Đồng Nai: Vai trò của Văn phòng chỉ đạo nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

18/12/2019 09:39
  • Print
  • Lượt xem: 1615

Theo Báo cáo tham luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh quyết định thành lập năm 2015, Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện do UBND cấp huyện quyết định thành lạp và được kiện toàn theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định tại các văn bản khác của Trung ương. Trong đó, xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp.

Toàn cảnh hội thảo nông dân tham gia thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020

Về tổ chức bộ máy, Văn phòng Điều phối tỉnh không có bố trí các phòng, ban chuyên môn. Hiện nay, Văn phòng Điều phối cấp tỉnh có tổng số là 09 cán bộ, công chức và hợp đồng lao động, trong đó, Chánh Văn phòng Điều phối do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm. Văn phòng Điều phối cấp huyện đặt tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế (tùy huyện, thành phố), không có con dấu riêng, sử dụng con dấu chung của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế. Do Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chánh Văn phòng, bố trí từ 01 - 02 cán bộ làm việc tại Phòng (tùy huyện, thành phố).

Sau kiện toàn, hoạt động của hệ thống Văn phòng Điều phối các cấp đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực, thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo, UBND các cấp thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được xác định, Văn phòng Điều phối các cấp đã xây dựng quy chế hoạt động, quy chế xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động, cơ chế gắn rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao.


Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở Đồng Nai
được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Trong ảnh: Tuyến đường giao thông sạch đẹp tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán).
Ảnh: B. Nguyên

Kết quả mà Văn phòng Điều phối đã đạt được

Tham mưu Ban Chỉ đạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát và đồng bộ, đề cao và gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Vai trò điều phối được thể hiện rõ và hiệu quả hơn, đồng thời, khắc phục được tình trạng bất cập trước đây là chủ yếu sử dụng cá bộ ngành kiêm nhiệm.

Tham mưu nhiều văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trên địa bàn một cách có hiệu quả; ban hành các văn bản phân cấp cho địa phương về công tác xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo các sở, ngành xây dựng kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm; tổ chức lồng ghép các nguồn vốn theo kế hoạch được giao hàng năm để đầu tư tập trung cho xây dựng nông thôn mới tại các xã. Chỉ đạo triển khai, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia và của tỉnh về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã vùng nông thôn của tỉnh.

Đồng thời, tham mưu ban hành kịp thời các Chương trình để triển khai thực hiện: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh để triển khai thực hiện; Kế hoạch thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 đến 2020…

Công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, xã bước đầu cũng đã chuyển biến rõ nét, phát huy được trách nhiệm và vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo, cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cơ sở được đồng bộ, thống nhất.

Ngoài ra, xây dựng kế hoạch; chỉ đạo chặt chẽ việc theo rõi thường xuyên và kiểm tra định kỳ, đột xuất về tình hình triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện. Trong hơn 8 năm qua, tỉnh đã thực hiện hơn 500 lượt kiểm tra, giám sát tại các sở, ngành tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các xã; đặc biệt là đối với các địa phương có nhiều khó khăn, địa phương miền núi.

Nhìn chung, thực tiễn cho thấy, Văn phòng Điều phối được tổ chức riêng, chuyên trách chuyên nghiệp tạo rất nhiều thuận lợi trong quá trình quản lý điều hành thực hiện Chương trình, có hệ thống tổ chức theo ngành dọc, cơ bản đảm bảo về lực lượng con người đảm bảo hệ thống hoạt động nhuần nhuyễn, có hệ thống.

 

Anh Cao