Bộ Giao thông vận tải: Kết quả xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng, giải pháp trong giai đoạn 2021 - 2025

25/12/2020 11:03
  • Print
  • Lượt xem: 3345

Đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn (bao gồm từ đường huyện trở xuống) có tổng chiều dài 540.488 km, trong đó: Đường huyện 57.137 km; đường xã 139.273 km; đường trục thôn xóm 181.941km; đường ngõ xóm  50.547 km; đường nội đồng  111.551 km.

Những năm qua, giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp, mở rộng
đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. Nguồn: mt.gov.vn

Sau gần 09 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trên cả nước đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Trong đó, công tác phát triển giao thông nông thôn đạt kết quả khá toàn diện, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh so với thời kỳ trước, rất nhiều công trình giao thông nông thôn được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và được thực hiện bảo trì thường xuyên; giảm sâu số xã chưa có đường đến trung tâm xã, tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn; nhiều công trình đường thủy được nạo vét, duy tu luồng lạch, bến bãi tàu xe dành cho hành khách, tập kết hàng hóa được xây dựng, cải tạo; phương tiện vận tải tăng nhanh và đa dạng hình thức phục vụ; tổng vốn huy động cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tăng mạnh, phát huy tốt các hình thức xã hội hóa và sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng và bảo trì công trình giao thông nông thôn.

Đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn (bao gồm từ đường huyện trở xuống) có tổng chiều dài 540.488 km, trong đó: Đường huyện 57.137 km; đường xã 139.273 km; đường trục thôn xóm 181.941km; đường ngõ xóm  50.547 km; đường nội đồng  111.551 km.

Tổng các nguồn vốn dành cho giao thông nông thôn giai đoạn 2010 - 2019 là 366.246 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn Bộ Giao thông vận tải huy động để triển khai các chương trình, đề án, dự án về giao thông nông thôn là 12.707 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, đối ứng của Chính phủ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân bằng hình thức xã hội hóa; nguồn vốn do các địa phương huy động là 353.539 tỷ đồng.

Trong số 353.539 tỷ đồng do địa phương huy động, có: 324.006 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng từ các nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp các địa phương, vốn ngân sách địa phương, vốn ODA của các địa phương, vốn xã hội hóa qua sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, huy động từ nhân dân; 29.533 tỷ đồng vốn bảo trì, từ nguồn của các địa phương cân đối bố trí, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, vốn bảo trì hệ thống đường thủy nội địa.

Đặc biệt, trong quá trình huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn đã nổi lên nhiều cá nhân điển hình tiêu biểu, như: 02 cá nhân ở tỉnh Đồng Tháp đã trực tiếp ủng hộ 5,5 tỷ đồng, đồng thời vận động nhân dân đóng góp được 20 tỷ đồng để xây dựng cầu giao thông nông thôn; nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đã hiến đất, vận động các gia đình trong thôn để xây dựng đường giao thông nông thôn và rất nhiều tấm gương về sự ủng hộ cho phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn.

Cộng đồng các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã có những ủng hộ to lớn cho phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn bằng nhiều hình thức, đóng góp tiền, xây cầu dân sinh, ủng hộ xi măng, vật liệu xây dựng (đá, cát) và nhiều trợ giúp khác.

Các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội cầu đường và các tổ chức khác đã tình nguyện tham gia xây dựng, thiết kế, trợ giúp kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng giao thông nông thôn và các hoạt động thiết thực khác để ủng hộ cho phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn.

Giai đoạn 2010-2015, Tiêu chí số 2 về “Giao thông”:

Chỉ tiêu 1, quy định đến năm 2020, cả nước có 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Kết quả đến năm 2015, đã có 58,11% số km đường trục xã, liên xã (tương ứng với 84.068 km) được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Như vậy, kết quả thực hiện chỉ tiêu này vượt 8% so với mục tiêu.

