Bài học kinh nghiệm rút ra qua 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới

02/12/2019 16:28
  • Print
  • Lượt xem: 5576

Bộ mặt nông thôn của tỉnh Hưng Yên tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng khang trang, hiện đại, nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây mới, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Qua những kết quả đạt được, tỉnh Hưng Yên cũng đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, xây dựng nông thôn mới trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về xây dựng nông thôn mới. Phải làm cho người dân xác định chính họ là chủ thể của xây dựng nông thôn mới thì Chương trình mới thật sự thành công.

Thứ hai, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

Thứ ba, cần xác định những công trình, công việc bức xúc của người dân và tập trung thực hiện tốt, từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho người dân, khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của dân trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, thực tiễn cho thấy ở địa phương, đơn vị, cơ sở nào đoàn kết nội bộ tốt, phát huy dân chủ thật sự, người đứng đầu quyết liệt vào cuộc thì xây dựng nông thôn mới ở nơi đó đạt kết quả cao. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo thật sự dân chủ, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định và có sự giám sát của cộng đồng dân cư để đảm bảo công khai, minh bạch.

Thứ năm, xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, không được chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện. Cần kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới và cần tăng cường kiểm tra, giám sát để có chỉ đạo, uốn nắn kịp thời.

Giai đoạn 2021 - 2025, cán bộ, công chức xã đạt chuẩn đối với cán bộ xã về trình độ chuyên môn đạt 100% cán bộ xã có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó 50% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; về trình độ lý luận chính trị đạt 100% cán bộ xã có trình độ từ trung cấp trở lên.

Đối với công chức xã, về trình độ chuyên môn đạt 100% công chức xã có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó 50% có trình độ đại học trở lên; về trình độ lý luận chính trị đạt 60% công chức xã có trình độ từ trung cấp trở lên và 100% công chức xã có đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức hành chính theo quy định.

Có đủ hệ thống chính trị ở cơ sở theo quy định, tỉnh Hưng Yên phấn đấu đạt 100% số xã có đủ các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và tổ chức công đoàn và 100% thôn có đủ các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Chi bộ Đảng, Thôn, Ban Công tác Mặt trận, Chi hội: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên.

Giai đoạn 2025 - 2030, cán bộ, công chức xã đạt chuẩn, đối với cán bộ xã đạt 100% cán bộ xã có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên, trong đó 70% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; về trình độ lý luận chính trị đạt 100% cán bộ xã có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó 30% có trình độ cao cấp lý luận chính trị trở lên.

Đối với công chức xã, phấn đấu đạt 100% công chức xã có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học trở lên, trong đó 80% có trình độ đại học trở lên; về trình độ lý luận chính trị đạt 100% công chức xã có trình độ từ trung cấp trở lên và 100% công chức xã có đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức hành chính theo quy định.

Có đủ hệ thống chính trị ở cơ sở theo quy định, phấn đấu đạt 100% số xã, thôn có đủ hệ thống chính trị ở cơ sở theo quy định, đạt trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở. Để nâng cao chất lượng đội ngũ này, cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, nhất là cấp xã về tính cấp thiết của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở hiện nay. Trên cơ sở đó xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch cũng như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Đây là giải pháp có tính cơ bản, lâu dài, bởi nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường cơ bản vẫn phải lấy từ cơ sở, nguồn tại chỗ là chính.

Đẩy mạnh việc tuyển dụng, thu hút sinh viên tốt nghiệp chính quy tại các trường đại học có chuyên môn phù hợp về công tác tại cơ sở; giúp cho cơ sở có một đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có kiến thức, từ đó có nhận thức đúng giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đảm bảo các quy định, chính sách pháp luật và tầm nhìn tổng thể tạo sức mạnh cho cơ sở phát triển, tránh được sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sai làm ổn định tình hình và các điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; đồng thời đẩy mạnh luân chuyển cán bộ cấp huyện về làm cán bộ chủ chốt cấp xã nhằm khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, địa phương trong bố trí các chức danh chủ chốt ở cấp xã; thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ đảng sang bên chính quyền và ngược lại để rèn luyện, thử thách, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nắm bắt các lĩnh vực, đúc rút được nhiều kinh nghiệm công tác.

Tinh giản bộ máy, số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Đối với cán bộ chuyên trách không tái cử, hoặc không được bầu vào chức danh mới thì cho nghỉ, đóng bảo hiểm tự nguyện hoặc hưởng trợ cấp một lần để giảm ngân sách chi.

Đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ của cấp trên, nhất là cấp huyện. Cấp ủy cấp huyện cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ cấp xã, kịp thời phát hiện, uốn nắn những hạn chế, thiếu sót, lệch lạc, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã đúng quan điểm, định hướng của Đảng.

Hai là, tăng cường công tác xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ đối với công chức làm nhiệm vụ theo dõi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua nói trên./.

 

Anh Cao