Bình Dương: 46/46 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

15/11/2019 10:42
  • Print
  • Lượt xem: 1924

Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh đã có 46/46 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngày 07/10/2019, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương có Báo cáo số 122/BC-SNV về tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đối với tiêu chí số 9, Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 và tiêu chí số 18 (nội dung 18.1, 18.2) của Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, sau hơn 10 năm quán triệt nghiêm túc, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện cùng với sự đồng lòng hưởng ứng của Nhân dân, doanh nghiệp, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang và hiện đại; tiêu chí nông thôn mới đạt được ở các xã ngày càng tăng.

Đến nay, có 46/46 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Hiện tại, tỉnh Bình Dương đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn kiểu mẫu và chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Đối với nội dung tiêu chí 18.1 về cán bộ, công chức cấp xã, giai đoạn I (2010 - 2015), tổng số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên năm 2010 là 1.034/1.728, đạt tỷ lệ 60%; đến cuối năm 2015 là 1.809/1.996, đạt tỷ lệ 84% (tăng 24% so với năm 2010). Cả giai đoạn đạt tỷ lệ là 74%. Giai đoạn II (từ tháng 01/2016 đến tháng 6/2019), tổng số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên năm 2016 là 1.900/2.052, đạt tỷ lệ 93%; đến tháng 6/2019 là 1.966/1.966, đạt tỷ lệ 100% (tăng 7% so với năm 2016). Cả giai đoạn đạt tỷ lệ 84%, tăng 10% so với giai đoạn I.

Đến nay, có 46/46 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nội dung tiêu chí số 18.1 (cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn).

Đối với nội dung tiêu chí 18.2 về các tổ chức trong hệ thống chính trị, có 46/46 xã trên địa bàn tỉnh có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đến nay, 46/46 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nội dung tiêu chí 18.2.

Bên cạnh việc thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo UBND cấp huyện thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện và Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện theo tiêu chí số 9 ban hành kèm theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Về thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, trên địa bàn tỉnh có 3 thị xã và 4 huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới. hiện tại, có 7/9 đơn vị hành chính cấp huyện thành lập Ban Chỉ đạo, đạt tỷ lệ 100% (thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Dĩ An không thực hiện xây dựng nông thôn mới).

Đến nay, có 6/7 huyện, thị xã thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Chánh Văn phòng Điều phối và thành viên là lãnh đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện.

Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát và huyện Dầu Tiếng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 03 huyện còn lại (huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng và huyện Bắc Tân Uyên) hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình hội đồng thẩm định Trung ương xét công nhận.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2010 - 2020, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các cấp sâu sát, quyết liệt; các sở, ban, ngành phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn trong việc thực hiện Chương trình; đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân.

Công tác tuyên truyền, vận động luân được chú trọng, triển khai sâu rộng tới quần chúng Nhân dân bằng nhiều hình thức, nội dung truyền tải phong phú, đa dạng nên đã tạo được những chuyển biến lớn, đạt được những kết quả đáng khích lệ cả về tư tưởng, nhận thức và hành động trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân tích cực đóng góp ngày công, hiến đất, kinh phí để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm; văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường và vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, làm việc, vui chơi giải trí, hoạt động thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Ngoài ra, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đối với cả hệ thống chính trị; các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến xã đã chủ động hơn trong việc tổ chức thực hiện, đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo sự phân công của Ban Chỉ đạo.

Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. An ninh, trật tự xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững và ổn định. Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được Nhân dân và xã hội đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sức lan tỏa lớn và thật sự mang lại hiệu quả thiết thực đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Kết quả xây dựng nông thôn mới nổi bật giai đoạn 2010 - 2020

Trong triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Bình Dương đã bám sát các quy định, văn bản hướng dẫn của Trung ương và có cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp trong tổ chức thực hiện. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ sớm được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ, phù hợp với thực tế. Công tác tuyên truyền được quan tâm, triển khai thường xuyên tạo chuyển biến mạnh về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn. Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh đã có 46/46 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bộ mặt nông thôn tỉnh Bình Dương tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng khang trang, hiện đại, nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây mới, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về cơ chế chính sách, song song với việc triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Trung ương ban hành, UBND tỉnh đã ban hành một số chích sách đặc thù của địa phương hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần tác động tích cực trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Về chỉ đạo điều hành, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, được triển khai dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương. Các cấp, các ngành chỉ đạo sát sao, quyết liệt từng bước thực hiện các tiêu chí để sớm đạt được mục tiêu.

Huy động nguồn lực, đã huy động được nhiều nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và sự đóng góp to lớn của Nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh.

Về sự hài lòng của người dân, xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của nông thôn, kết cấu hạ tầng được hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho người dân. Về y tế, văn hóa, giáo dục ngày càng được nâng cao về chất lượng, môi trường được quan tâm sâu sắc, an ninh trật tự được bảo đảm; Kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội khu vực nông thôn phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở…, tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn của tỉnh.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư sản xuất, khuyến khích phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ trong nông thôn; cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Các mô hình kinh tế tập thể được quan tâm củng cố và phát triển. Toàn tỉnh có 163 Hợp tác xã với trên 55.000 thành viên; có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả, được mở rộng đầu tư, kinh doanh góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, có 137 tổ hợp tác với hơn 1.400 thành viên.

Thu nhập bình quan đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 58 triệu đồng/người/năm, 100% xã đạt tiêu chí về thu nhập (tăng 71,83% số xã đạt so với năm 2011, tăng 8,17% số xã đạt so với năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh đến cuối năm 2018 còn 1,62% (trong đó: hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội 0,65% và hội nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo 0,97%).

 

Tuệ Mẫn