Hà Tĩnh: Vị trí, vai trò của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tại địa phương giai đoạn 2010 - 2020

19/12/2019 09:19
  • Print
  • Lượt xem: 3348

Tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu đến cuối năm 2019, có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Lãnh đạo xã Thạch Đài trao đổi với cán bộ thôn Nam Thượng về phương án chỉnh trang, nâng cấp nhà văn hóa thôn
Ảnh minh họa (Nguồn: nongthonmoihatinh.vn)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, việc xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo và chính quyền các cấp trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là hết sức quan trọng, để đảm bảo hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới chuyên trách, chuyên nghiệp đã có quy định tại các văn bản của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ,… nhưng trong thực tế thì chưa được thực hiện một cách đầy đủ, thống nhất tại các địa phương.

Mô hình Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới đã thực hiện

Giai đoạn 2010 - 2011, đây là giai đoạn đầu, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh được đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm Chánh Văn phòng Điều phối, 02 Phó Chánh Văn phòng Điều phối là Chi cục trưởng và Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, trụ sở của Văn phòng Điều phối đặt tại Chi cục Phát triển nông thôn; nhân lực chủ yếu sử dụng cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn và có điều động một số Trưởng, Phó Trưởng phòng của một số sở liên quan làm việc kiêm nhiệm.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động mô hình tổ chức này không hiệu quả, vai trò, chức năng điều phối rất hạn chế vì Chi cục Phát triển nông thôn là đơn vị cấp 2 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao làm Thường trực vị thế hạn chế, ngay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là cơ quan Thường trực thì phát huy hiệu quả cũng không cao, các sở, ngành khác cho rằng xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cán bộ kiêm nhiệm của các sở, ngành làm việc thiếu tập trung; việc tham mưu của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh rất hạn chế, thiếu tính chủ động, chất lượng chưa cao, chưa tạo được phong trào mạnh mẽ trong toàn tỉnh nên kết quả chung đạt thấp (chưa có 1 xã nào đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân đạt 3,7 tiêu chí/xã - chỉ tăng được 0,2 tiêu chí so với đầu năm 2010).

Giai đoạn 2012 - 2015, Văn phòng Điều phối nông thôn mới được kiện toàn lại; được xác định là cơ quan ngang sở, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là thủ trưởng của 2 cơ quan (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh), 01 Phó Chánh Văn phòng Thường trực là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 01 Phó Chánh Văn phòng là lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn kiêm nhiệm. Lực lượng chủ yếu là cán bộ biệt phái từ các sở, ngành liên quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Công an tỉnh… làm việc 100% thời gian tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thay cơ chế kiêm nhiệm trước đây; thời điểm cao nhất có 38 người (trong đó có 9 biên chế chuyên trách).

Nhìn chung, sau khi được kiện toàn, công tác tham mưu, điều phối thực hiện Chương trình đã có hiệu quả rõ rệt; Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã điều phối được các hoạt động của các ngành cùng cấp và cấp dưới theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo với tất cả các lĩnh vực trên tất cả các tiêu chí đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hơn. Với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chuyên trách, chuyên nghiệp nên đã chủ động trong việc tham mưu, đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện như: đề xuất bổ sung thêm tiêu chí số 20 “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu”; xây dựng Bộ chỉ số đánh giá tiêu chí; mô hình theo tiêu chí, thực hiện tốt các cách thức tuyên truyền, xây dựng website; tham mưu các cơ chế, chính sách… tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở và kiểm tra, kiểm soát trong quá trình thực hiện. Vì vậy, nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh đã đạt kết quả toàn diện, vững chắc (có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí; số tiêu chí bình quân đạt 12,5 tiêu chí/xã – tăng 9 tiêu chí so với năm 2010).

Giai đoạn 2016 đến nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tiếp tục được kiện toàn, nâng cấp theo hướng độc lập, chuyên trách, chuyên nghiệp, chuyên sâu cao hơn để vừa tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa tham mưu cho UBND tỉnh; Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh là chuyên trách, không bố trí kiêm nhiệm, phòng chuyên môn được bố trí 03 phòng: Phòng Hành chính – Tổng hợp và Truyền thông; Phòng Kế hoạch, nghiệp vụ, giám sát và Phòng Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tổng số biên chế theo Đề án vị trí việc làm là 29 người, hiện tại đã được bố trí 15 biên chế (dự kiến cuối năm 2019 sẽ bổ sung trong tổng biên chế của tỉnh, giảm bớt ở những đơn vị cần giảm), ngoài ra còn 6 cán bộ biệt phái và hợp đồng.

Mô hình này Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không kiêm nhiệm làm Chánh Văn phòng Điều phối đỡ bớt gánh nặng trong khi chức năng, nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất lớn, để tập trung vào các nội dung và tiêu chí của ngành. Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đều nhìn nhận, xác định được vai trò cơ quan điều phối của Ban Chỉ đạo (đứng đầu là Bí thư cấp ủy), cơ quan giúp việc của UBND tỉnh, xác định được trách nhiệm chung không phải làm trách nhiệm của riêng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cán bộ yên tâm công tác, chất lượng tham mưu cao hơn, hiệu quả công tác rõ nét hơn. Trong giai đoạn này, phong trào xây dựng nông thôn mới càng đẩy mạnh hơn về chiều rộng và ngày càng đi vào chiều sâu rõ nét.

Nhìn chung, trong giai đoạn này, Văn phòng Điều phối được kiện tòan vai trò, vị thế được nâng cao, công tác tham mưu, điều phối thực hiện Chương trình đã có hiệu quả rõ rệt; thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ đảm bảo không có sự chồng chéo nhiệm vụ các cơ quan khác, không bỏ trống nhiệm vụ, như các chức năng: Văn phòng; Điều phối, nghiệp vụ, giám sát; tham mưu thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm và tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, từ một tỉnh khó khăn, điểm xuất phát thấp, khi bước vào thực hiện Chương trình số tiêu chí bình quân trên xã chỉ đạt 3,5 tiêu chí, không có xã nào đạt trên 10 tiêu chí, có đến 120 xã dưới 5 tiêu chí và 20 xã không tiêu chí; sau 10 năm thực hiện, đến nay bình quân mỗi xã đạt 18,3 tiêu chí (tăng 14,8 tiêu chí so với năm 2010); có 173 xã đạt chuẩn (chiếm 75% tổng số xã); không còn xã dưới 12 tiêu chí; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 2 huyện là Nghi Xuân và Can Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thị xã Hồng Lĩnh và thành phố Hà Tĩnh có 100% cố xã đạt chuẩn. Khả năng đến cuối năm 2019, có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Mô hình Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh được điều chỉnh theo từng giai đoạn, ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tiễn, sát thực tế, đã thực hiện tốt công tác tham mưu quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình một cách chủ động, sâu sát với nhiều sáng tạo, hiệu quả.

Qua đó, tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy, thực tế ở các địa phương, ở địa phương nào có bộ máy tham mưu giúp việc chuyên trách, chuyên nghiệp thì kết quả thực hiện Chương trình nông thôn mới đạt được cao hơn, Chương trình đi vào chiều sâu hơn.

Gần 60 km đường giao thông nông thôn ở Kỳ Thượng, Kỳ Anh đã được bê tông hóa (Nguồn: nongthonmoihatinh.vn)


Tuệ Mẫn