Tạo đột phá trong tăng trưởng ngành nông nghiệp

31/10/2018 09:28
  • Print
  • Lượt xem: 1211

Trong bối cảnh nguồn lực dành cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, tỉnh Ninh Bình đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo cú hích cho quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn. Chìa khóa cho cơ cấu lại nông nghiệp Ninh Bình là đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị đầu ra cho nông sản. Để hiểu rõ hơn về cơ chế chính sách ưu tiên phát triển NNCNC của tỉnh Ninh Bình, Báo Đại biểu Nhân dân đã có buổi trao đổi với ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Ninh Bình.

- Xin ông cho biết những thế mạnh của Ninh Bình trong phát triển ngành nông nghiệp?

- Ninh Bình nằm ở cực Nam của đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên khoảng 1,4 triệu km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 70%, được phù sa bồi lắng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Bình quân đất sản xuất trên đầu người gấp 1,5 lần so với vùng đồng bằng sông Hồng và còn khả năng mở rộng, do quai đê lấn biển. Ninh Bình nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam, gần Thủ đô (cách 90km) và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Ninh Bình có rừng, núi, có đồng bằng, có biển. Hệ thống sông dài trải đều cả 3 vùng với nhiều con sông lớn như sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Bến Đang, sông Vạc, sông Càn; bên cạnh đó còn phải kể đến hệ thống các hồ có trữ lượng nước lớn như các hồ Yên Quang, Đồng Thái, Đá Lải, Đồng Chương, Yên Thắng…

Trên cơ sở lợi thế so sánh thế mạnh về nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình Khóa XXI đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24.10.2016 về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là Nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình để thực hiện các chính sách của Nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn và đạt mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới” mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đề ra.

- Xin ông cho biết một số thành tựu nông nghiệp nổi bật của Ninh Bình trong thời gian qua?

- Những năm qua, nhờ ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, biện pháp thâm canh... nền nông nghiệp của Ninh Bình đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo tiền đề cho việc phát triển nông nghiệp hàng hóa. Nhờ  đó, các chỉ tiêu phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản của Ninh Bình trong năm  2017  đã hoàn thành kế hoạch đề ra, giá trị sản xuất  toàn ngành đạt trên 8,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2 % so với năm 2016. Trong đó: Lĩnh vực trồng trọt đạt gần 4 nghìn tỷ đồng; chăn nuôi vẫn duy trì tăng trưởng ở mức trên 2 nghìn tỷ đồng, tương đương năm 2016; lâm nghiệp, thủy sản tăng trên 13% so năm 2016.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thăm mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao

Sáu tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 4.381 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Vụ đông xuân, toàn tỉnh gieo trồng gần 42 nghìn hecta lúa, đạt hơn 100% kế hoạch, năng suất đạt 66,57 tạ/ha, sản lượng trên 275 nghìn tấn. Ngành chăn nuôi  có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm đều tăng; sản lượng thịt hơi ước đạt 26,7 nghìn tấn. Sản xuất thủy sản ổn định, sản lượng ước đạt trên 19 nghìn tấn, tăng 26,8% so với cùng kỳ 2017.

Những thành quả từ nông nghiệp là tiền đề để Ninh Bình có nguồn lực đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 12.2017, Ninh Bình đã có 2 đơn vị cấp huyện (huyện Hoa Lư đạt chuẩn NTM và TP Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM) và 80 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 67,3% số xã trong tỉnh. Bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã, tăng 11,5 tiêu chí so năm 2011; không còn xã dưới 8 tiêu chí.

- Trong bức tranh chung của ngành nông nghiệp, NNCNC đã được quan tâm phát triển như thế nào thưa ông?

- Trên cơ sở xác định dư địa để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh còn rất lớn, trong đó ứng dụng khoa học kỹ thuật là khâu then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh, bền vững. Từ năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tập trung kiện toàn, định hướng các đơn vị trong ngành thuộc các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, khuyến nông, công nghệ cao...) nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng các mô hình, chương trình, dự án ứng dụng NNCNC chuyển giao và nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, để thúc đẩy việc ứng dụng NNCNC, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN - PTNT) tập trung cho việc phát triển nguồn nhân lực bằng cách: Thu hút cán bộ có trình độ chuyên sâu về nông nghiệp; cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm, đào tạo về sản xuất NNCNC tại các tỉnh mạnh về NNCNC (TP Hồ Chí Minh; Lâm Đồng); các nước trên thế giới (Hàn Quốc).

