Hậu Giang: Kết quả thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện sau năm 2020

02/12/2019 15:48
  • Print
  • Lượt xem: 1612

Nhìn chung, cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã, đều nhận thức vai trò trách nhiệm, trong xây dựng nông thôn mới và xác định được chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức là nhân tố quan trọng. Từ đó cử nhiều cán bộ, công chức đi đào tạo các ngành phù hợp với chức danh đảm nhiệm, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên đáp ứng được yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê tính đến cuối năm 2018, tỉnh Hậu Giang có 53/53 xã đạt tiêu chí số 18.1 và 18.2. Về số lượng, tiêu chuẩn cán bộ, công chức và các tổ chức chính trị ở cơ sở của 53 xã đã đảm bảo theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

Tổng số có 1.141 người, trong đó: trình độ chuyên môn Đại học (818 người), Cao đẳng (17 người), Trung cấp (275 người), Sơ cấp (21 người); trình độ Lý luận chính trị Cử nhân (03 người), Cao cấp (188 người), Trung cấp (762 người), Sơ cấp (83 người); trình độ Quản lý nhà nước đáp ứng đầy đủ theo quy định; trình độ tin học có 100% công chức xã có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên.

Để đạt được kết quả như trên, Sở Nội vụ đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân, phát động nhiều phong trào thiết thực, tạo nhiều luồng sinh khí mới cho nông dân, phong trào thi đua đã phát huy được hiệu quả nhiều mô hình mới, cách làm hay. Cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân đã hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, nội dung Chương trình và có tinh thần, ý thức trách nhiệm cao trong tham gia xây dựng nông thôn mới; Phong trào “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân hưởng ứng hết sức mạnh mẽ, có nhiều tập thể, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia xây dựng phong trào. Nhiều địa phương đã quyết tâm nổ lực cao trong phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Hậu Giang cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, như:

Trong việc xây dựng nông thôn mới thì vai trò địa phương cơ sở là quyết định, nhưng hiện tại vẫn còn một số địa phương chưa quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình. Một số địa phương còn lúng túng; một bộ phận cán bộ lãnh đạo địa phương chưa thật sự vào cuộc, thiếu sự năng động, sáng tạo, có tâm lý trông chờ cấp trên. Hướng dẫn của một số sở, ngành chưa thật cụ thể, rõ ràng, một mặt do Trung ương chưa có hoặc hướng dẫn còn chung chung, một mặt chưa đầu tư nghiên cứu kỹ gắn với điều kiện thực tế của địa phương. Dẫn đến, trong triển khai thực hiện ở một số địa phương còn lúng túng, đề ra kế hoạch chưa sát với từng nội dung tiêu chí. Bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp thiếu cán bộ chuyên trách nên công tác tham mưu chưa được phát huy tốt nhất, các sở, ngành chưa phân công rõ cán bộ tham mưu cho lãnh đạo ngành phụ trách các tiêu chí…

Bài học kinh nghiệm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới

Qua thực tiễn cho thấy, ở địa phương, đơn vị, cơ sở nào đoàn kết nội bộ tốt, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, người đứng đầu quyết liệt vào cuộc bằng “cái tâm, cái tầm” của mình, cán bộ gương mẫu, thực hiện trước, có khen thưởng, giám sát, phân công cụ thể, rõ ràng,... nơi đó có phong trào xây dựng nông thôn mới tốt nhất.

Gắn kết lồng ghép các chương trình như: chương trình toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia phục vụ an sinh xã hội với Chương trình xây dựng nông thôn mới, nên phát huy được nguồn nhân lực và nguồn vốn đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.

Phải thấy xây dựng nông thôn mới là cả một quá trình dài, tổng hòa nhiều mối quan hệ và chưa có tiền lệ; do đó, phải sớm thành lập, kiện toàn Văn phòng Điều phối các cấp, gắn với tăng cường đào tạo tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để chuẩn bị lực lượng chuyên sâu, tham mưu tốt, hiệu quả và tin cậy cho Ban Chỉ đạo; trong quá trình tổ chức thực hiện không chủ quan, nóng vội vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn,… nhưng cần phải vào cuộc quyết liệt.

Quan tâm, chú trọng công tác thi đua khen thưởng, đặc biệt là thi đua trong cộng đồng dân cư, khen thưởng cá nhân tiêu biểu, tạo được sự khích lệ, phấn khởi trong dân sẽ góp phần tích cực trong chuyển đổi nhận thức của người dân, nâng cao tính tự giác trong hưởng ứng, tham gia thực hiện Chương trình.

Định hướng thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới sau năm 2020

Giai đoạn 2021 - 2025, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp theo các quy định hiện hành, sắp xếp hoàn thiện bộ máy giúp việc các cấp theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cho Chương trình Môi trường quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Trong đó, có những lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã vừa nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị để đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để kịp thời công nhận đối với những xã đạt tiêu chí số 18; Tiếp tục hướng dẫn các địa phương bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cho phù hợp với trình độ chuyên môn đào tạo, rà soát nắm danh sách cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn để có hướng tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh mở các lớp đào tạo nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức theo quy định.

Giai đoạn 2025 - 2030, rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, bố trí đủ số lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy hiệu quả chức năng tham mưu, điều phối của cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ xây dựng nông thôn mới các cấp đặc biệt là Ban Chỉ đạo cấp xã, Ban Phát triển ấp.

Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện

Thứ nhất, đề xuất nội dung, giải pháp thực hiện: Phối hợp với các ngành, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đồng bộ để triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tâp trung quán triện thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đặc biệt, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thứ hai, đề xuất phương hướng kiện toàn bộ máy, tổ chức tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình ở các cấp trong giai đoạn sau năm 2020 theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả: bố trí đủ số lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy hiệu quả chức năng tham mưu, điều phối của cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp; đào tạo tập huấn chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ xây dựng nông thôn mới các cấp đặc biệt là Ban Chỉ đạo cấp xã, Ban Phát triển ấp.

Thứ ba, phát động phòng trào thi đua để huy động các nguồn lực và người dân tham gia thực hiện Chương trình: tiếp tục phát động phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từng năm có thi đua theo chủ đề để động viên khen thưởng, khen thưởng đột xuất, nêu gương những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào./.

 

Tuệ Mẫn