Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

28/12/2020 13:48
  • Print
  • Lượt xem: 5620

Huyện Nghi Xuân là một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh với diện tích hơn 222km22 và dân số hơn 100 ngàn người. Toàn huyện có 17 xã và 2 thị trấn. Trước năm 2010, huyện Nghi Xuân luôn là một huyện nghèo của tỉnh. Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghi Xuân đã xác định rõ đây là con đường, là mục tiêu, là giải pháp duy nhất lúc này để phát triển huyện nhà vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc cho người dân.

Một góc huyện Nghi Xuân. Nguồn: baochinhphu.vn

Huyện Nghi Xuân từ xưa đã được mệnh danh là vùng “địa linh nhân kiệt” với rất nhiều di tích danh thắng, nhiều danh nhân hào kiệt mọi thời đại, miền đất này hiện còn lưu giữ được rất nhiều những dấu tích, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Đó là, các khu di chỉ khảo cổ với những di tích có niên đại từ 4.000 đến 5.000 năm trước như di chỉ Phối Phối bãi Cọi… Đó là, hệ thống hàng trăm đền chùa miếu mạo, trong đó có những di tích có tuổi đời từ 300 đến 400 năm như: Đền Củi, Đình Hội Thống, Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả của Truyện Kiều, kiệt tác được UNESCO tôn vinh như một tài sản vô giá của nhân loại, pho sách chứa đựng tinh hoa của ngôn ngữ Việt. Huyện Nghi Xuân còn tự hào là một trong những nôi ca trù của cả nước, hình thức nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Với vị trí địa lý nằm giữa 2 trục đường quốc lộ 1 và đường ven biển, phía Bắc giáp thành phố Vinh, phía nam giáp thị xã Hồng Lĩnh, rất thuận lợi cho việc thông thương và phát triển các tiền năng văn hóa gắn với du lịch biển. Xác định rõ những tiềm năng, lợi thế của mình, Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghi Xuân đã đặt mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Thực tế cho thấy, đây là một hướng đi đúng. Bởi, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo phát triển văn hóa chính là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh thì không có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương,... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới mới gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với xuất phát điểm cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chỉ từ 3 - 5/19 tiêu chí như huyện Nghi Xuân là vô cùng khó khăn. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Nghi Xuân đã tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, huy động sự vào cuộc, phát huy sức mạnh từ Nhân dân, biến người dân thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Phong trào nông thôn mới chỉ có thể thành công khi người dân thực sự là chủ thể. Trong mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới thì nguồn lực lớn nhất, quan trọng nhất chính là Nhân dân. Nguồn lực này chỉ có thể phát huy và phát huy một cách tối đa khi phát huy hết vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, bất cứ là việc gì, khi người dân chưa vào cuộc thì cũng rất khó, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới thì người dân không chỉ vào cuộc mà còn phải đóng vai trò chủ thể.

Như vậy, họ phải là người xây dựng kế hoạch lộ trình, phải là người đưa ra các giải pháp và phải là lực lượng tham gia trong tất cả các nhiệm vụ đề ra. Để làm được điều đó cốt lõi phải bắt đầu tư cán bộ, cán bộ phải chủ động xuống với dân, lắng nghe dân, cùng bàn bạc với dân, cầm tay chỉ việc, hỗ trợ cùng thôn xóm triển khai các nội dung cụ thể; Khi lòng dân đã thuận thì sức mạnh là vô cùng. Thực tế cho thấy, trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa chỉ cần người dân vào cuộc thì những khó khăn được giải quyết một cách cơ bản; huyện Nghi Xuân đã có hệ thống đường giao thông nông thôn với nhưng tuyến đường liên thôn, liên xã xanh - sạch - đẹp, các khu dân cư mẫu, vườn mẫu, các thiết chế văn hóa, môi trường văn hóa, sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Không có sự đồng lòng nhất trí của người dân, không có sự vào cuộc của người dân, không có sự đóng góp sức người sức của Nhân dân... thì không ngân sách nào, không nguồn lực nào có thể thay thế nổi và duy trì được.