Chỉ tiêu 2, quy định đến năm 2020, tỷ lệ km đường trục thôn, xóm bình quân chung cả nước được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải phải đạt 70%. Kết quả đến năm 2015, có 48,3% số km đường trục thôn, xóm (tương ứng với 85.035 km) được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Kết quả thực hiện chỉ tiêu này vượt trên 13% so với mục tiêu.

Chỉ tiêu 3, quy định đến 2020, cả nước có 100% đường ngõ xóm không lầy lội. Kết quả đến năm 2015 đã có 48,3% đường ngõ xóm đạt tiêu chí, còn lại đến 2020 phải thực hiện ít nhất 51,7%. Kết quả thực hiện chỉ tiêu này ở mức xấp xỉ với mục tiêu đề ra.

Chỉ tiêu 4, quy định đến năm 2020, cả nước có 65% đường trục đường chính nội đồng được cứng hóa. Kết quả đến năm 2015 đã có 26% đường trục chính nội đồng (tương ứng 27.815 km) được cứng hóa. Kết quả thực hiện chỉ tiêu này cũng gần đạt so với mục tiêu (còn thiếu 6,5%).

Đánh giá kết quả thực hiện Tiêu chí về giao thông theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Chỉ tiêu đến 2015 có 35% số xã đạt chuẩn về “các trục đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa”. Kết quả đến Quý I/2015, cả nước đã có 71,8% số xã có đường đến Ủy ban nhân dân xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, vượt trước 36,1%.

Chỉ tiêu đến năm 2020 có 70% số xã đạt chuẩn về các đường trục thôn, xóm cơ bản được cứng hóa. Đến Quý I/2015, cả nước đã có 52,6% số xã có đường trục thôn, xóm được cứng hóa.

Giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2019

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 có ít nhất 55% số xã đạt Tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn. Kết quả đến tháng 6/2019, cả nước đã có 169 huyện và 5.658/8.959 xã đạt tiêu chí về đường giao thông nông thôn, tương đương 63,2% số xã. Kết quả thực hiện mục tiêu này đã vượt kế hoạch trước 18 tháng.

Kết quả thực hiện 4 chỉ tiêu trong Tiêu chí số 2 về Giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 (Quyết định trên không quy định tỷ lệ chung phải đạt đến năm 2020 mà do các địa phương căn cứ điều kiện thực tế để quy định cụ thể):

Chỉ tiêu 1, đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được cứng hóa đạt 73%, tương ứng với 101.147 km/139.273 km. Kết quả trên cho thấy việc cứng hóa đường xã đã tăng so với năm 2010 là 38%, tương ứng với 27.376/71.440 km. Trong đó, vùng: Đồng bằng sông Hồng đạt 94%; Đông Nam Bộ đạt 82%;  Tây Nguyên đạt 81%; Đồng bằng sông Cửu Long đạt 77%; Duyên hải Miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đạt trên 67%; vùng đạt tỷ lệ thấp là Miền núi phía Bắc, mới đạt 50% (chủ yếu tập trung tại các tỉnh còn khó khăn, như Sơn La, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu,...).

Chỉ tiêu 2, kết quả cứng hóa đường trục thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 65%, tương ứng với 117.425/181.941 km (tăng so với năm 2010 là 38%, tương ứng với 44.087/116.909 km). Trong đó, vùng: Đồng bằng sông Hồng đạt gần 93%; Đông Nam Bộ đạt 66%; Duyên hải Miền Trung đạt trên 63%; Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long 62%; Miền núi phía Bắc đạt tỷ lệ thấp 49%. 

Chỉ tiêu 3, tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 69%, tương ứng với 34.871/50.547 km (tăng so với năm 2010 là 13%, tương ứng với 666/4.936 km). Trong đó, vùng: Đông Nam Bộ đạt 95%; Đồng bằng sông Hồng đạt gần 90%; Tây Nguyên đạt 76%; Duyên hải Miền Trung đạt trên 72%; Đồng bằng sông Cửu Long đạt 68%; Miền núi phía Bắc đạt tỷ lệ thấp 53%.