Sở NN - PTNT cũng tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 14.12.2016 về phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó thực hiện một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển NNCNC: Đối với những mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ từ 200 đến 500 triệu đồng; đối với doanh nghiệp đầu tư vào phát triển NNCNC, ngoài những hỗ trợ tốt nhất về đất, nguồn vốn... tỉnh Ninh Bình còn hỗ trợ (nghiên cứu, lựa chọn, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao).

Trong năm 2017, Ninh Bình đã phân bổ 10.870 triệu đồng cho 20 mô hình và 8 chương trình, dự án. Một số mô hình, dự án đem lại hiệu quả cao như: Vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (Kim Sơn) nuôi trong nhà lưới, 3 vụ/năm, hiệu quả 8 - 10 tỷ đồng; Nuôi lợn hữu cơ tại Gia Hòa, Gia Viễn, được châu Âu chứng nhận; Các mô hình sản xuất rau, củ quả trong nhà lưới ứng dụng tưới tiết kiệm, nhỏ giọt, chế phẩm sinh học… ở nhiều địa phương: Yên Khánh, Gia Viễn, Yên Mô, TP Ninh Bình tiếp tục được nhân ra diện rộng.

- Nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào NNCNC, tỉnh đã có những biện pháp gì thưa ông?

- Để đạt được các mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi Ninh Bình phải triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp kết hợp như: Hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng  tiến bộ khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại… Nhưng có thể khẳng định, giải pháp cơ bản để tạo sự đột phá cho ngành nông nghiệp đó là thu hút đầu tư, thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bởi chỉ khi các doanh nghiệp cùng tham gia với nông dân thì mới có điều kiện đưa được công nghệ hiện đại, đồng bộ vào sản xuất. Lúc đó, không chỉ vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao mà còn có tác dụng lan tỏa sức ảnh hưởng với những vùng lân cận, tạo hiệu ứng dây chuyền trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Giải pháp về quy hoạch: Trước mắt cần tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để cơ cấu lại quỹ đất, cơ cấu lại sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực, trong đó chú trọng đến tính kết nối vùng, liên vùng; tích tụ ruộng đất, tạo quỹ đất thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô đủ lớn với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế của tỉnh và quỹ đất dành cho các hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Dựa trên quy hoạch tổng thể, Sở NN - PTNT sẽ tập trung thực hiện quy hoạch chi tiết vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao theo sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng địa phương. Đồng thời đánh giá, tổng kết các mô hình, chương trình dự án ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, làm cơ sở nhân rộng.

Giải pháp về khoa học công nghệ: Ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trước mắt tập trung cho rau, hoa, chăn nuôi lợn, tôm... Tăng cường hợp tác với các trường đại học, các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học,  nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trang trại, Hợp tác xã, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm các loại giống cây trồng, vật nuôi mới; quy trình sản xuất, thâm canh... ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất.

Qua đánh giá sơ bộ, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt và có tiềm năng nhân rộng, như: Mô hình sản xuất rau an toàn xuất khẩu, sử dụng tưới nhỏ giọt, cáp treo làm giàn ở Khánh Cư, Khánh Hội, Khánh Cường (huyện Yên Khánh) có giá trị thu hoạch từ 400 - 500 triệu đồng/ha/vụ, tương đương khoảng 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, có giá trị bình quân 1ha đạt 8-10 tỷ đồng/năm, hiện đang nhân rộng ra các xã ven biển...

Đào tạo nguồn nhân lực: Thu hút cán bộ trình độ cao phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.  Nâng cao năng lực cán bộ Hợp tác xã, các chủ trang trại về quản lý tài chính, sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường. Tập huấn nâng cao năng lực, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân trong tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Phát triển dịch vụ nông nghiệp: Tập trung phát triển mạnh hệ thống dịch vụ công theo chuỗi giá trị sản phẩm (từ giống, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông, kiểm tra chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ...). Củng cố và phát triển các tổ chức dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho phát triển sản xuất đi kèm với cơ chế kiểm tra nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, thu hoạch, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản; đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại: Hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại nông sản trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực có khối lượng hàng hóa lớn. Hỗ trợ các HTX, THT, các hộ sản xuất liên kết với nhau hoặc liên kết với các doanh nghiệp, các cửa hàng, siêu thị để cung ứng các dịch vụ đầu vào sản xuất, hoặc tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Anh Hiển
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân