Dọn vệ sinh môi trường tại xã Ninh An (Hoa Lư).
Ảnh: Trường Giang, (Nguồn: nongthonmoi.ninhbinh.gov.vn) Theo Báo cáo tham luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình gửi về Ban Tổ chức Hội thảo “Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, diễn ra sáng ngày 09/12 cho biết, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Ninh Bình cũng có điểm xuất phát tương đối thấp: Năm 2011, bình quân toàn tỉnh mới đạt 5 tiêu chí/xã; có 2 xã đạt trên 10 tiêu chí; có 32 xã đạt dưới 5 tiêu chí; thu nhập bình quan đầu người khu vực nông thôn đạt 13,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở mức 12%.
Tuy nhiên, xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của cả hệ thống chính trị. Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tỉnh Ninh Bình đã thành lập bộ máy chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh theo đúng quy định của Trung ương. Đảm bảo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh mang tính chuyên trách, chuyên nghiệp, đảm bảo vị thế, có đủ số lượng cán bộ có năng lực và có trình độ tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, UBND tỉnh quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Về mô hình tổ chức, lãnh đạo Văn phòng Điều phối có Chánh Văn phòng và 02 Phó Chánh Văn phòng, trong đó, có 01 Phó Chánh Văn phòng chuyên trách. Về phòng chuyên môn, gồm có 02 phòng là Phòng Hành chính - Tổng hợp và Phòng Điều phối, nghiệp vụ. Số lượng người làm việc chuyên trách hiện nay là 08 người, gồm: 02 lãnh đạo, 06 cán bộ chuyên trách. Hiện nay, Văn phòng Điều phối chưa được giao biên chế riêng; các cán bộ, công chức, viên chức đang thuộc biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện, bộ máy lãnh đạo Văn phòng gồm có 03 đồng chí kiêm nhiệm; Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực làm Chánh Văn phòng Điều phối; Trưởng và Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Chánh Văn phòng Điều phối, các thành viên có từ 9 - 11 người tham gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Nhìn chung, từ khi Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh được thành lập đến nay đã tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo, UBND các cấp về quan điểm, chủ trương, cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh kịp thời, hiệu quả cao góp phần quan trọng đưa tỉnh Ninh Bình từ khi bước vào thực hiện Chương trình đầu năm 2011 số tiêu chí bình quan trên xã là 5 tiêu chí, trong đó 14/119 xã dưới 5 tiêu chí.
Đường giao thông liên thôn xã Kỳ Phú (Nho Quan) đã góp phần phát triển kinh tế các xã khu vực miền núi.
Ảnh: Anh Tuấn (Nguồn: nongthonmoi.ninhbinh.gov.vn) Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững, được Trung ương đánh giá cao. Đến hết ngày 30/9/2019, số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh: 91 xã, chiếm 77% số xã xây dựng nông thôn mới và bằng 86% so với mục tiêu đến năm 2020 là 106 xã; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là 03 đơn vị, đạt 100% so với kế hoạch đến năm 2020; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 17,9 tiêu chí, tăng 13,1 tiêu chí so với năm 2011. Không còn xã đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 36,5 triệu đồng/người/năm.
Báo cáo tham luận cũng nêu ra một số hạn chế, khó khăn như: Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp, tuy nhiên chưa xác định rõ vị trí pháp lý của Văn phòng Điều phối nông thôn mới trong hệ thống các cơ quan; Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh bố trí cán bộ hoạt động theo chế độ biệt phái và kiêm nhiệm nên vẫn chưa thực sự chuyên trách, chuyên sâu, vì thiếu ổn định ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần cống hiến; cán bộ làm công tác nông thôn mới ở cấp huyện, xã đều là kiêm nhiệm, nên rất khó khăn cho công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình; Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện sử dụng con dấu và tài khoản của UBND huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện với trách nhiệm nặng nề nhưng chưa được hưởng phụ cấp chức vụ do chưa có hướng dẫn từ Trung ương.
Mặt khác, hiện nay, ở Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Ở các tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh. Tuy nhiên, Văn phòng Điều phối nông thôn mới của các tỉnh lại khác nhau, có tỉnh để trực thuộc UBND tỉnh, có tỉnh để trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có tỉnh đặt trụ sở tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có tỉnh đặt tại Chi cục Phát triển nông thôn. Để phát huy được hiệu quả hoạt động của tổ chức này, thì phải xác định đúng vị trí của Văn phòng Điều phối ở các tỉnh trực thuộc cơ quan nào.
Từ những vấn đề nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đề xuất một số nội dung sau:
Quy định rõ và thống nhất trong cả nước về vị trí pháp lý của Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh hay trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu trực thuộc UBND tỉnh thì bố trí biên chế, trụ sở làm việc riêng.
Quy định rõ cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn, biên chế tối thiểu trong tổ chức bộ máy cấp tỉnh để thống nhất với hệ thống ngành dọc, đảm bảo thực hiện tốt vai trò, chức năng tham mưu quản lý và tổ chức thực hiện đối với một Chương trình lớn, lâu dài, nhiều lĩnh vực đa ngành như Chương trình xây dựng nông thôn mới - là một Chương trình “không có điểm đầu và không có điểm kết thú’, có tính thống nhất, đồng bộ trong cả nước.
Quy định Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện được cấp con dấu và tài khoản riêng, được bố trí kinh phí hoạt động từ ngân sách cấp huyện theo định mức cụ thể./.
Tuệ Mẫn