Kết quả xây dựng nông thôn mới của Hội Cựu chiến binh Việt Nam các cấp và định hướng triển khai trong thời gian tới

25/12/2020 17:03
  • Print
  • Lượt xem: 2724

Từ năm 2010 - 2019, căn cứ vào Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã triển khai chỉ đạo Hội Cựu chiến binh các cấp trong cả nước hưởng ứng, tham gia phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Hội viên cựu chiến binh xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang
nghiệm thu tuyến đường vừa hoàn thành. Nguồn: baobacgiang.com.vn

Theo đó, kết quả xây dựng nông thôn mới của Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thể hiện trên các mặt: Công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động; Tham gia phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; Tham gia phát triển sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho hội viên và người dân; Tham gia bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn; Tham gia nâng cao chất lượng đời sống văn hóa và giữ gìn an ninh trật tự…

Về nguồn lực huy động, tiền đóng góp gần 1.500 tỷ đồng, hiến đất 9 triệu 678m2, đóng góp hơn 06 triệu ngày công lao động. Xây dựng, sửa chữa 18.436 cây cầu, cống. Tham gia làm 14.475km đường giao thông nông thôn. Tham gia làm 21.992km kênh mương thủy lợi nội đồng. Tham gia xây hơn 9.504 nhà văn hóa, trường học, trạm xá…

Ngoài ra, Cựu chiến binh trong cả nước còn đóng góp hàng triệu tấn vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi, sắt, thép, xi măng, tre, gỗ, tấm lợp…); hàng chục triệu cây con giống các loại, vật tư nông nghiệp, nhiên liệu… 

Nhìn chung, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” Cựu chiến binh đã thực hiện nghiêm túc từ Trung ương Hội đến Hội Cựu chiến binh ở các địa phương, đạt được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Phát huy vai trò gương mẫu của Hội viên Cựu chiến binh các cấp là động lực thúc đẩy, có tác động trực tiếp đến nhận thức, lòng tin trong Nhân dân. Tham gia huy động nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, bức xúc trên địa bàn, tạo sự đồng thuận, được Đảng, Chính quyền và Nhân dân tin tưởng. Nhờ đó góp phần tạo sức mạnh tổng hợp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Hội Cựu chiến binh đã xây dựng, duy trì được nhiều mô hình, phong trào của Cựu chiến binh giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu; mô hình câu lạc bộ bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông… góp phần tác động trực tiếp đến sản xuất, tăng thu nhập của nông dân, đời sống vật chất, tinh thần Cựu chiến binh và người dân nông thôn được cải thiện.

Cựu chiến binh huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh tích cực đẩy mạnh phong trào trồng cây nhân dân. Nguồn: danvan.vn

Thông qua kết quả đạt được trong giai đoạn 2010 - 2019, Hội Cựu chiến binh Việt Nam rút ra 4 kinh nghiệm như:

Thứ nhất, Cựu chiến binh xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sát thực tế, phù hợp với từng địa phương và chức năng, nhiệm vụ của Hội. Đồng thời, chỉ đạo, thực hiện tốt các chương trình phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để phát huy tính đoàn kết, thống nhất, đúng quy hoạch, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận nhất trí cao của các tầng lớp Nhân dân.

Thứ hai, phát huy vai trò gương mẫu của Cựu chiến binh đi đầu, làm trước; tham mưu cho cán bộ chủ chốt cơ sở thôn, xã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch, không vụ lợi, nói đi đôi với làm… từ đó, vận động Nhân dân hiểu rõ lợi ích của xây dựng nông thôn mới, đồng thuận, tự giác tham gia và được thụ hưởng từ chính kết quả của Chương trình mang lại.

Thứ ba, trên cơ sở kế hoạch đã được xác định, phân rõ trách nhiệm của từng cấp Hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm kịp thời, lấy chất lượng hoàn thành chỉ tiêu, bằng kết quả cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho Cựu chiến binh và Nhân dân là mục tiêu xuyên suốt.

Thứ tư, không nóng vội, chạy theo thành tích, làm đến đâu chắc đến đó, tránh tình trạng chạy đua thời gian dẫn đến chất lượng các hạng mục công trình thi công kém hiệu quả, gây dư luận bức xúc trong Nhân dân. Bảo đảm hài hòa lợi ích lâu dài của người dân và quy hoạch xây dựng phải được gắn kết chặt chẽ giữa phát triển cơ sở hạ tầng với quốc phòng, an ninh.

