Thanh Hóa: Kết quả và kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng thôn, bản nông thôn mới

28/12/2020 13:48
  • Print
  • Lượt xem: 4837

Tỉnh Thanh Hoá là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có 3 vùng sinh thái, đứng thứ 5 về diện tích, đứng thứ 3 về dân số so với các đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (diện tích 11.129,48km2, dân số 3,6 triệu người), gồm 7 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Mường, Thổ, Dao, H’Mông, Khơ Mú; có 27 huyện, thị xã, thành phố, 635 xã, phường, thị trấn, trong đó có 573 xã xây dựng NTM, với 3.888 thôn, bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: baotintuc.vn

Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 (được thay thế bằng Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016) của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 10 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, với quyết tâm chính trị cao, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra.

Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình, ngay từ đầu, tỉnh Thanh Hóa đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của Trung ương, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, với cách làm chủ động, sáng tạo là:

Thứ nhất, tỉnh Thanh Hóa định hướng chỉ đạo xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp. Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; xác định đây là Chương trình số 1 thuộc 5 Chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. 

Thứ hai, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU, trong đó chỉ đạo, thống nhất thành lập Băn Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở do Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban, tạo được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đã chủ động và sáng tạo trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn làm cơ sở cho các ngành, các cấp từ tỉnh đến xã tổ chức triển khai thực hiện. Trong khi chưa có hướng dẫn của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động nghiên cứu và ban hành Quyết định hướng dẫn lập quy hoạch xã nông thôn mới (quy hoạch 3 trong 1); hướng dẫn quy trình đánh giá xã đạt các tiêu chí nông thôn mới, làm cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí phục vụ cho việc lập quy hoạch, đề án và kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương; quy định về trình tự, thủ tục xét, công nhận và tổ chức công bố “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”; quy trình lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới; cơ chế để lại 100% nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất cho các xã xây dựng nông thôn mới...

Thứ ba, Chỉ đạo việc thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó, tập trung chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các thôn thuộc các xã khó khăn, các xã miền núi, tạo tiền đề cho việc xây dựng nông thôn mới cấp xã.

Giai đoạn đầu (2010 - 2013), kết quả triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh đều tập trung ở khu vực đồng bằng, còn đối với khu vực miền núi việc xây dựng hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới của các xã là rất khó khăn, vì vậy, các địa phương này bị “trắng xã nông thôn mới”, thậm chí còn “dậm chân tại chỗ”.  

Thông qua triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nhận thấy có tới 14/19 tiêu chí liên quan trực tiếp đến thôn, bản; và qua khảo sát thực tế, các công trình đầu tư trên địa bàn thôn, bản có nhu cầu kinh phí ít hơn so với công trình cấp xã, phù hợp với khả năng huy động sức dân và linh hoạt hơn trong bố trí nguồn lực của địa phương. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng nông thôn mới cấp xã như toàn quốc đang triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó, ưu tiên tập trung chỉ đạo các thôn, bản thuộc các huyện miền núi, với phương châm “có nhiều thôn, bản nông thôn mới thì sẽ có xã nông thôn mới”. Do đó, đầu năm 2014, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Bộ tiêu chí và quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới (Đến năm 2017, được điều chỉnh, bổ sung), gồm 14 tiêu chí, chia thành 2 vùng áp dụng, về thẩm quyền quyết định công nhận được giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Để nâng cao năng lực và thống nhất cách thức triển khai thực hiện, tỉnh giao cho Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện mở các lớp tập huấn kiến thức xây dựng nông thôn mới cho các đối tượng là Trưởng thôn, bản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Bí thư Đảng ủy xã và cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ, khuyến khích và động viên kịp thời các thôn, bản khu vực miền núi xây dựng nông thôn mới, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; khen thưởng hàng năm và khen thưởng giai đoạn cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” (thưởng 50 triệu đồng/thôn, bản đối với thôn, bản được khen thưởng giai đoạn). Chỉ đạo các sở, ngành theo dõi, hướng dẫn, đỡ đầu thôn, bản xây dựng nông thôn mới. Nhiều huyện mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các thôn, bản, như: hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất và thưởng từ 20 - 100 triệu đồng/thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