Chỉ tiêu 4, tỷ lệ đường trục chính nội đồng đươc cứng hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm đạt 64%, tương ứng với 70.921/111.551 km (tăng so với năm 2010 là 22%, tương ứng với 9.618/43.453 km). Trong đó, vùng: Đồng bằng sông Hồng đạt gần 83%; Đông Nam Bộ đạt 71%; Đồng bằng sông Cửu Long đạt 59%; Duyên hải miền Trung đạt 51%; Tây Nguyên đạt 44%; Miền núi phía Bắc đạt tỷ lệ thấp 37%.

7 định hướng phát triển giao thông nông thôn cả nước trong giai đoạn 2021 - 2025

Kế thừa các kết quả đạt được trong gần 09 năm qua, ngành Giao thông vận tải tiếp tục định hướng phát triển hệ thống giao thông nông thôn toàn quốc trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung xác định một số định hướng chủ yếu như sau:

Thứ nhất, giao thông nông thôn là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, cần được ưu tiên đầu tư nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, phát triển giao thông nông thôn phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giao thông vận tải, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển giao thông nông thôn một cách bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến mạng lưới đường giao thông nông thôn, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các tụ điểm công nghiệp chế biến, giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ, kết hợp giữa kinh tế với an ninh, quốc phòng, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân.

Thứ ba, đặc biệt chú trọng việc phát huy lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên của từng vùng để phát triển giao thông nông thôn, kết hợp giữa giao thông đường bộ và giao thông đường thủy, giữa giao thông với thủy lợi, nông lâm nghiệp và các ngành kinh tế trên địa bàn.

Thứ tư, có cơ chế, chính sách quản lý, bảo trì hệ thống giao thông nông thôn một cách hợp lý, hiệu quả với sự tham gia của các cấp chính quyền và người dân. Huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn, từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, tiềm năng to lớn của nhân dân, của các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Thứ năm, tích cực đưa khoa học kỹ thuật, vật liệu mới, sử dụng vật liệu tại chỗ, công nghệ thi công đơn giản, dễ thực hiện để đông đảo nhân dân tự quản lý, tự làm có sự hướng dẫn về kỹ thuật.

Thứ sau, tổ chức đưa các loại hình vận tải hành khách, hàng hóa và phương tiện vận tải phù hợp với điều kiện địa phương vào hoạt động khai thác, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, vận chuyển hành khách ở khu vực nông thôn.

Thứ bảy, dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn và đảm bảo hành lang an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.

6 giải pháp phát triển giao thông nông thôn cả nước trong giai đoạn 2021 - 2025

Một là, Ủy ban nhân dân các địa phương phải cân đối ngân sách, bổ sung thêm kinh phí bảo trì đảm bảo chi phí duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

Hai là, đa dạng hóa mọi nguồn lực, sử dụng hợp lý ngân sách thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất hoặc cho thuê đất... Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn để phát triển giao thông nông thôn.

Ba là, đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm phát triển giao thông nông thôn, tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, về các tiến bộ khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì và vận hành khai thác hệ thống giao thông nông thôn.

Bốn là, tận dụng tối đa các nguồn nguyên vật liệu tại chỗ, công nghệ thi công đơn giản, dễ thực hiện để người dân tự quản lý, tự thi công có sự hướng dẫn về kỹ thuật.

Năm là, phát động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ chung sức xây dựng giao thông nông thôn bằng nhiều hình thức: Xây dựng các công trình giao thông nông thôn (cầu kiên cố, đường) tặng cho địa phương; tự nguyện đóng góp ủng hộ vật liệu xây dựng để xây dựng giao thông nông thôn; hiến tặng đất phục vụ mở rộng đường giao thông nông thôn.

Sáu là, rà soát lại các tiêu chí về giao thông nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với từng vùng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay./.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)