Kết quả trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai

19/12/2019 15:13
  • Print
  • Lượt xem: 3046

Hiện nay, huyện Vĩnh Cửu đã có 04/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến năm 2020 có thêm 1 - 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về dự án cải tạo nâng cấp đường ĐT 768

Huyện Vĩnh Cửu từ xuất phát điểm với số tiêu chí trung bình/xã là 5 - 6 tiêu chí (năm 2010), đến tháng 9/2017, 11/11 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tháng 3/2018, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017; hiện nay, đã có 04/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến năm 2020 có thêm 1 - 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Nông thôn mới thực sự đã làm bộ mặt của toàn huyện thay đổi, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến vượt bậc, các giá trị văn hóa được phát huy, cảnh quan môi trường ngày được cải thiện, an ninh - quốc phòng được đảm bảo, kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng.

Để đạt được kết quả đó, trước hết huyện đã chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các mục tiêu và nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; và đặc biệt là chủ trương của Tỉnh ủy Đồng Nai về xây dựng nông thôn “4 có” (có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững). Đồng thời, công tác chỉ đạo, điều hành xây dựng nông thôn mới của huyện cũng có những đột phá, sáng tạo, phát huy các điều kiện thuận lợi và biến những khó khăn, thách thức của huyện thành những lợi thế để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Huyện Vĩnh Cửu xác định, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo huyện đã bàn thảo và xác định các giải pháp để phát huy các tiềm năng, lợi thế của huyện trong bối cảnh xuất phát điểm của huyện tương đối thấp so với các huyện khác trong tỉnh. Các giải pháp đột phá được đề ra và triển khai thực hiện gồm:

Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới được quan tâm, chú trọng với các hình thức phong phú, gắn với các hội thi, hội diễn văn nghệ và các hoạt động sinh hoạt văn hóa - thể dục - thể thao tập thể; nội dung tuyên truyền phong phú, theo nhiều chủ đề và phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Nhờ đó, Nhân dân nhận thức về mục tiêu và các nội dung xây dựng nông thôn mới, có 98,7% người dân đồng thuận và hài lòng với kết quả xây dựng trên địa bàn, các chính sách của nhà nước dễ dàng được người dân tiếp nhận và hưởng ứng.

Đồng thời, lồng ghép việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào hầu hết các chương trình, dự án, đề án và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của huyện, từ đó phát huy tối đa các nguồn lực cho thực hiện Chương trình; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát và đánh giá kết quả thực hiện từng tiêu chí đó.

Phát triển hạ tầng vừa là nội dung, vừa là điều kiện, là cơ sở để xây dựng nông thôn mới bền vững, do đó, huyện đã chú trọng đến việc nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở y tế,… Vì vậy, dù là huyện có địa bàn rộng, song hiện nay cơ sở vật chất của huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Ngoài ra, huyện cũng xác định ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển và phát huy lợi thế và giá trị của địa phương là lá phổi xanh của tỉnh và của cả vùng, huyện đã rất chú trọng đến các giải pháp về bảo vệ môi trường - sinh thái cảnh quan. Đó là việc chú trọng đến các giải pháp phát triển bền vững và phát triển kinh tế rừng với tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện là 63,1%, rừng sản xuất có hiệu quả kinh tế ngày càng cao (tăng hơn 30% so với năm 2011); đó là việc xây dựng cảnh quan môi trường với 126km đường hoa - cây xanh trong khu dân cư, có tuyến đường hoa dài hơn 25km dọc theo Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai; đó là hơn 96% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện được thu gom và xử lý; đó là 100% trang trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; 71,9% số hộ được sử dụng nước sạch; 98% hộ đảm bảo 03 sạch…

Huyện cũng đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đất lúa kém hiệu quả, đất trồng mì, trồng các loại cây trồng mang lại hiệu quả thấp sang chuyên canh trồng bưởi, cam, quýt, chăn nuôi hươu, nai, những mô hình có giá trị kinh tế cao, giá trị sản xuất bình quan trên diện tích đất đạt 141,2 triệu đồng/ha năm 2018; một số mô hình sản xuất tiêu biểu như mô hình trông cam cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha (lợi nhuận đạt 600 triệu đồng/ha). Đặc biệt, huyện có thương hiệu bưởi Biên Hòa - đặc sản Tân Triều đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện để sản phẩm tiếp cận thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp gắn với việc triển khai Chương trình phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp điểm, tăng cường cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và xử lý hoa trái vụ, rải vụ trên các cây trồng để nâng cao giá trị cho hàng nông sản. kết quả, hiện nay trên địa bàn huyện có 1.548ha áp dụng hệ thống tưới và bón phân qua đường ống, năng xuất tăng khoảng 25%, doanh thu tăng 10 - 15% so với sản xuất truyền thống.

Huyện đã tập trung các giải pháp phát triển du lịch sinh thái, du lịch về nguồn gắn với hồ Trị An, rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Trung ương Cục miền Nam, Chiến khu D,…. Việc phát triển du lịch nông thôn vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giữ gìn được cảnh quan sinh thái, bảo vệ rừng và phát huy được giá trị truyền thống, văn hóa của địa phương. Hiện nay, huyện đã bước đầu hình thành các điểm du lịch có sức hấp dẫn, gắn kết với các tuyến du lịch từ Biên Hòa, thành phố Hồ Chí Minh,… từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế chủ lực của địa phương.