Với cách tiếp cận sáng tạo và phù hợp, xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn, bản đã tạo sự lan tỏa sâu rộng, góp phần tích cực thay đổi bộ mặt nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 05 huyện, 332 xã, 799 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16,56 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người của cư dân nông thôn đạt khoảng 32,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,25%. Riêng khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, đã có 66 xã và 592 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 10,9 tiêu chí/thôn;

Điều đáng chú ý việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản đã giúp cho người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể và chủ động hơn trong công việc của mình, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước, từ đó đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa 2 khu vực miền núi và đồng bằng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. 

Song song với việc tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở xã và thôn, bản, 3 năm gần đây tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn và triển khai thực hiện thí điểm, nhân rộng 6 mô hình thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu ở các xã miền núi và ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện. Đến nay, đã có 02 thôn, bản được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu, 04 thôn còn lại cũng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định và ở những nơi đây diện mạo nông thôn thay đổi khá rõ nét kể cả sức sản xuất, cũng như kinh tế vườn hộ có bước phát triển tốt, nhờ đó, thu nhập và đời sống của Nhân dân đã khấm khá hơn. Theo hướng đó, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo, phấn đấu đến năm 2020, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Từ thực tiễn chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, tỉnh Thanh Hóa rút ra một số bài học kinh nghiệm, như sau:

Một là, phải làm tốt, thường xuyên và liên lục công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; khơi dậy được sự đồng thuận và tinh thần thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới.

Hai là, cấp ủy, chính quyền địa phương phải quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát thực tế, chuyên cần, cầu thị, làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và phải tạo được môi trường để người dân phát huy được vai trò chủ thể của mình.

Ba là, phải xuất phát từ nhu cầu, tình hình thực tế và thế mạnh của từng địa phương để có kế hoạch xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản khả thi. Lựa chọn những nội dung mà người dân cần và phục vụ trực tiếp, sát thực đến sản xuất, đời sống của người dân để ưu tiên chỉ đạo thực hiện. Chú trọng thực hiện các tiêu chí nâng cao thu nhập, giảm nghèo, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn xã hội để tạo điểm nhấn, bước đột phá. Triển khai, xây dựng mô hình thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư trong xây dựng thôn, bản nông thôn mới; đặc biệt là, tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thôn, bản.

Năm là, có chính sách hỗ trợ kích cầu hợp lý để động viên, khuyến khích địa phương và người dân chung sức xây dựng nông thôn mới; đồng thời, cần đa dạng hóa các nguồn lực: lồng ghép các chương trình, dự án khác, huy động đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt.

Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có trên 60% số thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; có khoảng 30 - 40% số thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi huyện có ít nhất 01 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

5 giải pháp được tỉnh Thanh Hóa đề ra để thực hiện trong giai đoạn tới

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, quán triệt nhận thức đối với đội ngũ cán bộ các cấp và người dân, cộng đồng về xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, nhất là khu vực miền núi; triển khai, xây dựng thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu trên phạm vi toàn tỉnh.

Thứ hai, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, công khai, minh bạch trong huy động đóng góp và sử dụng nguồn lực trong xây dựng thôn, bản nông thôn mới; nhà nước chỉ hướng dẫn, hỗ trợ, đưa ra quy định về tiêu chí phù hợp để xét, công nhận.

Thứ ba, tập trung phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách các cấp, lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ các thôn, bản xây dựng nông thôn mới; quan tâm, chú trọng thực hiện các nội dung liên quan đến cuộc sống của người dân, như: Việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; xây dựng mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm tốt đẹp; công tác đảm bảo an toàn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn,...

Thứ năm, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản; giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất nhằm giúp thôn khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu kế hoạch xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)