Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Tuyên Quang

15/11/2018 09:25
  • Print
  • Lượt xem: 7484

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là cơ hội làm thay đổi diện mạo, tạo nên sức sống mới cho nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở các địa phương. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, những năm qua, với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở tỉnh Tuyên Quang xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó chủ động tham gia, không “trông chờ, ỷ lại” trong xây dựng nông thôn mới. 

Trên cơ sở hiệp thương, phối hợp hoạt động với các tổ chức thành viên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai xây dựng nông thôn mới và thực hiện lồng ghép trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng chủ động tổ chức nhiều lớp tập huấn có nội dung về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ Mặt trận. Năm 2017 và năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh còn phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và Công an thành phố Tuyên Quang tổ chức 08 hội nghị tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự cho gần 2.000 đại biểu trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu hoạt động hướng về cơ sở, Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh trực tiếp tham gia các ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới; đặc biệt, các ban phát triển thôn phát huy vai trò của ban công tác Mặt trận tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn theo hướng thiết thực, “cầm tay chỉ việc” và bằng sự nêu gương của các cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ Mặt trận tiến hành tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình và người dân về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trước hết là những tiêu chí có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, như xây dựng đường bê-tông nội đồng, cứng hóa kênh mương; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao; giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng công trình vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn, ao, khuôn viên; xóa đói, giảm nghèo… 

Để giúp người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo trong xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn ưu tiên sử dụng nguồn Quỹ Vì người nghèo các cấp và các nguồn lực khác của tỉnh hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo. Mặt trận Tổ quốc các cấp còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên để phân nhóm các hộ nghèo theo nguyên nhân, từ đó xây dựng được kế hoạch, phương án hỗ trợ phù hợp cho các hộ theo kế hoạch giảm nghèo hằng năm. 

Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh phối hợp tổ chức tốt việc giám sát thực hiện những chính sách về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; tích cực cùng cấp ủy, chính quyền hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Ở các khu dân cư, việc tổ chức thành công Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm cũng góp phần tăng cường đoàn kết cộng đồng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, từ năm 2017, Mặt trận Tổ quốc ở các xã còn trực tiếp chủ trì việc lấy phiếu đánh giá về mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, làm căn cứ để công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã đã hoàn thành đầy đủ các tiêu chí. Theo đó, chỉ những xã có trên 90% số người dân được hỏi hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thì mới được công nhận là đạt chuẩn nông thôn mới. 

Có thể nói, với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Tuyên Quang đã có những đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Năm 2017, có 23 xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm xuống còn 19,77% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Để tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Tuyên Quang thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục để góp phần tích cực vào việc xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Chẳng hạn, đó là những hạn chế: Trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, việc chỉ đạo, triển khai và phối hợp thực hiện có nơi, có lúc còn chưa thật tập trung, thống nhất. Ở một số cơ sở còn lúng túng, thiếu chủ động trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức thành viên hướng dẫn, triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; việc tham gia xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới còn đạt hiệu quả chưa cao… Một số cán bộ Mặt trận thiếu chủ động trong nắm bắt các nội dung, yêu cầu của việc phối hợp xây dựng nông thôn mới; chưa thực sự sâu sát với thực tiễn cơ sở nên chưa kịp thời phản ánh, tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh trong xây dựng nông thôn mới. 

Xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc. Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang, một số nhiệm vụ, giải pháp cần được chú trọng triển khai thực hiện là: 

Một là, trên cơ sở quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với ủy ban nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 148/KH-MTTQ, ngày 09-6-2017, của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, về “Hiệp thương phối hợp thống nhất thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc ở các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tranh thủ các điều kiện và nguồn lực để xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản ở khu dân cư phù hợp ở xã, phường, thị trấn; chủ trì hiệp thương thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội để chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc trong quá trình xây dựng các mô hình này.

Hai là, phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để người dân được bàn bạc, góp ý, tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ngay tại cộng đồng dân cư, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là trong giám sát thực hiện các cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tổ chức việc lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại các xã về đích bảo đảm nghiêm túc, khách quan, trung thực, phản ánh được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân.

Ba là, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nắm bắt tình hình thực tiễn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, cũng như những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giải quyết ngay từ cơ sở. Tiếp tục hướng dẫn và tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Chủ trì phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng Quỹ Vì người nghèo các cấp và quản lý, sử dụng có hiệu quả Quỹ này trong hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo làm nhà ở và phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. 

Bốn là, tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác Mặt trận Tổ quốc trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Một trong những nguyên nhân hạn chế trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Tuyên Quang là do còn có những cán bộ Mặt trận chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Theo đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang, đối với mỗi cán bộ Mặt trận Tổ quốc, việc sâu sát với cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng, bởi chỉ có trải qua thực tiễn, được tôi luyện và học hỏi trong thực tiễn, người cán bộ Mặt trận mới có thể rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, năng lực, trình độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đó, mỗi cán bộ Mặt trận cần bám sát thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở cơ sở và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, để tập hợp và đoàn kết nhân dân xây dựng thành công nông thôn mới, tự bản thân mỗi cán bộ Mặt trận phải trở thành một tấm gương, nhất là phải gần gũi, gắn bó với nhân dân, được nhân dân yêu mến, tin tưởng./.

Khánh Ly/tapchicongsan.org.vn