Nhìn chung, những giải pháp trên đã góp phần nâng cao và tạo sự chuyển biến về cơ cấu nền kinh tế của huyện và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Cụ thể, năm 2019, tốc độ phát triển nền kinh tế ước đạt 8,12%; trong đó, ước tính công nghiệp là 74,15%, dịch vụ 16,4%, nông - lâm - thủy sản 9,45%; thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 64,6 triệu đồng/người/năm (tăng 3,15 lần so với năm 2011); số hộ nghèo ở khu vực nông thôn còn 0,3% (giảm 7,3% so với năm 2011).

Xây dựng nông thôn mới không phải là nhiệm vụ của riêng chính quyền, mà có sự vào cuộc của toàn xã hội. Huyện đã chú trọng các giải pháp để phát huy vai trò chủ thể của  người dân trong xây dựng nông thôn mới, từ dân muốn, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ. Đồng thời, huyện cũng đã phát huy vai trò của các trô chức, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, trong việc triển khai thực hiện Chương trình; với việc giao các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể cho từng tổ chức; đồng thời, phát huy vai trò phản biện xã hội trong việc đề xuất chính sách, giám sát triển khai và đánh giá các kết quả thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Cửu cũng xác định nguồn lực trong đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2019 để thực hiện Chương trình là rất lớn, trong đó vốn ngân sách chiếm tỷ lệ 12% (vốn ngân sách huyện chiếm 6,8%), vốn doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 39,3%, Nhân dân đóng góp chiếm tỷ lệ 32,9%. Có thể thấy, nguồn lực từ nguồn xã hội hóa và ngân sách của huyện huy động chiếm tỷ lệ tương đối lớn.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Trưởng Ban dân vận huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Hóa
t
ặng hoa chúc mừng hội nghị

Từ những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; đồng thời, qua quá trình chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình từ cấp huyện đến cấp xã, ấp, có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, cần phát huy tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo cấp huyện. Bên cạnh việc trực tiếp triển khai 09 tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, Ban Chỉ đạo của huyện còn có vai trò trong việc kiện toàn và bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực để chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các xã; trong huy động và bố trí nguồn lực cho thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trong chỉ đạo phát triển sản xuất từ việc xác định trọng tâm phát triển của từng vùng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết theo chuỗi giá trị; trong công tác bảo vệ môi trường… Thực tế tại huyện Vĩnh Cửu, Bí thư Huyện ủy là Trưởng ban Ban Chỉ đạo, do vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, không ai đứng ngoài cuộc. Các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc, việc triển khai thực hiện Chương trình ở cấp xã, ấp được thống nhất (đặc biệt là các chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và phát triển vùng sản xuất các loại hàng nông sản chủ lực của huyện).

Thứ hai, cần phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới không chỉ là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, phát huy dân chủ cơ sở; mà còn phải gồm cả “dân cần”, tức là xây dựng nông thôn mới phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, từ đó huy động được nguồn đóng góp của Nhân dân, tạo được sự đồng thuận và đảm bảo tính hiệu quả và bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Tại huyện Vĩnh Cửu, người dân đóng góp đến 32,9% nguồn lực xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 0 2019, thu nhập người dân tăng, số hộ nghèo thấp và có đến 98,7% người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, xây dựng nông thôn mới không cứng nhắc, rập khuôn mà phải dựa trên đặc thù của địa phương, phát huy các điều kiện thuận lợi, đồng thời biến các khó khăn, thách thức thành các lợi thế, thế mạnh trong quá trình phát triển. Với đặc thù là huyện có diện tích rộng, lại kéo dài hơn 100km, mức huy động đóng góp của người dân và suất đầu tư cho hạ tầng cao hơn các huyện khác, huyện Vĩnh Cửu lựa chọn chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển cây ăn quả là lợi thế; phát triển du lịch sinh thái gắn với các giá trị về thiên nhiên, cảnh quan, là lá phổi xanh của tỉnh Đồng Nai; phân huyện thành 02 vùng để có giải pháp và trọng tâm phát triển phù hợp cho mỗi vùng… Đây là hướng đi đúng, thể hiện trong giá trị tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững của huyện trong những năm qua.

Thứ tư, “xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Huyện Vĩnh Cửu đã về đích nông thôn mới từ năm 2017, song không tự mãn với kết quả đạt được mà thường xuyên nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí; hiện nay, đã có 04/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến năm 2020 có thêm 01 - 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Thực thế cho thấy, phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện không hề đi xuống sau khi về đích, mà ngược lại người dân và chính quyền vẫn nỗ lực để thực hiện Chương trình với sự tham gia ngày càng tích cực hơn. Có được điều đó, là do xây dựng nông thôn mới đi vào trọng tâm cốt lõi nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người dân thực sự thấy được giá trị của xây dựng nông thôn mới và có nhu cầu cần được tiếp tục thực hiện Chương trình…


Anh Cao