Thực tế trong thời gian qua, Nghi Xuân đã làm rất tốt việc này và phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào của toàn dân. Hàng vạn ngày công, hàng trăm ha đất, hàng trăm tỷ đồng được huy động, hàng ngàn km đường giao thông nông thôn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, hệ thống điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc của tất cả các xã được sửa chữa nâng cấp, xây mới khang trang, hiện đại và đạt chuẩn. Đặc biệt, cùng với hệ thống phòng họp trực tuyến về tận từng xã, thị trấn, tất cả các thôn đều có nhà văn hóa khang trang với các thiết chế văn hóa đạt chuẩn. Mỗi nhà văn hóa đều có máy tính kết nối internet, có tủ sách dùng chung đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin, góp phần hình thành văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập.

Thứ hai, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực sự đi vào cuộc sống, lan tỏa vào từng lĩnh vực trong mỗi thôn xóm, cộng đồng dân cư, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khởi nghiệp làm giàu, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Thông qua các nội dung hoạt động của phong trào, người dân và các tổ chức đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm hỏi, động viên, thể hiện lòng biết ơn đối với người có công với đất nước. Phong trào đã góp phần gắn kết người dân nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Việc giữ vệ sinh môi trường bền vững, phân loại rác thải đã trở thành thói quen của hầu hết người dân Nghi Xuân. Nhiều nội dung phong trào đã được triển khai sâu rộng, được các cấp, các ngành vận dụng sáng tạo, người dân tự giác thực hiện nghiêm túc, đã làm sâu sắc thêm những giá trị và bản sắc văn hóa tốt đẹp của quê hương, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, đời sống văn hóa phong phú.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển sôi nổi, công tác quản lý tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều lễ hội dân gian được khôi phục, bảo tồn... Thông qua các dòng họ, các hương ước, các giá trị di sản văn hóa tinh thần như tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - quê hương đất nước; lòng nhân ái, trọng tình nghĩa, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... được bảo tồn và thấm sâu vào toàn bộ đời sống của Nhân dân, vào mỗi con người.

Thứ ba, quan tâm bảo tồn các di sản văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa làng. Nhắc đến Nghi Xuân là nhắc đến quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du... Vùng đất này từ ngàn đời nay đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng văn hóa vật thể, phi vật thể. Huyện Nghi Xuân có hệ thống các di sản văn hóa vật thể như hệ thống đền, đình, chùa, miếu mạo dày đặc hội tụ các giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh, có sức hút lớn với khách thập phương. Trong những năm qua, rất nhiều di tích văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia được bảo tồn, khôi phục, phát huy rất tốt từ nhiều nguồn ngân sách và đã trở thành điểm tham quan, học tập, nghiên cứu, tổ chức các hoạt động tâm linh của du khách. Huyện Nghi Xuân còn có rất nhiều các di sản văn hóa phi vật thể rất giá trị như: ca trù, dân ca ví giặm, trò Kiều, sắc bùa, chầu văn; các lễ hội... Các bậc thiên tài, vĩ nhân như cụ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ hay các anh hùng hào kiệt khác đều có ảnh hưởng rất lớn đến văn nghệ dân gian. Mỗi làng quê ở Nghi Xuân đều là "cái nôi" văn hóa dân gian.

Các thể loại văn hóa dân gian ở đây rất phong phú và đa dạng. Lễ hội chính là nơi giao lưu tình cảm của cộng đồng, khơi dậy nét văn hóa dân gian và niềm tự hào dân tộc. Tại huyện Nghi Xuân, cùng với các làng nghề truyền thống, những vùng đất như Tiên Điền, Hội Thống, Cổ Đạm, Xuân Thành… và các xã vùng biển từ ngàn xưa đã sinh ra nhiều lễ hội phong phú, độc đáo, thu hút hàng ngàn người tham gia như: lễ rước lão, lễ khai hạ, lễ cúng cơm mới, lễ cầu khoa, lễ cầu ngư. Trong các lễ hội, người dân sáng tác, biểu diễn và truyền lại cho con cháu các câu hò điệu ví, các bài vè giặm, lẩy Kiều, chèo Kiều, ca trù… các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền, vật… cũng được diễn ra thường xuyên. Tất cả đều được bảo tồn, khôi phục và thổi vào một sức sống mới, làm cho phong phú, đa dạng, phù hợp hơn với đời sống hiện đại. Các hoạt động văn hóa mang tính bản sắc, văn hóa đậm chất làng xã đã giúp người dân được chăm sóc đầy đủ hơn về tinh thần, tạo nên một màu sắc văn hóa tích cực cho mỗi làng quê, xoa dịu những nhọc nhằn và cả những mâu thuẫn phát sinh, làm thắm thêm tình làng nghĩa xóm và sự gắn kết cộng đồng. Với những cách làm sáng tạo và mang tính đột phá như đưa thêm tiêu chí “Câu lạc bộ văn nghệ dân gian” vào xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Ở đó, người dân được hát cho nhau nghe, những câu hò điệu ví tưởng có những lúc đã vắng bóng bỗng trở thành giai điệu cuộc sống quê hương, góp thêm một giá trị rất ý nghĩa trong bộ tiêu chí nông thôn mới của huyện.

