sách trong xây dựng nông thôn mới. Tích cực triển khai các chương trình liên kết, giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết Nghị quyết liên tịch chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Nội dung và hình thức được triển khai đa dạng, phong phú

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh - Truyền hình, báo, tạp chí, Cổng thông tin điện tử của các tỉnh/thành phố, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tư tưởng chỉ đạo, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, phương pháp tiến hành xây dựng nông thôn mới được thông tin, phổ biến sâu rộng, kịp thời đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Ở Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã ký kết đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào xây dựng nông thôn mới. Các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục về các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới được các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả.

Một số Bộ, ngành, địa phương xây dựng các chuyên mục; phát động, tổ chức các cuộc thi viết về đề tài xây dựng nông thôn mới; biên soạn và phát hành sổ tay, tờ gấp, tờ rơi, tài liệu “Hỏi - Đáp” và các bộ ảnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt, học tập Nghị quyết; góp phần tạo chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Phong trào thi đua, từ đó tích cực, tự giác hưởng ứng, tham gia. Một số cách làm hiệu quả như: Báo Nhân dân mở chuyên mục tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chuyên mục phổ biến kiến thức khoa học xây dựng nông thôn mới như: “Dạy nghề”, “Bạn của nhà nông”, “Cùng nông dân bàn cách làm giàu”, “Nhà nông cần biết”, “Sinh ra từ làng”. Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên nâng cao chất lượng tuyên truyền, cải tiến hình thức thể hiện, tăng thời lượng, chuyên mục, chuyên đề về nông nghiệp, nông thôn, như: “Hướng tới nông thôn Việt Nam no ấm, giàu đẹp, văn minh”, “Xây dựng nông thôn mới, chuyên mục hôm nay”...

Sức lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo

Nhiều tỉnh/thành phố đã vận dụng, sáng tạo ban hành cơ chế chính sách  như: Hỗ trợ vật liệu để nhân dân tự làm đường ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình; hỗ trợ lãi suất để khuyến khích nông dân vay vốn chuyển đổi cơ cấu sản xuất của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Tĩnh, hoặc mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp của các tỉnh Long An, Đồng Tháp; phát triển mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh; tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ là những địa phương đi đầu trong thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 04 nhà”...

Các Bộ, ban, ngành đã tập trung huy động nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách cho xây dựng nông thôn mới; sử dụng hợp lý nguồn vốn, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án; đẩy mạnh áp dụng các hình thức cho vay ưu đãi đối với nông nghiệp, nông thôn, triển khai nhiều nội dung có hiệu quả: Bộ Quốc phòng đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với hàng chục triệu ngày công, tham gia xóa đói, giảm nghèo, chuyển giao mô hình, kỹ thuật sản xuất cho nông dân, xây dựng trên 8.000 nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng gần 2.000 phòng học; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động phong trào thi đua “Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới”, chỉ đạo thực hiện mô hình cung cấp chuỗi thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc; Bộ Giao thông vận tải với phong trào chung tay xây dựng cầu dân sinh, xây dựng đường giao thông nông thôn ở các địa bàn khó khăn; Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới”; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn trong cả nước. Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng cơ chế chính sách đặc biệt ủng hộ huyện nghèo, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ giá vận chuyển lên vùng miền núi.

Mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tích cực lao động sản xuất, vận động gia đình và người thân hiến đất, góp công sức tham gia kiến tạo nông thôn. Nhân dân xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tích cực tham gia hiến đất mở đường để xây dựng “Đường đẹp, ngõ đẹp”; xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng với mô hình “Vùng chuyên canh nông sản đặc trưng”; mô hình “Xã hội hóa nguồn lực phát triển giao thông nông thôn” ở xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; mô hình “Vận động toàn dân hiến đất gắn với dồn điền đổi thửa tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới” ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; mô hình “Cùng nông dân ra đồng” của xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; mô hình “Vườn mẫu”, “ Khu dân cư Kiểu mẫu” của Hà Tĩnh...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng
Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước cho tỉnh Đồng Nai. Nguồn: baodongnai.com.vn

Sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng thường xuyên và kịp thời

Hàng năm, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp bố trí các đoàn kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng, chú trọng kiểm tra, nắm tình hình triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới nhằm đánh giá thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện khó khăn, vướng mắc của các địa phương, kịp thời đề xuất và bổ sung hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong xây dựng nông thôn mới...

Hội đồng Thi đua  - Khen thưởng Trung ương tổ chức Tổng kết 5 năm (2011 - 2015) và Tuyên dương các điển hình tiên tiến vào dịp Đại Hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương coi trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả, kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của địa phương và ngành.

Công tác khen thưởng, động viên Phong trào thi đua được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, đảm bảo dân chủ, khách quan, kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Đã quan tâm khen thưởng các tập thể, cá nhân trực tiếp lao động, nhân tố chính tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, nhất là đối tượng nông dân, đoàn viên, hội viên, xã viên các hợp tác xã; thông qua Phong trào thi đua, nhiều địa phương đã tổ chức biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, khen thưởng kịp thời các xã đạt chuẩn nông thôn mới và thưởng công trình giá trị, đã có tác động tích cực thúc đẩy Phong trào thi đua phát triển. Tiêu biểu như tỉnh Thái Bình thưởng công trình trị giá 02 tỷ đồng cho xã đạt chuẩn nông thôn mới và thưởng công trình trị giá 1,5 tỷ đồng cho xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới; tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bắc Giang, Nam Định thưởng công trình trị giá 01 tỷ đồng cho xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Đến nay, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động cho 47 Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 46 đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, 89 huyện, thị xã, 559 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan của Chính phủ, các huyện, quận, sở ngành tặng hàng ngàn Bằng khen, Giấy khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu và trên 500 hộ gia đình tiêu biểu... đây là những ghi nhận kịp thời và nguồn động viên to lớn đối với các tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020.

Trên cơ sở kết quả phong trào thi đua, trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2020 - 2025, cần tập trung làm tốt số nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kịp thời phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tích cực tham gia Phong trào thi đua tạo sự lan toả trong nhân dân, cộng đồng, xã hội.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức phong trào nhằm huy động đông đảo các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng; vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách để thực hiện phong trào thi đua đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ ba, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để duy trì phong trào; cần chủ động ban hành các cơ chế, chính sách mới, các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đồng bộ và phù hợp với điều kiện triển khai thực tế.

Thứ năm, đối với các địa phương đạt chuẩn cần tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới bền vững. Tiếp tục tổ chức tốt Phong trào thi đua tại các địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích.

Thứ sáu, tổ chức công tác kiểm tra thực hiện Phong trào thi đua, tập trung vào các địa phương còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa trung tâm để kịp thời chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)