Về định hướng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền vận động kiểm tra, giám sát nâng cao năng lực của Hội Cựu chiến binh, tạo sức lan tỏa tự giác tới người dân, nhất là khu vực miền núi.

Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, chính quyền địa phương… tổ chức triển khai thực hiện Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo các cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của Hội viên Cựu chiến binh và người dân về xây dựng nông thôn mới bằng chính sự nỗ lực của từng người, từng gia đình, trong từng thôn, bản và từng địa bàn dân cư là: xây dựng nông thôn mới bền vững, chỉ có khởi đầu, không có kết thúc.

Nắm chắc mục tiêu, các tiêu chí, cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn của Chính phủ các Bộ, ngành, địa phương về xây dựng nông thôn mới và phương pháp, quy trình, tiêu chí đánh giá địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để tuyên truyền vận động, chú trọng tuyên truyền ở các xã, huyện khó khăn, vùng sâu, vùng xa để người dân tiếp cận nhanh nhất.

Tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm, tham quan, học tập mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát huy mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác… phù hợp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phản biện có cơ sở khoa học và thực tiễn, góp phần thực hiện có chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, tích cực tham gia phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn.

Tham gia triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, ưu tiên các công trình giao thông liên thôn, xã; xây dựng trường học, trạm y tế đạt chuẩn; kiên cố hóa kênh mương phục vụ tưới, tiêu sản xuất nông nghiệp; xây dựng lưới điện phục vụ sản xuất và dân sinh; công trình nước sinh hoạt; nhà văn hóa xã, thôn, bản; xử lý chất thải, tạo mặt bằng các cụm công nghiệp, làng nghề…

Tham mưu triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ưu tiên phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thị trường ổn định, chú trọng tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nâng cao thu nhập của Cựu chiến binh, người dân đạt mức tối thiểu trở lên theo quy định của vùng.

Tiếp tục duy trì phong trào xây dựng “Nhà đồng đội”, tham gia xây dựng “Nhà đại đoàn kết”. Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của từng vùng, từng dân tộc, thực hiện cuộc vận động. Xây dựng và nhân rộng các mô hình “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; “Câu lạc bộ bảo vệ môi trường”; “Cựu chiến binh tự quản an toàn giao thông”… ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, dịch vụ… Tham gia có hiệu quả bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình tự quản về an ninh, trật tự ở khu dân cư, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng.

Thứ ba, đẩy mạnh huy động, thu hút các nguồn lực và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho Chương trình.

Tham gia vận động, đa dạng hóa các nguồn, huy động tối đa nguồn lực trong xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và các nguồn tài chính hợp pháp khác… để đầu tư cho các mô hình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dự án kinh tế tăng thu nhập, tạo việc làm cho Cựu chiến binh và cộng đồng. Tích cực vận động hội viên, các doanh nghiệp do Cựu chiến binh làm chủ, Hiệp Hội doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, hỗ trợ ngân sách để giảm nghèo, xóa nhà tạm… góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tham gia thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án gồm: chương trình giảm nghèo, chương trình quốc gia về việc làm, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình phòng chống tội phạm, chương trình về văn hóa, giáo dục, đào tạo, phát triển giao thông nông thôn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… Theo dõi, giám sát, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo quy định của Nhà nước và nguyên tắc hỗ trợ, cơ chế đầu tư. Sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân và Cựu chiến binh theo đúng quy định, công khai, minh bạch.

Thứ tư, tổ chức sơ, tổng kết hàng năm và 05 năm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tạo phong trào thi đua rộng khắp ở cơ sở.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Tổ chức tôn vinh cá nhân Cựu chiến binh, doanh nhân Cựu chiến binh tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới theo chương trình của Chính phủ. Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá mô hình tiêu biểu, cách làm hay… Sơ kết, tổng kết kịp thời, phục vụ công tác thi đua khen thưởng của địa phương hàng năm và thi đua khen thưởng Hội Cựu chiến binh giai đoạn 2019 - 2024.

Tổ chức triển khai thực hiện theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo các cấp, định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả tham gia xây dựng nông thôn mới để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân các cấp, các cấp Hội Cựu chiến binh. Tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 05 năm 2021 - 2025.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)