Thứ tư, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đây cũng chính là mục tiêu trọng tâm của xây dựng nông thôn mới. Người dân cũng chỉ thật sự vào cuộc khi họ nhìn thấy được, cảm nhận được, hấp thụ được những giá trị của nông thôn mới, khi nhưng giá trị của nông thôn mới làm thay đổi cuộc sống của gia đình họ, bản thân họ. Thu nhập đầu người, giá trị sản xuất, số lao động có việc làm phải tăng, các chế độ chính sách và phúc lợi xã hội phải được bảo đảm...

Để làm được điều này, thời gian qua, huyện Nghi Xuân rất chú trọng phát triển tổng thể kinh tế -  xã hội của huyện; tập trung chăm lo phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch một cách mạnh mẽ với bước đi, cách làm năng động, sáng tạo; tập trung cho phát triển các mô hình kinh tế, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từng bước thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp truyền thống, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như trồng rau thủy canh, dưa lưới, nuôi tôm trên cát, các mô hình trang trại trồng trọt và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà theo công nghệ… đã mang lại việc làm và nguồn thu nhập cao cho người dân.

Bên cạnh đó, cùng với việc làm tốt công tác quy hoạch tổng thể, cải cách hành chính, xây dựng một bộ máy chính quyền phục vụ, Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghi Xuân quyết tâm đưa huyện trở thành vùng đất hấp dẫn và thu hút đầu tư. Cùng với hệ thống hàng trăm đền chùa miếu mạo, các khu di chỉ khảo cổ với những di tích có niên đại từ 4.000 đến 5.000 năm, khu di tích đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, khu du lịch biển Xuân Thành với hệ thống sân golf 18 lỗ, trường đua chó, tiềm năng phát triển du lịch dịch vụ vui chơi giải trí ven bờ sông Lam, ven chân núi Hồng Lĩnh,... thông qua các hoạt động quảng bá và xúc tiến đầu tư đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nhìn thấy được những tiềm năng kinh tế trên mảnh đất đầy ắp các giá trị văn hóa này. Nhờ đó, tổng thu hút đầu tư trên địa bàn huyện trong 3 năm gần đây đạt 9.000 tỷ đồng. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 5.030 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16,7%, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.900 tỷ, thu ngân sách đạt trên 300 tỷ . tỷ lệ hộ nghèo (tính theo chuẩn nghèo nông thôn mới) giảm còn 2,6%. An sinh xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được chú trọng, chất lượng sống ngày càng tăng.

Với quyết tâm cao nhất và những nỗ lực không mệt mỏi của toàn thể Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghi Xuân, cuối năm 2018, huyện Nghi Xuân vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đây là thành quả to lớn, là nguồn động viên mạnh mẽ đối với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện nhà. Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghi Xuân ý thức sâu sắc rằng, xây dựng nông thôn mới là một hành trình chứ không phải là đích đến, một phong trào có điểm bắt đầu nhưng sẽ không có điểm kết thúc. Trong những năm tới, phát huy những giá trị đã đạt được, với khí thế quyết tâm cao nhất, với khát vọng làm giàu ngay trên quê hương của mình, Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghi Xuân quyết tâm xây dựng huyện trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa và là trung tâm kinh tế văn hóa phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, trở thành thành phố di sản trong tương lai. Trong thời gian tới huyện Nghi Xuân rất muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh cũng như được học tập thêm những kinh nghiệm, bài học quý từ cách làm nông thôn mới của các tỉnh bạn, huyện bạn để đưa huyện nhà ngày càng phát triển và đạt được các mục tiêu đề ra.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)