Các đại biểu lắng nghe đề xuất của đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương
và địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn: moit.gov.vn
Xác định đầu tư, phát triển hạ tầng Điện và Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng hạ tầng nông thôn mới, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện tiêu chí số 4 về Điện và tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Trải qua chặng đường gần 09 năm (từ năm 2010 - 2019), mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm của Lãnh đạo Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và sự chung tay đồng thuận từ người dân, cộng đồng, Chương trình đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận:
Đối với tiêu chí số 4 về “Điện”, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện và đạt kết quả trên các mặt: Công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống điện; Kết quả về huy động nguồn lực thực hiện tiêu chí và Cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện.
Sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 về Phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 về Điện nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, hầu hết Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết một số nội dung thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020. Vì vậy, đến nay, các địa phương đã có sơ sở và phương pháp đánh giá thống nhất để thẩm định và xét công nhận xã đạt tiêu chí về điện.
Qua rà soát, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện tiêu chí số 4 của các địa phương, đến nay, cả nước có 8.072 xã đạt Tiêu chí số 4, đạt 90,7% (tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với năm 2015). Trong đó, các vùng có tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 4 cao là: Đồng bằng sông Hồng đạt 99,9% (tăng 35,72% so với năm 2010 và 3,36% so với năm 2015); Bắc Trung Bộ đạt 95,5% (tăng 51,43% so với năm 2010 và 6,56% so với năm 2015); Duyên hải Nam Trung Bộ đạt 96,4% (tăng 45,5% so với năm 2010 và 6,19% so với năm 2015); Đông Nam Bộ đạt 90,1% (tăng 35,94% so với năm 2010 và 4,65% so với năm 2015). Các tỉnh/thành phố có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí điện, gồm các tỉnh/thành phố: Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang.
Đối với tiêu chí số 7 về “Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn”, Bộ Công Thương cũng đã triển khai thực hiện tốt và kết quả được thể hiện trên các mặt: Công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Kết quả về huy động nguồn lực thực hiện tiêu chí và Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy hoạch, phù hợp với nhu cầu của người dân.
Nhìn chung, công tác phát triển và quản lý cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tại các địa phương đã nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp về cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống cho nhân dân vùng nông thôn. Bên cạnh đó, Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 08/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đánh giá xã đạt tiêu chí một cách cụ thể và rõ ràng hơn.
Qua rà soát, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện Tiêu chí số 7 của các địa phương, đến nay, cả nước 7.867 xã đạt Tiêu chí số 7, đạt 88,4% (tăng 75,7% so với năm 2010 và tăng 30,45% so với năm 2015; trong đó, các vùng có tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 4 cao là: Đồng bằng sông Hồng đạt 97,2% (tăng 80,86% so với năm 2010 và 18,62% so với năm 2015); Duyên hải Nam Trung Bộ đạt 87,6% (tăng 75,48% so với năm 2010 và 23,03% so với năm 2015); Đông Nam Bộ đạt 90,3% (tăng 69,62% so với năm 2010 và 21,44% so với năm 2015). Các tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, gồm các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.
7 định hướng, giải pháp
Với quan điểm, ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống lưới điện nông thôn, đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và an ninh quốc phòng cho khu vực nông thôn trên cả nước; phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh, theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân ở địa bàn nông thôn, trên cơ sở đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, Bộ Công Thương đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện như sau:
Thứ nhất, tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “ngành Công Thương chung sức xây dựng nông thôn mới”; đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới; quán triệt tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Công Thương rà soát mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016 - 2020 để hoàn thành Chương trình nông thôn mới. Chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện tiêu chí số 4 và số 7 giai đoạn sau năm 2020 theo hướng xác định rõ mục tiêu gắn với tình hình hình thực tế.
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển thương mại và quy hoạch phát triển điện năng đã được phê duyệt; tăng cường lồng ghép, huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí.
Thứ tư, nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp để khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức tham gia đầu tư xây dựng các dự án chợ nông thôn, đặc biệt là các dự án thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện đời sống sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, đồng thời hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thứ năm, tiếp tục hướng dẫn thực hiện đánh giá tiêu chí điện nông thôn theo Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 của Bộ Công Thương về phương pháp đánh giá thực hiện Tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 08/12/2016 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Nghiên cứu điều chỉnh bổ sung các quy định, hướng dẫn trên cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, chủ trương của nhà nước trong công tác quản lý cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, điện.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện các tiêu chí số 4 và số 7 để nắm bắt thông tin, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời hướng dẫn, hoặc nghiên cứu điều chỉnh bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương.
Thứ bảy, thực hiện tốt các chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa… nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, giúp doanh nghiệp, Hợp tác xã phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa thông suất, ổn định phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn góp phần hỗ trợ thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn.
Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)